20 nhà thầu làm cao tốc Bắc - Nam đồng loạt "kêu cứu"
Trước sức ép về giá vật liệu tăng đột biến, 20 nhà thầu của dự án đường cao tốc Bắc - Nam vừa đồng thời gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, các bộ ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, cứu doanh nghiệp khỏi bờ vực phá sản.
- 15-07-2022Phê duyệt 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam
- 11-07-2022Chính phủ đề nghị chuyển đổi hơn 1.000 ha rừng để làm cao tốc Bắc - Nam phía Đông
- 19-06-2022Hà Tĩnh tập trung giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam
Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư với kiến nghị xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Theo văn bản, các doanh nghiệp cho biết, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính liên tục biến động tăng đột biến, như: Thép, đất đắp các loại, cốt liệu đá cho bê tông xi măng, bê tông nhựa..., cát vàng sản xuất bê tông xi măng.
Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 xảy ra xung đột Nga - Ukraine, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao kéo theo giá nhiên liệu diesel và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ (nhựa đường, nhựa thấm bám...) tăng phi mã; giá cước vận chuyển tăng từ 70-150% kể từ cuối năm 2021.
Mặc dù nhà thầu đã rất cố gắng xoay xở dòng tiền, dồn mọi nguồn lực cho dự án nhưng sự mất cân đối dòng tiền lũy kế trong hơn 1 năm qua là quá lớn. Doanh nghiệp rơi vào suy kiệt tài chính và đang trên bờ vực phá sản.
Trong khoảng 3-4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì tiến độ, cường độ công việc cao như giai đoạn trước, nếu không có các giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ "vỡ" tiến độ là hiện hữu.
Theo các doanh nghiệp, đến nay đất đắp đã tăng khoảng 30 - 50% (có gói thầu tăng 154%), cát vàng tăng 15 - 40% (có gói thầu tăng 187%); nhựa đường tăng 35 - 50%; đá đổ bêtông nhựa tăng 20 - 55%, đá dăm loại 1 tăng 30 - 45% (có gói thầu tăng 129%); giá xi măng tăng 20 - 35%, cá biệt có gói thầu tăng 47%; dầu diesel tăng 138 - 163%; thép tăng 40 - 50% (có thời điểm tăng 70%)...
CHỈ SỐ GIÁ CỦA ĐỊA PHƯƠNG KHÔNG SÁT THỰC TIỄN
Theo hợp đồng ký kết, hiện hầu hết các gói thầu thuộc dự án đang triển khai đều áp dụng loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh theo phương pháp hệ số giá điều chỉnh; sử dụng chỉ số giá do địa phương nơi dự án đi qua công bố.
Thế nhưng, hầu hết các địa phương nơi dự án đi qua thời gian gần đây chưa có dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc nào. Công bố giá vật liệu và chỉ số giá do địa phương ban hành chỉ phù hợp cho các công trình cấp thấp hơn, có quy mô nhỏ.
Cụ thể, nếu tính theo nguồn chỉ số giá các địa phương, đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần đầu tư công cao tốc Bắc - Nam, hệ số bù giá bình quân các gói thầu kể từ thời điểm khởi công đến quý 2/2022 khoảng 1,0018 - 1,08 (tương ứng tăng từ 1,8 - 8% bao gồm toàn bộ 7 yếu tố điều chỉnh theo công thức điều chỉnh giá của hợp đồng).
Đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, chỉ số trượt giá được tính toán trong tổng mức đầu tư khoảng 3,05%.
Trong khi đó, chỉ tính riêng biến động của một số chủng loại vật liệu chính (chưa tính chi phí biến động máy thi công, nhân công) đã tăng khoảng 20 - 30%.
Theo Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam, sự bất cập này được xác nhận bằng văn bản của một số địa phương như: Bình Thuận, Đồng Nai. Trong đó, xác định công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam không có trong danh mục chỉ số giá của địa phương và đề nghị chủ đầu tư căn cứ theo quy định của Nghị định 10/2021 ngày 9/2/2021 của Chính phủ hướng dẫn quản lý chi phí đầu tư xây dựng để thực hiện.
"Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Giao thông vận tải, văn bản phản hồi số 2230/VB-CKTXD ngày 22/6/2022 của Cục Kinh tế - Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ các khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng", văn bản kiến nghị nêu.
ĐƯA RA NHIỀU ĐỀ XUẤT
Xác định thời gian hoàn thành dự án theo hợp đồng không còn nhiều, để tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, giúp cải thiện dòng tiền để thúc đẩy tiến độ thi công, Hiệp hội đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, các bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư xem xét chấp thuận một số nội dung.
Đầu tiên, đối với các gói thầu xây lắp thuộc dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 thực hiện theo hình thức đầu tư công: được áp dụng khoản 4, khoản 5, điều 27, nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải thuê thuê tư vấn căn cứ thực tế biến động giá vật liệu chủ yếu (theo 5 nhóm chỉ số biến động vật liệu trong công thức điều chỉnh giá: nhựa đường, sắt thép xây dựng, cát các loại, xi măng) trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng xây dựng giá tại chân công trình và chỉ số giá riêng cho các gói thầu làm cơ sở tính toán điều chỉnh giá cho nhà thầu; Bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng
Thứ 2, Bộ Xây dựng kiểm tra và đề nghị các địa phương khảo sát, xây dựng và công bố đơn giá nhân công sát với biến động thực tế. Từ đó, làm cơ sở xác định chỉ số nhân công phục vụ tính toán điều chỉnh giá theo hợp đồng.
Thứ 3, đối với các mỏ đất đắp đề nghị xem xét ban hành cơ chế đặc thù trong việc thực hiện các thủ tục thu hồi đất nhằm rút ngắn thời gian hoàn thiện thủ tục thuê đất và giao đất thực hiện các bước tiếp theo.
Bổ sung vật liệu đất đắp nền đường vào công thức điều chỉnh giá hợp đồng, vì giá trị vật liệu đất đắp chiếm tỷ trọng rất lớn (15% giá trị gói thầu) nhưng được coi là yếu tố cố định không điều chỉnh.
Thứ 4, áp dụng các điều kiện "rủi ro và bất khả kháng" cho phép nhà thầu lập tiến độ cho khối lượng còn lại, trình Ban Quản lý dự án, Bộ Giao thông vận tải xem xét chấp thuận.
BizLive