200 robot tự hành vừa được tuyển dụng tại Viettel Post có khiến Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài thay đổi suy nghĩ "Logistics ở Việt Nam kém hiệu quả"?
Chưa đầy 2 năm sau câu nói của Chủ tịch Thế giới di động - Nguyễn Đức Tài: "Logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại", Viettel Post lần đầu tiên đưa 200 robot tự hành vào làm việc, phải chăng ngành logistics sắp bước vào giai đoạn phát triển mới?
200 robot tự hành đầu tiên chính thức nhận việc ở Viettel Post
Ngày 17/01, tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh được Viettel Post khai trương, nằm trong kho hàng diện tích 32.000 mét vuông tại Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Tổ hợp sử dụng ba hình thức vận chuyển và phân loại hàng hóa chính, gồm: robot tự hành chia chọn hàng hoá (robot AGV), hệ thống chia hàng lớn (Wheel Sorter Matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (Cross-belt Sorter).
Đây là một trong hai dự án được Viettel Post đã triển khai từ năm 2022 là kho logistics tại Đà Nẵng và dự án kho Quang Minh – Hà Nội, tổng giá trị hơn khoảng 1.000 tỷ đồng.
Theo đại diện Viettel Post, đây là một trong những tổ hợp có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam và là công ty logistics trong nước đầu tiên triển khai công nghệ robot tự hành, ước tính giúp giảm 60% chi phí nhân sự trong kho hàng Viettel Post.
Hơn 200 robot AGV hoạt động tại khu vực tầng 1 của tổ hợp. Chúng có khả năng phát hiện vị trí, tự tránh nhau trong quá trình di chuyển. Khi đến các cổng chia - tức vị trí của các bao tải nhận hàng sau khi phân loại, phần khay phía trên có thể lật nghiêng để đẩy hàng xuống.
Robot có kích thước không quá lớn, tối ưu trong việc vận chuyển các loại hàng hóa mỏng, nhẹ, hàng có hình dáng đặc biệt và được đánh giá thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử.
"Logistics là một ước mơ", Chủ tịch Thế giới di động Nguyễn Đức Tài nhận định vào tháng 5/2022
Báo cáo ngành Logistics của Bộ Công thương chia ngành logistics thành các nhóm ngành dịch vụ bao gồm: dịch vụ giao nhận (bao gồm giao nhận sỉ và giao hàng chặng cuối - cho người dùng cuối cùng), kho bãi, vận tải (đường bộ, đường hàng không, đường thủy, đường biển, đường sắt)...
Trong đó, báo cáo chỉ ra, giao hàng chặng cuối (lastmile logistics) đã trở thành một yếu tố quan trọng với các nhà bán lẻ khi ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và sự hài lòng của khách hàng ngay từ lần đầu tiên họ tiếp nhận sản phẩm. Chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hoá, sự chuyển dịch của dòng hàng ở khâu cuối cùng này đang dần đóng vai trò quyết định trong chiến lược quản lý chất lượng dịch vụ khách hàng.
Trong cuộc họp với nhà đầu tư vào tháng 5/2022, chia sẻ về ngành logistics, người đứng đầu hệ thống bán lẻ Thế giới di động, ông Nguyễn Đức tài cho biết: "Logistics là một ước mơ". Cụ thể, ước mơ của ông Tài là có ai đó làm logistics "ngon lành" để công ty ông có thể thuê và chỉ còn phải tập trung vào việc mua và bán, vì đó là sức mạnh của bán lẻ.
"Chúng tôi đã thử vài lần, và sắp tới không biết có nên nỗ lực tiếp hay không vì có những lùng bùng trong đó. Logistics là kho vận, từ quản lý hàng hóa đến vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến điểm siêu thị. Ở Việt Nam, nói thì hay chứ chưa có ai làm được ra hồn. Tôi hy vọng có bạn nào làm được cái đó tương đối bài bản.
Tôi biết rằng ở nước ngoài, họ dựa vào bên thứ ba. Chúng tôi cũng đã đi sang Nhật, Châu Âu để trao đổi với những đối tác kinh doanh ngành của mình và đúng là họ dùng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho thôi và kho đó do bên thứ ba quản lý. Bên thứ ba đó nhận lệnh giao hàng đến những shop và họ tự thu xếp lấy hàng, giao hàng, đảm bảo giờ giấc.
Đó là ước mơ tôi mong ở Việt Nam có ai đó làm được, nhưng đến nay tôi cảm thấy cũng chưa có ai có thể làm được. Chúng tôi mới chỉ làm một vài dịch vụ liên quan đến vận tải và sau vài ba tháng cảm thấy lỗi thời chúng tôi cũng đầu hàng. Chúng tôi nói với một người trong nghề: 'Ông ở trong nghề mười mấy năm mà sao tôi làm 2-3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?'. Đó là những thứ đang diễn ra ở Việt Nam", Chủ tịch Thế giới di động chia sẻ trong một cuộc họp với các nhà đầu tư và không quên cảm thán "Logistics ở Việt Nam cực kỳ 'underdeveloped', cực kỳ kém hiệu quả, rất tệ hại".
Thời điểm này, Thế giới di động đã sở hữu công ty con làm logistics là Công ty CP Logistics Toàn Tín, thành lập từ năm 2021.
Cách nói của vị Chủ tịch TGDĐ tuy có phần thẳng thắn nhưng ông không phải là người duy nhất bày tỏ sự không hài lòng. Theo một khảo sát gần 300 doanh nghiệp được phản ánh trong báo cáo ngành năm 2023 của Bộ Công Thương, phần lớn các dịch vụ logistics được đánh giá ở mức trung bình và kém (trên dưới 50%) thay vì mức khá và tốt.
Báo cáo cũng nhận định, kết quả này cho thấy dịch vụ logistics đang cung ứng hiện nay của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam chưa đạt những kỳ vọng của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại.
Tín hiệu tích cực
Theo bảng xếp hạng Emerging Markets Index 2023 mới nhất của nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility, Việt Nam đã lọt vào top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới.
Trong đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế (International Logistics Opportunities), Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Các chỉ tiêu còn lại lần lượt là: cơ hội logistics trong nước (Domestic Logistics Opportunities) đứng thứ 16, nguyên tắc kinh doanh (Business Fundametals) đứng thứ 19 và chỉ số kỹ thuật số (Digital Readiness) đứng thứ 16.
Mặc dù có sự phát triển nhưng báo cáo ngành 2023 cũng chỉ ra chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao, cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông vẫn chưa tương xứng và cùng đó là trình độ nguồn lực logistics và nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế.
Vấn đề nan giải nhiều năm nay của ngành logistics đó là chi phí cao cộng thêm vào giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2023, chi phí logistics hiện nay trung bình ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP, ở mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (khoảng 10,6%).
Nhìn chung, khoảng cách giữa chi phí logistics tại Việt Nam và mức bình quân chung của thế giới đang được rút ngắn dần lại nhờ sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Trong đó, ứng dụng công nghệ hiện đại là con đường tất yếu để tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.
Với trợ lực từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử trong những năm tới, tiềm năng tăng trưởng của giao nhận chặng cuối còn đầy rộng mở. Động thái đầu tư vào công nghệ, tự động hóa nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động như cách Viettel Post đưa 200 robot tự hành vào làm việc là một tín hiệu tích cực ngày đầu năm, hứa hẹn sự phát triển hơn nữa cho ngành logistics trong tương lai.
Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), thương mại điện tử vẫn phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 trên 22% so với cùng kỳ và dự báo cả năm vẫn có thể đạt trên 25% với quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng này có thể được duy trì trong giai đoạn 2023 - 2025.
Báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company cho rằng, lĩnh vực thương mại điện tử chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số Việt Nam. Theo báo cáo ngành Logistics 2023, giao hàng chặng cuối ngày càng được chú ý và đầu tư kỹ lưỡng khi là một trong những chìa khóa thành công cho thương mại điện tử.
An Ninh Tiền Tệ