MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 tỷ lượt người chen nhau lên loại phương tiện này mỗi năm ở Trung Quốc: Rẻ, nhanh và siêu đúng giờ nên tình trạng "đứng thở giữa rừng người" thường xuyên xảy ra

17-03-2024 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

20 tỷ lượt người chen nhau lên loại phương tiện này mỗi năm ở Trung Quốc: Rẻ, nhanh và siêu đúng giờ nên tình trạng "đứng thở giữa rừng người" thường xuyên xảy ra

Trong thời gian học tập và sinh sống tại Thượng Hải (Trung Quốc), tôi đã sử dụng nhiều loại phương tiện giao thông công cộng, nhưng ấn tượng nhất đối với tôi vẫn là các tuyến tàu điện ngầm/tàu điện trên cao.

Rẻ, nhanh và tiện lợi

Không phải ngẫu nhiên mà tàu điện trở thành lựa chọn số 1 của người dân Trung Quốc. Vào nhiều thời điểm, trên đường phố có thể rất vắng vẻ người qua lại nhưng trong các ga tàu là “một cuộc chiến” để có thể lên được tàu. Các chuyến tàu như con thoi di chuyển trên một mạng lưới phức tạp đã giúp đảm bảo công việc và sinh hoạt của người dân nước này.

Theo số liệu năm 2022, mỗi ngày Trung Quốc có tới 66 triệu lượt di chuyển bằng tàu điện, tương đương cả năm gần 20 tỉ lượt người sử dụng phương tiện này. Trong đó, Thượng Hải có 800km đường tàu điện, dài nhất cả nước. Là một trong những người thường xuyên đi tàu điện, tôi có thể hiểu tại sao người Trung Quốc thích đi tàu điện như vậy.

Lí do đầu tiên chắc chắn phải kể đến là mức giá vừa túi tiền. Ví dụ, tôi phải mất khoảng 400 nhân dân tệ (gần 1,5 triệu đồng) để di chuyển khoảng cách hơn 60km từ nơi tôi sống đến sân bay quốc tế Phổ Đông. Nhưng nếu di chuyển bằng tàu điện ngầm, tôi chỉ cần chi 14 nhân dân tệ (khoảng 60 nghìn đồng). Mặc dù tốn thời gian và phải đi bộ ra ga, nhưng rõ ràng chi phí tiết kiệm được rất nhiều.

Lí do thứ hai là tàu điện rất đúng giờ. Do chạy trên đường riêng, nên trừ khi có sự cố (rất hiếm), tàu điện luôn đến đúng từng phút. Tại ga tàu, tôi có thể theo dõi trên bảng điện xem còn bao nhiêu phút nữa chuyến tàu tiếp theo sẽ đến, và có thể ước lượng được thời gian tàu di chuyển qua các ứng dụng điện thoại.

Lí do thứ ba, ga tàu được bố trí ở những địa điểm rất tiện lợi, gần với các địa điểm du lịch nổi tiếng, các tòa văn phòng lớn và khu dân cư đông đúc. Do đó, tôi chỉ cần xuống tàu và đi bộ thêm một chút là có thể đến được nơi mình muốn. Ngay cả khi điểm đến của tôi không ở ngay sát ga tàu, tôi vẫn có thể lựa chọn đi xe đạp công cộng hoặc xe buýt, bởi các trạm xe buýt cũng được bố trí ở rất gần các cửa ra của ga tàu điện.

Mỗi nhà ga đều có cách trang trí riêng.

Ngoài ra, còn có một đặc điểm đáng chú ý nữa: các ga tàu thường được trang trí rất đặc thù, theo chủ đề của điểm đến. Ví dụ, khi tôi tới Ung Hòa Cung tại Bắc Kinh bằng tàu điện, tôi được tận mắt thấy kiến trúc đền chùa của nhà ga ngay khi bước ra khỏi tàu. Hay khi tới ga gần Đại học Thanh Hoa – một trong những trường nổi tiếng nhất Trung Quốc – tôi thấy nhiều tác phẩm trang trí với chủ đề học tập tại nhà ga. Tương tự, khi tới sở thú Thượng Hải, ga tàu ở đó cũng có nhiều hình vẽ các con thú và biểu tượng liên quan.

Lí do cuối cùng, và khiến nhiều du khách nước ngoài bất ngờ nhất, đó là không phải tàu điện nào cũng giống nhau. Ở những vùng lạnh ở phía bắc Trung Quốc, tôi còn phát hiện tàu còn có sưởi ngay dưới ghế ngồi, giúp khách đỡ bị lạnh khi ngồi lên ghế. Ở những nơi khác như Hàng Châu, tàu điện còn có cả giá sạc điện thoại không dây, có chỗ để hành lí và vali. Chưa kể, tàu có cả vị trí chuyên dụng để các hành khách ngồi xe lăn dựa, có cả đai thắt để cố định. Đó là những điểm tiện lợi giúp hành trình của người dân thuận tiện hơn.

Tàu thường chỉ vắng ở các ga cuối hoặc giờ muộn.

Những mặt trái

Tuy nhiên, ngoài những điểm cộng, thì tôi còn thấy một vài “điểm trừ”. Đầu tiên, tàu điện tại đây chật cứng người vào những giờ cao điểm. Thượng Hải lại là thành phố du lịch, nên ngay cả khi không phải giờ cao điểm, thì những tuyến tàu ở khu trung tâm như tuyến số 1 (đi qua Quảng trường Nhân Dân) vẫn rất đông đúc. Tôi đôi lúc cảm thấy khó thở khi đứng giữa một rừng người trong không gian kín như vậy.

Điểm trừ tiếp theo là số lượng ghế ngồi có hạn, nên khi không có chỗ ngồi, tôi phải đứng gần như suốt hành trình trên tàu. Đây sẽ là một vấn đề lớn khi tôi đi một quãng đường xa lên đến 1 tiếng, 1 tiếng rưỡi. Nhiều người Trung Quốc đã giải quyết vấn đề này bằng cách mang theo ghế gấp gọn tiện lợi. Nếu phải di chuyển bằng tàu điện thường xuyên hơn, có lẽ tôi cũng sẽ dùng đến giải pháp này.

Những điểm trừ trên là điều có thể chấp nhận và khắc phục được nhờ những ưu điểm mà tàu điện mang lại. Do đó, di chuyển bằng tàu điện vẫn là lựa chọn vô cùng hợp lý cho những ai muốn tiết kiệm chi phí di chuyển. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những du khách đến với thành phố Thượng Hải nói riêng, và đất nước tỉ dân nói chung.

Tất Đạt - Hồng Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên