MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

200.000 USD chống ùn tắc: Đội quân tinh nhuệ CSGT thu nhập cao

18-01-2017 - 08:30 AM | Xã hội

Theo ông Hoài, song song với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, Hà Nội nên tổ chức lại giao thông theo 2 biện pháp ít tốn kém nhất theo nguyên tắc dự án có thu hồi vốn, không cần đầu tư lớn từ ngân sách.

Chủ tịch hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ VN) Trần Xuân Hoài gửi đến VietNamNet kế giảm ùn tắc ở Hà Nội trong 5 năm tới bằng giải pháp kinh tế - kỹ thuật.

Theo ông Hoài, song song với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng, Hà Nội nên tổ chức lại giao thông theo 2 biện pháp ít tốn kém nhất theo nguyên tắc dự án có thu hồi vốn, không cần đầu tư lớn từ ngân sách.

Nguyên tắc 'tự nó rán nó'

Đầu tiên là dùng biện pháp kinh tế để hạn chế việc lưu thông ô tô cá nhân, cụ thể là ở khu vực nội thành bằng cách cấm hoàn toàn và tuyệt đối các điểm đỗ ô tô trên đường phố, chỉ được dừng (không quá 5-7 phút và có lái xe ở trong xe). Phạt nặng ô tô đỗ trên mép đường và hè phố nếu cần.

Đồng thời nâng giá trông giữ ô tô lên gấp 10 lần hiện nay ở các bãi, nhà đỗ ô tô công cộng trong nội thành. Khuyến khích tư nhân kinh doanh trông xe ô tô (có nộp thuế) trong diện tích riêng của mình, giá cả trông xe không hạn chế. Việc này, các thành phố lớn như New York… rất khuyến khích, ta nên học tập.

Đường Tây Sơn, cầu vượt Thái Hà trở thành nỗi ám ảnh giờ cao điểm. Ảnh: Đoàn Bổng

Song song đó là hạn chế việc sở hữu ô tô cá nhân ở nội thành bằng quy định chỉ được đăng ký sở hữu và lưu hành xe cá nhân nếu có gara riêng. Cách này đã được áp dụng ở Tokyo (Nhật Bản), Singapore...

Ngoài ra, cần xây dựng các bãi đỗ xe rộng với giá cả gửi xe hợp lý (=1/10 nội thành) ở các điểm nút vào nội thành. Xây dựng mạng lưới xe buýt nhỏ (shuttle bus) thường xuyên, liên tục kết nối các điểm nút với nội thành, để những người ở xa nội thành dùng ô tô cá nhân đi lại thuận tiện ở nội thành.

Phạt nặng vi phạm, không có ngoại lệ

Giải pháp thứ 2 là ứng dụng công nghệ cao để tạo lập một nền văn minh xe máy cho Hà Nội.

Hiện nay, người tham gia giao thông chưa tự giác hoặc chưa có thói quen chấp hành tốt luật và quy định giao thông đô thị, trừ khi có mặt cảnh sát giao thông.

Trong khi đó, CSGT thì không đủ (và sẽ không bao giờ đủ) về số lượng. Cấp điều hành không có phương tiện khách quan để điều hành, giám sát lực lượng CSGT làm việc một cách hữu hiệu.

Việc cưỡng chế (phạt) thi hành luật lại không thuận tiện, thuyết phục cho cả người vi phạm lẫn người thực thi đã tạo nhiều kẽ hở cho tiêu cực, làm hỏng cán bộ, làm mất lòng tin.

Tìm cách giải quyết một cách căn cơ, khoa học những yếu kém nói trên sẽ giúp giải quyết một cách căn bản, lâu dài về cơ sở xã hội của giao thông đô thị. Đó là mục đích và yêu cầu của ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào dự án giao thông này.

Chúng ta có thể hình dung, đường phố Hà Nội như một mạng lưới kênh rạch nhỏ hẹp, còn dòng giao thông như một dòng nuớc đầy chảy trong đó. Trong dòng nước có những vật cản (vi phạm luật!), có những dòng xoáy (chỗ kẹt xe lộn xộn), có những chỗ tràn bờ...

Chúng ta không thể đào rộng kênh rạch ngay được, cũng không giảm bớt nước được nên chỉ có cách là tổ chức một đội quân tinh nhuệ là CSGT có thu nhập cao, luôn luôn có mặt ngay lập tức ở mọi lúc, mọi nơi thông qua phương tiện giao thông liên lạc hiện đại.

Họ được trang bị các công nghệ hiện đại nhất để vớt vật cản, tức là phạt nặng, không có ngoại lệ để khơi thông dòng chảy, buộc các phần tử của dòng chảy, tức người tham gia giao thông phải tuân thủ quy luật.

Tiền phạt được đầu tư trở lại cho hệ thống này để duy trì hiệu quả liên tục, vĩnh viễn. Với giải pháp này, giao thông chỉ có thể nhanh hơn hoặc chậm hơn chứ không thể ách tắc và lộn xộn được.

Giải pháp này không mới nhưng mấu chốt của giải pháp là ở chỗ dùng khoa học công nghệ để tạo ra sự có mặt của lực lượng cảnh sát ở mọi lúc mọi nơi. Không phải chỉ là một cảnh sát mà là cả một hệ thống kiểm tra, giám sát.

Bản thân lực lượng này cũng được giám sát khách quan nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ.

Còn người tham gia giao thông không bao giờ còn có được ảo tưởng là không chấp hành luật vì không có cảnh sát. Để bảo đảm cảnh sát chịu làm việc, phải có thu nhập cao tương xứng và họ phải cân nhắc rằng chọn tiêu cực hoặc lười nhác sẽ thiệt thòi hơn là làm ngược lại.

Khoa học kỹ thuật cung cấp phương tiện và bằng chứng để thực hiện giám sát khách quan lực lượng cảnh sát và có chế tài kiên quyết với những thiếu sót của lực lượng này. Sau một thời gian liên tục, ý thức người dân cũng được nâng lên, lực lượng cảnh sát cũng được đổi mới, kỹ năng điều hành của lãnh đạo cũng được hoàn thiện.

Xã hội sẽ có được một dòng chảy giao thông tương đối thông suốt mà không tốn kém. Dù đến khi mọi giải pháp về hạ tầng và phương tiện cũng đã được hoàn thiện thì giải pháp này vẫn phát huy tác dụng.

Đây chỉ là những nguyên tắc, muốn thực hiện cần có một đề án cụ thể.

Theo Trần Xuân Hoài

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên