2017: Xuất khẩu phấn đấu cao hơn mức 6-7%
Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu xuất khẩu năm 2017 phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6-7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu).
- 06-01-2017Thịt gà Việt Nam gian nan tìm đường xuất khẩu sang Nhật, EU
- 05-01-2017Chuyên gia cảnh báo xuất khẩu quá phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI
- 02-01-2017Xuất khẩu 2017 chờ tín hiệu thị trường
Vẫn có xuất siêu
Báo cáo do ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương trình bày tại hội nghị tổng kết của Bộ Công Thương sáng 6-1 cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 ước đạt 175,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2015. Trong đó, các doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng 28,4%, ước đạt 50,04 tỷ USD, tăng 4,8%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) chiếm tỷ trọng 70,22% ước đạt 123,55 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2015.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cả nước ước đạt 173,26 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2015, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 71,1 tỷ USD, tăng 4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 102,2 tỷ USD, tăng 5,1%.
Như vậy, xuất siêu trong năm 2016 ước đạt 2,68 tỷ USD, chiếm 1,52% kim ngạch xuất khẩu. Xuất siêu hoàn toàn phụ thuộc vào khu vực FDI khi khu vực này (không kể dầu thô) xuất siêu 21,35 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu khoảng 23,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 21,02 tỷ USD.
Mặc dù xuất khẩu không đạt mục tiêu 10% đề ra nhưng mức tăng 8,6% là kết quả tăng trưởng khá cao trong tương quan so sánh với các nước trong khu vực có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm như Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ...
Xuất khẩu năm 2016 ghi nhận sự phục hồi và đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng nông sản, thủy sản với nhiều mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh về lượng như rau quả, thủy sản, hạt tiêu, hạt điều, cà phê... do đó đã bù đắp tác động của giá xuất khẩu giảm.
Cụ thể, tác động của lượng xuất khẩu tăng đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu của nhóm 795 triệu USD trong khi tác động của giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch cả nhóm 266 triệu USD.
Nhiều chủng loại rau quả của Việt Nam đã được chính thức thâm nhập vào các thị trường như vải, nhãn, chuối, xoài, dưa hấu, mít, thanh long, chôm chôm vào thị trường Trung Quốc; vải, xoài vào thị trường Australia; vải, nhãn, thanh long, chôm chôm vào thị trường Mỹ…
Xuất khẩu tiếp tục gia tăng tại các thị trường lớn có sụt giảm hoặc tăng thấp về nhập khẩu như Mỹ, EU. Bất chấp những biến động từ cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ và sự kiện Brexit ở châu Âu, xuất khẩu vào 2 thị trường này vẫn tiếp tục tăng cao trên 10% và là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, riêng với thị trường ASEAN, xuất khẩu có sự sụt giảm dù Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được thành lập từ cuối năm 2015.
“Điều này thể hiện việc khai thác những cơ hội của chúng ta chưa tốt. Sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu giảm tương ứng qua các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 10,1%, 4,7% và 4,6%. Vì vậy, đòi có sự quan tâm để điều chỉnh giúp doanh nghiệp hội nhập tốt hơn”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Giá giảm kéo kim ngạch giảm
Chỉ ra những hạn chế, khó khăn của xuất khẩu năm qua, ông Trần Tuấn Anh nhắc đến trước tiên là do vấn đề giá giảm. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm nay tăng thấp do giá hàng hóa xuất khẩu bình quân giảm 1,8% so với năm trước, trong đó nhóm hàng nhiên liệu giảm tới 20,1%; nhóm hàng nông sản thực phẩm giảm 3,8%.
Tác động do giá giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu năm 2016 của nhóm hàng nông sản, thủy sản ước khoảng 266 triệu USD và nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản là 947 triệu USD. Tính chung hai nhóm do giá xuất khẩu giảm làm giảm kim ngạch xuất khẩu hơn 1,2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giảm giá, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 tăng trên 10%.
Một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may và da giày tăng thấp. Trên thực tế, tăng trưởng xuất khẩu dệt may và giày dép năm 2016 (ước đạt lần lượt là 3,3% và 7,6%) là tương đối thấp so với mức tăng trưởng xuất khẩu của các mặt hàng này trong năm 2015 (9,1% và 16,3%).
Theo ông Trần Tuấn Anh, năm 2016 chứng kiến sự khó khăn của nền kinh tế thế giới, vì vậy tốc độ tăng của 2 ngành hàng này không đạt như kỳ vọng. Năm 2017 vẫn tiếp tục tiềm ẩn khó khăn với dệt may và da giày.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do thị trường xuất khẩu chủ yếu của các mặt hàng này là Mỹ, EU, Nhật Bản... có tăng trưởng nhập khẩu dệt may, giày dép không cao thì xuất khẩu dệt may, giày dép của ta còn chịu sự cạnh tranh mạnh từ các nước khác như Campuchia, Myanmar, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia.
Không chỉ vậy, tình trạng hạn hán, nhiễm mặn, tác động của bão lũ... đã ảnh hưởng tới nguồn hàng nông sản, trong khi nhiều mặt hàng đã tới ngưỡng về năng suất, sản lượng đã tác động đến gia tăng xuất khẩu.
Trong năm 2017, ông Trần Tuấn Anh nhìn nhận, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều yếu tố thuận lợi, đầu tư nước ngoài và kim ngạch xuất nhập khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng từ kết quả của một số FTA đã ký và đi vào thực thi, cơ hội tiếp nhận dòng đầu tư FDI dịch chuyển ra khỏi một số quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá dầu và lương thực có xu hướng tăng gây sức ép lạm phát tăng trở lại. Việc ổn định tỷ giá và lãi suất cũng sẽ gặp khó khăn do áp lực điều chỉnh theo sự tăng giá của đồng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Việc tham gia AEC và việc ký kết, triển khai các FTA mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra những thách thức rất lớn, nhất là việc phát triển thị trường, tăng khả năng cạnh tranh cả ở thị trường quốc tế và trong nước.
Dù vậy, Bộ Công Thương vẫn đặt ra mục tiêu, xuất khẩu phấn đấu tăng cao hơn mức được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 6-7%), nhập siêu phấn đấu ở mức thấp hơn chỉ tiêu được giao (chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao là 3,5% kim ngạch xuất khẩu).
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2016, cả nước có 25 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD so với 23 mặt hàng của năm 2015.
Báo hải quan