MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng

17-03-2021 - 10:45 AM | Thị trường

Từ ngày 17-2 đến 9-3, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt các đối tượng Lê Thanh Trung, Trần Ngọc Thanh, Dương Văn Mẫn, Trịnh Xuân Mơ, Ngô Văn Thụy, Lê Thanh Tú, Trần Thị Thanh Vân.

Đây là các mắt xích quan trọng trong đường dây sản xuất, buôn bán, vận chuyển xăng giả và mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ với quy mô cực lớn do Phan Thanh Hữu (sinh năm 1957, ngụ TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Hữu Tứ (sinh năm 1966,  ngụ tỉnh Vĩnh Long) cầm đầu đã được Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an triệt phá vào ngày 6-2-2021.

Bắt 40 đối tượng trong đường dây xăng giả

Hai đối tượng cầm đầu đường dây này là Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ. Thời điểm này, trinh sát cũng xác định được một số trạm bán lẻ xăng dầu do các đối tượng này lập ra để tiêu thụ và một ụ nổi đặt giữa lòng sông Hậu thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để tập kết xăng dầu nhập lậu từ ngoài đường cơ sở trên biển chuyển về trước khi phân tán đi các nơi.

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng - Ảnh 1.

Lấy lời khai đối với Phan Thanh Hữu.

Đoạn sông mà Hữu, Tứ đặt ụ nổi có chiều rộng lên đến 2,5 km, lại được đối tượng tổ chức lực lượng canh giữ, sử dụng các tàu cao tốc để tuần tra xung quanh khu vực 24/24 giờ và trên bờ được ngụy trang bằng các nhà nuôi chim yến do một đám lưu manh cảnh giới nên phải tính toán cách tiếp cận sao cho không bị phát hiện.

Đêm 6-2-2021, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an huy động thêm trên 500 cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động, giao thông, hình sự, kinh tế... chia thành 14 tổ công tác đồng loạt thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, trạm xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại Đồng Nai, TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh.

Ngày 8-2-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp đối Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ , đồng thời triệu tập 33 đối tượng khác có liên quan để phục vụ công tác điều tra. Đến ngày  10-2-2021, Công an bắt "vợ bé" của Tứ là Trần Ngọc Thanh, sinh năm 1975, ngụ tỉnh Đồng Tháp. Thanh được xác định là đã tham gia rất sâu vào quá trình buôn lậu và làm xăng dầu giả của Hữu và Tứ.

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng - Ảnh 2.

Đối tượng Nguyễn Hữu Tứ.

Qua khám xét, thu giữ tang vật gồm 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 xà lan có tải trọng từ 400 đến 1.000 tấn, 6 xe bồn, 2.680.000 lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu, trên 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 quyển sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ, sổ sách và các tang vật liên quan đến hoạt động phạm tội của các đối tượng.

Nhận thấy với lượng xăng dầu mỗi ngày tiêu thụ rất lớn thì chỉ riêng Hữu, Tứ, Thanh không thể cáng đáng nổi, mà phải có hệ thống chân rết trải rộng bao gồm con người, trạm bán lẻ và hóa đơn chứng từ giả để phù phép cho xăng dầu lậu nên ban chuyên án quyết định thực hiện giai đoạn 2, mở rộng điều tra.

Ngày 17-2-2021, Cơ quan công an đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với "ông trùm" đường dây mua bán hóa đơn giả Lê Thanh Trung (sinh năm 1983, ngụ xã Long Tuyền, huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Khám xét tại nhà đối tượng, thu giữ 6 CPU máy tính, 15 thùng tài liệu hóa đơn, 1 máy tính bảng, 2 điện thoại, 2 xe ô tô và nhiều tiền mặt (chưa kiểm đếm). Đặc biệt, Cơ quan điều tra thu giữ 27 con dấu (15 dấu tròn, 12 dấu tên) của nhiều công ty khác nhau do Lê Thanh Trung thành lập và thuê người khác làm giám đốc.

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng - Ảnh 3.

Tống đạt lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với vợ chồng Tú – Vân.

Ngày 5-3, hai đối tượng Dương Văn Mẫn (sinh năm 1978, ngụ tỉnh Nam Định) - thuyền trưởng tàu Nhật Minh 07 và Trịnh Xuân Mơ (sinh năm 1984, ngụ TP. Hồ Chí Minh) - thuyền trưởng tàu Nhật Minh 09 cũng bị bắt.

Khi các đơn vị công an phối hợp đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại các tỉnh Đồng Nai, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 6-2 thì tại ụ nổi trên sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long, Mẫn và Mơ điều khiển 2 tàu vận chuyển bơm hút xăng lậu, xăng giả, chống trả quyết liệt, đâm va vào tàu của lực lượng công an rồi trốn khỏi hiện trường. Sau khi bỏ chạy, hai đối tượng này còn nhận chỉ đạo của Hữu và Tứ tổ chức cho thuyền viên sơn sửa lại tàu nhằm che mắt lực lượng chức năng.

Cũng trong ngày 5-3, Cơ quan công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Văn Thụy (sinh năm 1964) nguyên Đội trưởng Đội kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan. để điều tra về tội nhận hối lộ.

Đối với hệ thống chân rết còn lại, sáng ngày 9-3-2021, ban chuyên án đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động triển khai 12 tổ công tác với gần 400 cán bộ, chiến sĩ đồng loạt bắt, khám xét khẩn cấp tại 10 địa điểm là kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Thêm Lê Thanh Tú (sinh năm 1966) và vợ là Trần Thị Thanh Vân (sinh năm 1968) bị bắt về tội buôn lậu.

Như vậy, cho đến ngày 10-3-2021, đã có hơn 40 đối tượng bị khởi tố, bắt giam để điều tra về các hành vi "buôn lậu", "sản xuất, buôn bán hàng giả", "mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước".

Đường đi của hàng trăm triệu lít xăng giả

Phan Thanh Hữu khai do trước đây từng có thời gian dài giữ những trọng trách quan trọng trong một số đơn vị kinh doanh xăng dầu nên nắm rõ đường đi nước bước. Nhận thấy giá xăng dầu trong nước cao hơn bên ngoài khá nhiều nên hắn nghỉ việc ra ngoài lập công ty riêng, xây dựng ụ nổi, đặt hệ thống bồn chứa và móc nối với một số trạm bán xăng để tiêu thụ.

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng - Ảnh 4.

Cơ quan chức năng lấy mẫu xăng dầu trên tàu của Hữu - Tú để kiểm định.

Để có nguồn cung, Hữu móc nối với một số đối tác nước ngoài và nhiều chủ tàu thuyền chuyên vận chuyển xăng dầu lậu trên biển để đặt mua. Khi có hàng, các đầu mối này sử dụng điện thoại vệ tinh thông báo để Hữu cho tàu biển có trọng tải lớn sang mạn ở ngoài đường cơ sở trên biển, rồi dùng các loại dung môi, hóa chất để pha chế thành xăng loại A92, A95 kém chất lượng ngay tại chỗ trước khi chuyển vào nội địa. Tuy nhiên, mới thực hiện chuyến đầu tiên thì bị bắt.

Ngược với Hữu, Nguyễn Hữu Tứ lại khai rằng Hữu là người điều hành toàn bộ các công đoạn móc nối, mua bán xăng dầu và thuê người cung cấp hóa đơn, chứng từ giả. Tứ có nhiệm vụ chỉ đạo giao nhận, pha chế xăng giả, xuất nhập kho.

Cả hai đã rất nhiều lần thực hiện việc mua bán, pha chế, tiêu thụ xăng giả. Sau khi có được sản phẩm kém chất lượng, cả hai tiến hành chẻ cho nhiều tàu, xà lan có tải trọng nhỏ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh thành, từ đó cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để tiêu thụ trên thị trường. Các đối tượng có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, từ nhập hàng, bơm hút, pha chế, hợp thức hóa chứng từ và vận chuyển đến các cây xăng để tiêu thụ.

Hằng ngày, đường dây này cung cấp trung bình trên 1 triệu lít xăng ra thị trường. Tính từ tháng 8-2020 đến thời điểm cuối tháng 1-2021, các đối tượng đã cung cấp ra thị trường trên 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng. Để bành trướng hoạt động và pha loãng sự chú ý của cơ quan chức năng, Hữu liên tục yêu cầu cấp dưới mở nhiều công ty ở nhiều tỉnh thành khác nhau để lỡ công ty này bị phát hiện thì vẫn còn công ty khác hoạt động. Hữu không đứng tên đại diện pháp luật đối với bất kỳ công ty nào mà chỉ đứng ngoài chỉ đạo và thuê người ít hiểu biết pháp luật làm giám đốc... bù nhìn, chỉ đâu ký đó.

Nhằm phù phép cho hoạt động bất chính, Hữu đặt mua hóa đơn, chứng từ của một công ty mà chỉ Hữu và người thân mới biết, chỉ biết người ta hay gọi đó là "ông trùm" hóa đơn VAT giả. Thỉnh thoảng nếu có phát hiện nghi vấn nào đó về việc bị cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành kiểm tra hoạt động, Hữu chỉ đạo cho toàn bộ hệ thống chân rết cho dừng xăng giả và bơm xăng đúng tiêu chuẩn cho các đại lý.

200 triệu lít xăng giả đã “tràn” ra thị trường trong 17 tháng - Ảnh 5.

Khám xét nơi làm việc của vợ chồng Tú – Vân.


Vợ chồng Tú - Vân khai nhận, sau khi móc nối với nhau, thông qua Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc có trụ sở tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương do chính hai vợ chồng điều hành, Tú và Vân đã mua xăng nhập lậu, xăng giả của Phan Thanh Hữu và Nguyễn Hữu Tứ sau đó phân phối ra thị trường thông qua hệ thống 11 chi nhánh khác tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Ngoài ra, Tú - Vân còn sử dụng các tàu có tải trọng từ 400 - 1.000 tấn vận chuyển xăng dầu giả phân phối cho nhiều cây xăng tại các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và TP. Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi ngày, hệ thống xăng dầu của vợ chồng Tú - Vân tung ra thị trường trên 500.000 lít xăng nhập lậu, xăng giả.

Theo Đức Cương

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên