"20 năm nữa nghỉ hưu sớm trở nên lạc hậu, tiền tích luỹ chưa đủ, các cháu lấy gì mà sống?"
Hóa ra người trẻ bây giờ thích được nghỉ hưu sớm và không làm gì nữa?
- 25-07-2022Cả nước có hơn 5.500 điểm 10, Lịch sử không phải là môn có điểm thi trung bình thấp nhất
- 24-07-2022Cung đường hơn 600 khúc cua gấp: Nỗi ám ảnh của người say xe, thách thức cả những ''tay lái lụa''
- 20-07-2022Sống bằng tiền trợ cấp, một người mẹ trở thành triệu phú chỉ nhờ 1 khoảnh khắc
Cụm từ "nghỉ hưu sớm" có lẽ đã không còn xa lạ gì với giới trẻ Việt Nam, đặc biệt là thế hệ 9x trở đi. Một vài năm trở lại đây, trào lưu FIRE - Độc lập tài chính và Nghỉ hưu sớm trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết, mang lại giấc mơ về việc nghỉ hưu sớm ở tuổi 30, 40 cho các bạn trẻ. Để từ đó, họ có kế hoạch tiết kiệm và đầu tư từ khi còn đi học, hay thậm chí là sớm hơn như thế. Người trẻ hay bàn nhau về việc, khi đạt đến ngưỡng tài chính đủ để nghỉ hưu sớm, họ có thể chẳng cần phải đi làm nữa, và dành thời gian còn lại để hưởng thụ cuộc sống.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của những thế hệ trước, thế hệ của các cô, các bác 50, 60 tuổi, thì cụm từ "nghỉ hưu sớm" nghe có chút gì đó xa vời và thiếu thực tế. Ở thế hệ 196x, việc kiếm đủ tiền, trước hết là để khỏi đói, mặc không rách, sau đó mới đến cơm có thịt, hay đủ tiền cho con uống sữa. Chỉ nhiêu đó thôi cũng là cả một vấn đề, chứ nói gì đến việc nghỉ hưu sớm.
Để phản ánh thực tế góc nhìn của thế hệ trước về việc nghỉ hưu sớm, hãy cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ bác Xuân (54 tuổi, bác sĩ) và bác Lương (50 tuổi, Thanh Hóa), hiện đang làm chủ 1 tiệm sách cũ. Ở tuổi 50, cả bác Xuân và bác Lương đều đã có tài chính ổn định, nhưng không lựa chọn việc nghỉ ngơi hưởng thụ như giấc mơ của giới trẻ.
Không nên nghỉ việc trước 50 tuổi!
Ở mỗi một thế hệ, tư duy về tài chính của họ lại khác nhau. Như bác Xuân (54 tuổi, Bác sĩ), hiện tại bác vẫn đam mê với cái nghề của mình và chưa có ý định nghỉ hưu dù tài chính đã ổn, đơn giản chỉ vì quan điểm: "Không nên nghỉ việc trước 50 tuổi. Nếu cần thì nghỉ 1 năm làm việc mình thích, rồi sau đó làm tiếp". Đây cũng là 1 trong những đặc trưng của thế hệ trước, họ không ngừng làm việc cho đến khi không còn khả năng nữa, vì nỗi lo về tài chính chưa bao giờ ngừng lại. Không chỉ lo cho bản thân, họ còn lo tới cả đời con, đời cháu. Thế nên, tiền có bao giờ kiếm đủ!
Khi hỏi về mục tiêu nghỉ hưu sớm của giới trẻ, bác Xuân đã có những phân tích cực kỳ cụ thể và thuyết phục: "Nói chung cách nhìn về tài chính của bác có sự khác biệt với thời bây giờ. Lúc bác 25 tuổi, nghĩ có được cái xe máy tốt là được. Nhưng thời nay thì người trẻ lại nghĩ, phải có ô tô mới được. Chỉ lấy 1 ví dụ đó cũng thấy, cái thời bác nghĩ về tiền, khác thời tụi mày lắm.
Giả sử, nếu như bây giờ tụi cháu đặt mục tiêu, là: Nghỉ hưu sớm và ngừng làm việc ! Thì lỡ như 20 năm sau đó, cái tư tưởng nghỉ hưu sớm này lại lạc hậu, mà khi đó, tích lũy tài chính của tụi mày vẫn chưa đủ, thì lúc đó lấy gì ăn, lấy gì sống? Khi này quay lại để mà kiếm tiền thì khó lắm."
Người lớn bao giờ cũng thế, cái họ đang lo là cuộc sống tinh thần và vật chất của 20, 30 năm tới, chứ không dừng ở việc có tiền là đủ.
Dù lựa chọn nghỉ hưu sớm hay không, thì cũng đừng nghỉ mà không làm gì
Bác Lương lại có những chia sẻ về tài chính khá cởi mở: "Bác đã từng được đi rất nhiều nơi, có cả châu Âu hiện đại, làm việc ở Anh vài năm, tư duy tài chính của họ rất khác mình. Không phải cứ chọn nghỉ ngơi là không làm gì cả. Như bác đây này, giờ đây khi không còn nỗi lo cơm áo gạo tiền, bác thoải mái sống với cái nghề bán sách cũ. Bán được cuốn nào thì bán, không bán được thì cũng chẳng ảnh hưởng gì đến bữa cơm mỗi ngày. Việc bác đang tận hưởng là ngày ngày nhìn lại hình ảnh của những người trẻ các cháu, như thấy lại hình ảnh say mê với từng trang sách giống mình ngày xưa.
Dù tư duy tài chính có hiện đại đến mấy, bác cũng không ủng hộ việc nghỉ hưu sớm và chỉ hưởng thụ. Thế nên, khi nhắc đến nghỉ hưu sớm, bác không nghĩ là: Việc khi các cháu đủ tiền sống đến hết đời thì không cần phải làm gì nữa. Đơn giản khi đó, các cháu có quyền lựa chọn xem ngày mai mình làm gì. Cái đó với bác gọi là tự do. Chứ ai mà chẳng cần làm việc hả cháu. Người khỏe làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ. Người già thì tham gia việc làng việc xã, sống vậy mới có ý nghĩa chứ. Ngồi không được ba bữa chúng mày cũng phải kiếm cái gì đó làm thôi."
Thực tế một chút, đừng mơ mộng quá
Mặc dù góc nhìn tài chính của bác Xuân hay bác Lương vẫn có những sự khác nhau, nhưng cái đích đến cuối cùng của 2 bác, vẫn là dù nghỉ hưu hay không, thì vẫn nên làm việc. Làm việc mình thích thì càng tốt.
Tuy không có định nghĩa cụ thể về việc nghỉ hưu sớm, nhưng bác Xuân cũng bày tỏ quan điểm thẳng thắn: "Tuy có nghe qua cụm từ này, nhưng bác tò mò và thấy hơi lạ, hóa ra người trẻ bây giờ thích nghỉ ngơi rồi không làm gì hết hả? Biết tích lũy tài chính lúc trẻ là rất tốt. Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tích lũy kiến thức và kinh nghiệm. Có 2 thứ đó rồi, thì làm gì cũng sẽ giỏi, sẽ ra tiền. Nghỉ hưu sớm có vẻ rất hấp dẫn, có đủ tài chính thì làm điều mình thích, du lịch, từ thiện,... nghe cũng tốt. Nhưng cái mục tiêu này vẫn nên thực tế một chút. Đừng mơ mộng quá, đừng nghĩ tích được ít tiền mà coi như đủ, rồi ngưng làm việc thì không nên."
Hay như lời bác Lương nói: "Kiếm được tiền rồi làm điều mình thích thì rất tuyệt vời. Để có được thời gian ngồi chung với đống sách cũ, bác đã phải bỏ ra hàng mấy chục năm trời làm việc không ngừng nghỉ, đi đây đó tích lũy kinh nghiệm, rồi học tiêu tiền, tiết kiệm, học đầu tư,... chứ có phải có tiền rồi để đó mà hưởng thụ không thôi đâu. Bác vẫn làm việc, và làm việc mình thích một cách hăng say đó chứ. Nhưng bác vẫn ủng hộ mục tiêu nghỉ hưu sớm của chúng mày nhé. Vì nói thì dễ chứ làm thì mấy ai mà thành!"
Trí thức trẻ