20 năm nâng tầm tiếng Việt nơi xứ người của nữ PGS.TS 8X, giảng viên ưu tú tại Đài Loan
Sau 20 năm dạy tiếng Việt ở nước ngoài, PGS.TS Trần Thị Lan xúc động và hạnh phúc khi học trò cũ báo tin “Cô ơi! Bây giờ em cũng là giáo viên dạy tiếng Việt giống cô rồi”.
Hành trình nâng tầm tiếng Việt tại nước ngoài
PGS.TS Trần Thị Lan (SN 1982) đang công tác tại Khoa Ngữ văn Đông Á, kiêm Giám đốc trung tâm nghiên cứu Việt Nam, Đại học Quốc lập Cao Hùng (Đài Loan, Trung Quốc). Chị bắt đầu công việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài từ khoảng 20 năm về trước.
Theo nữ PGS. TS 8X, năm 2014 là mốc thời gian đáng nhớ nhất, khi chị trở thành giảng viên chính thức của khoa Ngữ văn Đông Á, trường Đại học Quốc lập Cao Hùng. "Đây là mốc đánh dấu quan trọng cho những nỗ lực và tâm huyết theo đuổi con đường phát triển ngành Tiếng Việt tại Đài Loan của tôi", nữ PGS nhấn mạnh.
Từ dấu mốc này, chị Lan có nhiều điều kiện tốt hơn và nhiều nguồn lực hơn để thực hiện các kế hoạch phát triển tiếng Việt tại Đài Loan. Chị vừa tham gia giảng dạy các môn học trong khoa, biên soạn và xuất bản các sách dạy tiếng Việt, vừa tiến hành các dự án nghiên cứu liên quan đến tiếng Việt và Việt Nam học.
Năm học 2015-2016 số lượng con em gia đình có yếu tố hôn nhân nước ngoài đang học tiểu học và trung học cơ sở ở Đài Loan là 207,733 người, trong đó chỉ riêng số lượng con em người Việt là 84,492 em, chiếm 40,67%.
Nhận thức được ưu thế của những con em sinh ra trong các gia đình có yếu tố hôn nhân nước ngoài, đặc biệt là với những người đến từ khu vực Đông Nam Á, Đài Loan (Trung Quốc) chính thức đưa 7 ngôn ngữ Đông Nam Á vào khung chương trình học của cấp tiểu học và trung học cơ sở như một ngoại ngữ thứ hai.
Do số lượng con em Việt - Đài rất đông, nên tiếng Việt có một vị thế đặc biệt quan trọng. PGS. TS. Trần Thị Lan được mời làm ủy viên ban cố vấn về việc thực hiện giảng dạy tiếng Việt trong trường tiểu học, trung học.
Cho tới nay, cộng đồng người Việt ở Đài Loan (Trung Quốc) ngày càng được coi trọng hơn trước, được quan tâm và bảo vệ nhiều lợi ích. Đài Loan cũng mở các lớp học giúp các cô dâu Việt hòa nhập với xã hội, tạo điều kiện cho họ học tập, hoàn thành và được cấp bằng trung học, bằng đại học, và có nhiều người tiếp tục học chương trình sau đại học. PGS.TS Trần Thị Lan tham gia tích cực vào việc giảng dạy tại những lớp học này.
PGS.TS Trần Thị Lan cho biết rất nhiều các cô dâu Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) là những lao động phổ thông, chủ yếu làm việc trong các công xưởng, làm lao công, hoặc làm các ngành nghề dịch vụ. Chị Lan khuyến khích họ tham gia các khóa học bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt. Điều này mở ra những cơ hội mới với nhiều người, trong số đó có người từng chia sẻ chưa bao giờ tưởng tượng sẽ trở giáo viên, được mặc áo dài đứng trên bục giảng dạy tiếng Việt.
Hiện tại, nhờ sự hỗ trợ từ phía Đài Loan (Trung Quốc), PGS.TS Trần Thị Lan đang triển khai thêm việc dạy tiếng Việt online trên nền tảng trực tuyến cho người nước ngoài. Chương trình có 12 môn học từ sơ cấp đến cao cấp, được đầu tư hình ảnh đồ họa đẹp mắt. Bất cứ ai cũng có thể tham gia đăng ký học tại website Taiwanlife.
Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Thị Lan cũng có những hoạt động thiết thực trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới cộng đồng Đài Loan (Trung Quốc). Tất cả những việc này hướng tới nâng cao vị thế của người Việt tại Đài Loan, thay đổi cách nhìn với cộng đồng người Việt.
Chị Lan mong muốn giữ gìn tiếng Việt cho con em người Việt sống ở nước ngoài. Tiếp theo đó là giữ kết nối giữa cộng đồng người Việt ở nước ngoài với trong nước, mong muốn được làm cầu nối để thúc đẩy việc giao lưu hợp tác về giáo dục giữa hai bên.
"Cô ơi! Bây giờ em cũng là giáo viên dạy tiếng Việt như cô rồi"
Chia sẻ về những cơ duyên đưa chị đến với việc giảng dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho người nước ngoài, nữ PGS. TS 8X cho rằng, công việc này đến với chị rất tình cờ, khi một giảng viên người Thái Lan, lúc đó đang làm nghiên cứu sinh tại khoa Ngôn ngữ học, cho biết trường Đại học Mahasarakham (Thái Lan) mới mở chuyên ngành tiếng Việt và đang thiếu giáo viên, tỏ ý muốn giới thiệu tôi qua đó dạy.
Mặc dù đang học Thạc sĩ tại Khoa Ngôn ngữ, vừa đi học vừa dạy tiếng Trung cho những người chuẩn bị đi xuất khẩu lao động và chưa có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học nhưng khi cơ hội đến, chị Lan vẫn quyết định "liều một lần" xem sao
"Tôi quyết định sang Thái Lan dạy tiếng Việt tại Đại học Mahasarakham dù chưa hình dung rõ ràng được công việc giảng dạy bên đó sẽ như thế nào. Nghĩ lại, tôi thấy đó thực sự là cơ duyên đưa tôi đến với công việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, đến bây giờ càng ngày càng cảm thấy đam mê và tâm huyết với nghề hơn" - chị Lan chia sẻ.
Nữ PGS. TS cũng cho biết: "Những ngày đầu khá áp lực vì trong một thời gian ngắn phải xây dựng đề cương và biên soạn nội dung cho nhiều môn học khác nhau, đó là những môn học bắt buộc và lựa chọn trong khung chương trình đào tạo chính thức suốt 4 năm học của sinh viên".
Lúc này, chuyên ngành tiếng Việt tại Đại học Mahasarakham (Thái Lan) mới mở được 2 năm. Từ khung chương trình đào tạo, đến đội ngũ giáo viên, giáo trình,... đều đang trong quá trình hoàn thiện. Việc giảng dạy ngôn ngữ cho sinh viên tại một trường đại học hoàn toàn khác với công việc giảng dạy ngôn ngữ tại các trung tâm.
Nhớ lại những kỉ niệm khi lần đầu tiên giảng dạy ngôn ngữ cho người nước ngoài, chị Lan tâm sự, sinh viên Thái Lan dễ thương và tình cảm. Trong giờ học chỉ có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, có nhiều lúc cô trò không hiểu nhau, phải cố gắng sử dụng hành động để miêu tả, nhiều lúc khiến đôi bên cười nghiêng ngả. Sau giờ học, các bạn thường cùng cô đi ăn, đi mua đồ, hoặc ngồi ở sân trường để nói chuyện.
"Nhờ phương châm giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Việt nên năng lực tiếng Việt của các bạn sinh viên tiến bộ rất nhanh. Nghe các bạn có thể thành thạo dùng tiếng Việt để giao tiếp, tôi thực sự khó diễn tả niềm vui này" - chị Lan nói.
Sau này, dù đã rời khỏi Thái Lan nhưng PGS.TS Trần Thị Lan vẫn giữ lạc với các học trò cũ, chị vô cùng hạnh phúc khi có sinh viên nói rằng "Cô ơi! Bây giờ em cũng là giáo viên dạy tiếng Việt giống cô rồi".
Hiện tại, các học trò cũ tại Thái Lan cũng thường xuyên kết nối giúp cho các sinh viên chị đang giảng dạy tại Đài Loan (Trung Quốc) có cơ hội thực tập giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan. Các bạn gửi ảnh cho chị Lan và nhắn: "Cô ơi chúng em đã gặp nhau, chúng em đang ở đây và cùng nhau dạy tiếng Việt cho học sinh Thái Lan". Chị Lan cho biết thực sự vui, vì đây là thành quả và tâm huyết của mình.
Thành công nhờ nỗ lực học hỏi và cầu tiến
Trong quá trình giảng dạy tại Thái Lan, nhận thấy nếu muốn tiếp tục sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài thì cần có thêm nhiều kiến thức chuyên môn nữa. Do vậy, chị Lan bắt đầu tìm kiếm những cơ hội phát triển mới.
May mắn mỉm cười khi chị được giới thiệu làm quen với GS. Tưởng Vi Văn, giảng viên Khoa Văn học Đài Loan, Đại học Quốc lập Thành Công (Đài Loan, Trung Quốc). Giáo sư là người đã động viên khuyến khích chị làm thủ tục xin học bổng học thạc sĩ tại trường và cũng là người định hướng cho chị trong suốt quá trình học sau này.
Thời gian đầu, việc tiếp xúc và với tiếng Trung phồn thể khiến chị Lan khá hoang mang. Bên cạnh đó, kiến thức chuyên môn cũng khá khó, các nghiên cứu sinh phải chủ động đọc các tài liệu nghiên cứu mới nhất rồi chia nhóm lên lớp báo cáo khiến chị Lan đôi lúc áp lực.
Chị nói: "Có một lần, tôi học một môn học rất khó, báo cáo cuối kỳ hoàn thành và nộp đúng vào những phút cuối trước khi hết hạn. Nhưng sau đó, tôi ngồi đọc lại và phát hiện có một số lỗi sai, và một số nội dung cần bổ sung thêm. Tôi sửa và nộp lại vài ngày sau đó, có xin lỗi giáo viên và nói nếu cô không chấp nhận bản sửa này cũng không sao. Nhưng tôi rất bất ngờ khi nhận được thư phản hồi, nội dung là rất vui vì thái độ học tập của tôi, không phải học cho xong mà thực sự có trách nhiệm".
Một lần khác, khi đang trong kì thi cuối kì, môn học đòi hỏi phải viết bằng tay nhưng chữ phồn thể thực sự rất khó, hết nửa tiếng đầu các bạn khác đã viết được nhoay nhoáy cả trang, chị Lan mới mò mẫm được một chút ít. Thầy bảo bạn trợ giảng đưa chị Lan sang một phòng khác, cho phép chị hoàn thành bài thi bằng việc đánh máy. Thầy nói công bằng hay không thể hiện ở thái độ học tập.
PGS.TS Trần Thị Lan cho biết các giáo sư làm việc khá khoa học và nguyên tắc nhưng những kỉ niệm đặc biệt đó cũng khiến chị nhớ mãi không bao giờ quên, nhờ đó chị học hỏi được rất nhiều trong công việc sau này.
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ, chị Trần Thị Lan tiếp tục nhận được học bổng để học tiếp Tiến sĩ rồi PGS. Đây là một sự khuyến khích và động lực rất lớn để chị Lan thực hiện mong muốn phát triển ngành tiếng Việt tại Đài Loan (Trung Quốc).
PGS. TS Trần Thị Lan nhiều lần vinh dự nhận giải thưởng "Giảng viên ưu tú trong nâng cao chất lượng giáo dục đại học" do Cơ quan quản lý Giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) trao tặng.
Năm 2022, thông qua việc xét công nhận chức danh Phó Giáo sư, là người Việt đầu tiên được thông qua việc xét công nhận Phó giáo sư của chuyên ngành Tiếng Việt và Việt Nam học tại Đài Loan (Trung Quốc).
Ngoài ra, PGS.TS Trần Thị Lan tham gia vào một số công việc khác, ví dụ như Ủy viên Ủy ban Thường vụ Tân di dân, Ủy viên Ủy ban dân quyền thành phố Cao Hùng, Tổng hội Kiều bào trí thức Việt tại Đài Loan,..
Đời sống và pháp luật