2019 là bài kiểm tra quan trọng với kinh tế toàn cầu và đây là lý do
Những người lạc quan và bi quan có những quan điểm khác nhau về kinh tế toàn cầu trong năm 2019 nhưng không ai có thể phủ nhận những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải trong năm tới.
Những người bi quan cho rằng bong bóng đang xì hơi, chiến tranh thương mại kéo dài và một nền chính trị không chắc chắn sẽ gây kìm hãm tăng trưởng. Tuy nhiên, những người lạc quan lại cho rằng tiềm năng phát triển toàn cầu vẫn vững chắc, lạm phát được kiểm soát và sự tăng trưởng chậm lại đang được hạn chế.
Năm 2019 không chỉ mang lại câu trả lời mà còn là bài kiểm tra quan trọng với tương lai kinh tế toàn cầu.
Chiến tranh thương mại
Bi quan: Trong khi Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận "ngừng bắn chiến tranh thương mại, những người bi quan cho rằng đây là hòa bình không bền vững. Điều đó đồng nghĩa với việc các mức thuế mới và những rào cản sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Lạc quan: Những người lạc quan tin rằng thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành hiện thực. Sự đồng thuận về mặt nguyên tắc giữa ông Tập và ông Trump cho phép những nhượng bộ được tiến hành mà không bên nào mang tiếng đầu hàng, nhất là với Trung Quốc và tham vọng dẫn đầu nền kinh tế công nghệ cao của họ.
Giá dầu
Bi quan: Giá dầu đã chứng kiến những thăng trầm trong năm 2018 và đang được giao dịch quanh ngưỡng 50 USD/thùng dù chưa đầy 2 tháng trước, giá dầu là 75 USD/thùng. Theo những người bi quan, giá dầu thấp phản ánh nhu cầu yếu cũng như những lo ngại bùng nổ nguồn cung từ dầu đá phiến Mỹ có thể làm ảnh hưởng tới các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ.
Lạc quan: Những người lạc quan cho rằng năng lượng rẻ sẽ có ích cho tăng trưởng kinh tế, giúp kiểm soát lạm phát và khiến các ngân hàng trung ương có ít lý do hơn để tăng lãi suất. Các nhà xuất khẩu dầu cũng đã cắt giảm 1,2 triệu thùng dầu/ngày sau cuộc họp của OPEC và các nước đồng minh hồi đầu tháng.
Các ngân hàng trung ương
Bi quan: Những người bi quan tin rằng lãi suất sẽ tiếp tục được tăng lên và dẫn dầu bởi FED. Điều đó có nghĩa là các thị trường mới nổi sẽ gặp nhiều khó khăn từ lãi suất cao.
Lạc quan: Trái ngược với những người bi quan, những người lạc quan cho rằng sẽ không có lạm phát và cũng chẳng cần phải tăng lãi suất. Việc kinh tế Mỹ tăng trưởng ở mức trung bình đồng nghĩa với việc FED tạm ngừng tăng lãi suất.
Kinh tế Mỹ
Bi quan: Ngược lại với sự tăng trưởng kéo dài kỷ lục của Kinh tế Mỹ trong thời gian qua, năm 2019 sẽ chứng kiến việc chững lại của nền kinh tế số 1 thế giới. Các biện pháp kích thích tài chính mờ nhạt dần, sự chia rẽ trong lưỡng viện quốc hội, chiến tranh thương mại và FED tăng lãi suất sẽ làm tổn thương nền kinh tế.
Lạc quan: Những người lạc quan không nhìn thấy bất cứ dấu hiệu nào của lạm phát hay các vấn đề khác có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế Mỹ trong khi việc làm vẫn ổn định. Và việc FED có thể quyết định dừng tăng lãi suất sớm hơn so với thị trường mong đợi đã xóa đi những áp lực với người đi vay nói riêng và cả thị trường nói chung.
Tín dụng
Bi quan: Tại Mỹ, việc bùng nổ phát hành các khoản nợ thế chấp có đảm bảo đã nhận được lời cảnh báo từ các cơ quan quản lý. Những người bi quan lo rằng một nền kinh tế suy yếu và việc rút thanh khoản của FED có thể đánh sập những yếu tố cơ bản của tín dụng cũng như mức tín dụng tụt xuống dưới ngưỡng BBB, vốn được coi là ngưỡng an toàn.
Lạc quan: Những người lạc quan tin rằng chiến dịch tăng lãi suất của FED đang đi đến hồi kết và sự tích cực sẽ trở lại vào năm 2019. Bank of America Merill Lynch nhận định rằng lợi nhuận của các khoản vay có đòn bẩy của Mỹ sẽ trở lại mức từ 4 đến 5%.
Khủng hoảng Euro
Bi quan: Những người bi quan tin rằng chính phủ Italy bất chấp các quy tắc ngân sách của châu Âu sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tiếp theo của đồng Euro. Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể buộc phải can thiệp bằng các công cụ chưa được kiểm tra, gây áp lực cho sự đồng thuận mong manh của khu vực đồng tiền chung này.
Lạc quan: Những người lạc quan cho rằng sự ủng hộ với khu vực Eurozone đang ở mức cao kỷ lục tại Italy và phần còn lại. Chính phủ dân túy đã báo hiệu rằng họ muốn tìm một sự thỏa hiệp với các đối tác châu Âu. Các cuộc biểu tình trên đường phố Pháp cũng đã được kiểm soát mà không gây ra những thiệt hại nghiêm trọng nào.
Brexit
Bi quan: Anh sẽ chính thức rời EU trong năm tới. Ngân hàng Anh cảnh báo rằng kịch bản đó có thể khiến kinh tế nước này sụt giảm tới 8% trong khi đồng bảng mất tới ¼ giá trị. Nếu không có thỏa thuận Brexit nào được đưa ra, thị trường tài chính sẽ rơi vào trạng thái hoảng loạn.
Lạc quan: Những người lạc quan tin rằng Brexit có thể xảy ra muộn và các bên có thể tạo ra một quá trình nhanh chóng để định nghĩa lại mối quan hệ kinh tế mới của họ.
Nợ
Bi quan: Citigroup cảnh báo rằng nợ toàn cầu có thể tăng hơn 3 lần sao với 20 năm trước, làm dấy lên lo ngại rằng thế giới đang hướng tới một cuộc khủng hoảng nợ. Họ cũng cảnh báo rằng việc tăng lãi suất có thể tạo ra những rủi ro đáng kể cho các hộ gia đình và các công ty phi tài chính với mức 36% kích thước nền kinh tế. Họ cảnh báo rằng hầu hết các nền kinh tế phát triển và số lượng lớn các nền kinh tế mới nổi đều rất dễ gánh chịu những rủi ro của nợ chính phủ.
Lạc quan: Những người lạc quan cho rằng tăng lãi suất sẽ diễn ra chậm miễn là tăng trưởng kinh tế được giữa vững, người đi vay tiền vẫn có khả năng trả nợ.