MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2020 - Năm tồi tệ đối với loài người nhưng lại là năm đại thắng đối với các nhà đầu tư chứng khoán?

22-12-2020 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

2020 - Năm tồi tệ đối với loài người nhưng lại là năm đại thắng đối với các nhà đầu tư chứng khoán?

Xuyên suốt năm 2020 là thái độ phớt lờ mọi sự hỗn loạn, thậm chí nhìn vào diễn biến của thị trường còn cảm giác như nhà đầu tư đang hân hoan chào đón 1 tương lai tuyệt vời.

2020 là 1 năm bùng nổ của thị trường chứng khoán toàn cầu với chỉ số công nghiệp Dow Jones đang hướng tới kịch bản kết thúc năm ở trên mức 30.000 điểm – con số cao kỷ lục. Điều đó vẫn xảy ra trong khi có tới 30.000 người ở Mỹ thiệt mạng vì Covid-19 chỉ trong 2 tuần qua.

Trong đà tăng đó, cổ phiếu của các công ty cỡ nhỏ và vừa đã bắt kịp nhóm blue chip. Chỉ số Russell 2000 tăng gần 17% kể từ đầu năm đến nay, trong khi số doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động ở Mỹ đã sụt giảm 25% vì làn sóng phá sản do Covid-19.

Tài sản của Elon Musk, CEO công ty xe điện Tesla, đã tăng khoảng 140 tỷ USD trong năm nay. Tổng cộng tài sản của Jeff Bezos và Mark Zuckerberg cũng tăng 100 tỷ USD. Trong khi đó, số lượng người Mỹ trưởng thành rơi vào tình trạng không đủ ăn đã tăng lên con số 27 triệu người.

"Thị trường chứng khoán không phải là nền kinh tế" là lập luận thường được đưa ra trên phố Wall để giải thích cho sự mất kết nối giữa thị trường và hiện trạng nền kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, năm 2020 sự chênh lệch đã lên đến đỉnh điểm trong bối cảnh kinh tế thế giới chìm sâu vào bất ổn.

Trong khi số người thiệt mạng vì virus lên đến hàng nghìn, sau đó là chục nghìn rồi đến hàng trăm nghìn, chính trị Mỹ cũng ngày càng bị chia rẽ hơn. Mùa hè, các thành phố chìm trong làn sóng biểu tình phản đối cảnh sát. Đến tháng 11, cuộc bầu cử càng khắc họa rõ nét hơn vết rạn nứt trong lòng nước Mỹ.

Và khi đó tâm trạng của phố Wall như thế nào? Xuyên suốt năm 2020 là thái độ phớt lờ mọi sự hỗn loạn, thậm chí nhìn vào diễn biến của thị trường còn cảm giác như nhà đầu tư đang hân hoan chào đón 1 tương lai tuyệt vời.

Có một vài lý do tốt để làm như vậy. Đối với những người may mắn vẫn giữ được việc làm trong năm 2020, vì nhiều cửa hàng phục vụ nhu cầu mua sắm không thiết yếu đã đóng cửa, tiền tiết kiệm lại tăng lên và phần nhiều trong số đó đã chảy vào thị trường chứng khoán, dù cho đó là các nhà đầu tư "Robinhood" đầu tư qua ứng dụng hay các nhà đầu tư bảo thủ hơn đang tìm cách đa dạng hóa danh mục.

Tổng cộng các nhà đầu tư đã rót 29,4 tỷ USD vào các quỹ chứng khoán Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 15/12, mức theo tuần cao thứ 5 từ trước đến nay theo EPFR Global. Trong tháng 12, các quỹ ETF theo dõi chứng khoán đã hút ròng 46 tỷ USD sau khi thu về 81 tỷ USD trong tháng trước.

Phần tiết kiệm còn lại sẽ được bơm vào nền kinh tế thực, thông qua chi tiêu tiêu dùng khi mối nguy đại dịch giảm xuống.

Các sự kiện của năm 2020 càng nhấn mạnh thêm sức mạnh to lớn của chính sách tiền tệ. Nỗ lực giữ lạm phát ở mức thấp nhất có thể để hỗ trợ nền kinh tế của Cục dự trữ liên bang Mỹ đã thổi bay lợi suất trên thị trường các tài sản mang lại thu nhập cố định, từ đó càng thôi thúc nhà đầu tư đến với cổ phiếu. Tuy nhiên, mặt khác Fed cũng đã kích hoạt tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư.

Duy trì môi trường ổn định trên thị trường vốn là điều có ý nghĩa quan trọng giúp các doanh nghiệp sống sót, và chúng ta cũng cần phải lấy lại số việc làm đã mất (khoảng 10 triệu việc làm) khi đại dịch qua đi. Vì thế có 1 cách để giải thích cho hành động của các nhà đầu tư: tầm nhìn của họ vượt ra ngoài cuộc khủng hoảng mà Fed quả quyết sẽ chỉ là ngắn hạn.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán giống như 1 "con quái vật" tàn ác và có nhiều toan tính. Giúp đỡ mọi người có việc làm trở lại không phải là ưu tiên hàng đầu. Các nhà đầu tư dường như cũng đang đặt cược vào sự thay đổi vĩnh viễn trong cấu trúc nền kinh tế cũng như thị trường lao động.

Thị trường luôn chào đón những công ty có khả năng giảm chi phí lao động, nhưng hiện tượng này càng trở nên sắc nét hơn trong năm 2020. "Tôi có thể tổng kết 2020 là "năm con gấu" cho loài người", Vincent Deluard, lãnh đạo công ty môi giới StoneX Group nhận định. "Covid đang làm tăng tốc nhiều quá trình: từ xã hội thay đổi, tài sản tập trung trong tay 1 nhóm người, chênh lệch giàu nghèo cho đến các vấn đề về cạnh tranh.

Phân tích của Deluard cho thấy cổ phiếu của các công ty phụ thuộc ít nhất vào các nhân viên đang tăng mạnh hơn so với các công ty sử dụng nhiều lao động. Đó là 1 xu hướng mà bạn không nên bỏ qua khi nhận định ai thắng ai thua trong năm vừa qua. Câu chuyện điển hình của năm nay là Tesla, khi giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 700% - khiến nhiều người khẳng định chắc chắn đó là bong bóng nhưng lại rất hợp lý đối với những người tin vào tương lai của xe điện.

Trên thị trường IPO, giá cổ phiếu tăng gấp đôi đã trở thành hiện tượng thường gặp đối với những công ty được nhà đầu tư nhìn nhận là sẽ thay đổi cuộc chơi. Có thể kể đến một số cái tên như công ty về trí tuệ nhân tạo C3.ai, công ty giao thực phẩm DoorDash và công ty cho thuê nhà Airbnb.

Nhìn vào các vụ IPO gần đây, bạn có thể liên tưởng đến bong bóng dot-com. Nhưng không cần phải quay trở lại tận 20 năm trước để tìm ra ví dụ về việc phố Wall "cầm đèn chạy trước ô tô". Chỉ số S&P 500 đã tăng 19% trong năm 2017 do nhà đầu tư hứng khởi với các kế hoạch cắt giảm thuế doanh nghiệp của Tổng thống Trump. Họ đã dự đoán chính xác về tương lai: tháng 12 năm đó luật giảm thuế đã được ký và có hiệu lực từ đầu năm 2018. Tuy nhiên sự kỳ vọng là quá lớn so với thực tế. Năm 2018 S&P 500 sụt giảm 6,2%.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Tổ Quốc

Trở lên trên