MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2020 - Năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới

22-12-2020 - 16:56 PM | Tài chính quốc tế

2020 - Năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới

"Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng", Tổng giám đốc IATA cho biết. Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021 sẽ đầy thách thức với ngành hàng không nhưng vẫn có hy vọng.

Đến hẹn lại lên, CafeBiz sẽ điểm lại những câu chuyện/sự kiện kinh doanh nổi bật và những dấu ấn đáng chú ý của một số ngành kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế trong năm 2020. Toàn bộ nội dung này sẽ được chúng tôi tập hợp tại series "DẤU ẤN KINH DOANH NỔI BẬT 2020" . Mời quý độc giả đón đọc.

Ngành hàng không đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ngành vận tải hàng không có mối liên kết chặt chẽ với những ngành như sản xuất máy bay, hỗ trợ thương mại quốc tế, du lịch, dịch vụ…

Trong quá khứ, hàng không chỉ chứng kiến một vài lần khủng hoảng và dễ dàng hồi phục. Dịch Sars năm 2003 khiến việc đi du lịch không an toàn nhưng nền kinh tế toàn cầu vẫn ổn. Cuộc khủng hoảng 2008 diễn ra nhưng di chuyển bằng đường hàng không vẫn an toàn.

Tuy nhiên năm 2020 lại là quãng thời gian buồn với ngành hàng không quốc tế trước tác động của đại dịch Covid-19. Các lệnh giãn cách, đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại khiến hàng không vừa mất an toàn cũng như sụt giảm về nhu cầu.

Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) dự báo trước ảnh hưởng của đại dịch, khoảng 14% các chuyến bay quốc tế sẽ hoàn toàn chuyển sang dùng tàu cao tốc mãi mãi.

COVID-19: CƠN ÁC MỘNG KHỦNG KHIẾP NHẤT LỊCH SỬ HÀNG KHÔNG THẾ GIỚI

2020 - Năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới  - Ảnh 1.

Trong suốt 20 năm trước khi đại dịch diễn ra, ngành hàng không đã có thời kỳ tăng trưởng hoàng kim. Năm 1998, các hãng bay trên thế giới bán được 1,46 tỷ vé thì đến năm 2019, con số này đạt 4,54 tỷ vé. Thế nhưng, dịch Covid-19 đã chấm dứt tất cả.

Việc dịch Covid-19 dễ dàng lây lan từ người sang người đã buộc nhiều quốc gia phải áp dụng các lệnh cách ly, qua đó hạn chế đi lại và ảnh hưởng mạnh đến ngành hàng không. Số liệu của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) cho thấy năm 2020, ngành dịch vụ này sẽ lỗ khoảng 118,5 tỷ USD và con số này vào năm 2021 là lỗ khoảng 38,7 tỷ USD.

Với con số cao kỷ lục này, IATA nhận định năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không.

"Về mặt tài chính, năm 2020 là năm tồi tệ nhất trong lịch sử ngành hàng không dân dụng", Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac phát biểu tại cuộc họp báo.

Người đứng đầu IATA cho hay, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giá dầu tăng đột biến hồi 2008 và 2009, hàng không thế giới chịu thua lỗ 31 tỷ USD. Nhưng vẫn chưa là gì để so sánh với mất mát từ cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay.

Theo IATA, lượng hành khách hàng không thế giới năm 2020 sụt giảm khoảng 68% so với năm 2019. Qua khảo sát, chỉ 50% số người được hỏi sẵn sàng di chuyển bằng đường hàng không và rất nhiều người cho biết phải chờ tới hết năm sau mới dám đi lại. Hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không thấp hơn so với điểm hòa vốn, do vậy, hầu hết các hãng chỉ còn đủ dòng tiền duy trì hoạt động trong vài tháng.

Tổng giám đốc Juniac của IATA cho biết dù ngành hàng không đã cắt giảm chi phí được 45,8% nhờ giá dầu giảm, nhưng doanh thu cũng hạ tới 60,9%.

Trong bản dự báo cập nhật, IATA cho biết vận tải hành khách đường không dự kiến đạt 2,8 tỷ người vào năm 2021, cao hơn 1 tỷ người so với năm nay nhưng vẫn thấp hơn 1,7 tỷ người so với năm 2019.

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã khiến doanh số ngành hàng không lỗ khoảng 510 tỷ USD. Nhiều hãng bay phải cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, đẩy nhiều ngành nghề liên quan đến hàng không rơi vào cảnh lao đao.

Để hỗ trợ các hãng hàng không, chính phủ các nước đã chi tới 173 tỷ USD nhằm ngăn chặn một thảm họa vỡ nợ hàng loạt trên toàn ngành. Dẫu vậy IATA cho biết rất nhiều hãng hãng không đã phải đảo nợ, bán mình hoặc sáp nhập để có thể tồn tại qua mùa dịch.

Ví dụ như hãng hàng không Norwegian Air đã từng cảnh báo cần thêm tài chính để sống sót tới quý I/2021 nhưng giờ đây đã phải nộp đơn bảo hộ phá sản.

Nhằm cắt giảm chi phí, các hãng hàng không đã phải thu hẹp đội bay và cho hàng loạt máy bay nằm kho bảo dưỡng. Tại sân bay Teruel-Tây Ban Nha, nơi chứa các máy bay bị tạm ngưng hoạt động để bảo dưỡng, hàng loạt các hãng hàng không đã dồn máy bay của họ vào đây. Tính đến tháng 6/2020, sân bay này đã chứa đến 114 chiếc máy bay từ mọi hãng hàng không ở Châu Âu như Air France, British Airways, Lufthansa… trong khi công suất của kho chứa chỉ vào khoảng 120 chiếc.

"Tôi đã làm trong ngành gần 40 năm nay và chưa bao giờ chứng kiến thảm cảnh này. Tôi cảm thấy vô cùng tồi tệ khi quá nhiều máy bay phải nằm kho như vậy", CEO Patrick Lecer của hãng Tarmac Aerosave chuyên bảo dưỡng máy bay tại Terual ngậm ngùi.

Số liệu của Cirium cho thấy tính đến giữa tháng 4/2020, khoảng 65% máy bay chở khách, tương đương 14.400 chiếc đã bị ngừng bay. Thậm chí, những hãng hàng không như Emirates còn thiếu khách đến nỗi cam kết bồi thường 1.765 USD cho bất kỳ ai thiệt mạng vì nhiễm Sars nCov-2 trên máy bay của họ.

NĂM 2021 - THÁCH THỨC CÒN Ở PHÍA TRƯỚC

2020 - Năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới  - Ảnh 2.

Theo IATA, nửa đầu năm 2021 sẽ đầy thách thức với ngành hàng không nhưng vẫn có hy vọng. Doanh thu của ngành vận tài hàng hóa đường không ước tính tăng 15% so với cùng kỳ năm trước lên 117,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, các dự đoán cho thấy sớm nhất đến năm 2024 thì số lượng hành khách sử dụng dịch vụ hàng không sẽ chưa thể trở lại mức của năm 2019. Tồi tệ hơn, kể cả với khoản hỗ trợ 173 tỷ USD của chính phủ các nước thì bình quân các hãng bay chỉ có đủ tài chính để sống sót trong vòng 8,5 tháng tới. Nhiều doanh nghiệp nhỏ thậm chí đối mặt nguy cơ phá sản do đã vào mùa đông, thời điểm nhu cầu đi lại suy giảm trong mùa dịch bất chấp các ngày nghỉ lễ.

Dù Vaccine chống dịch Covid-19 đã được sản xuất nhưng các chuyên gia cho rằng ngành hàng không vẫn sẽ lỗ bình quân 6,8 tỷ USD/tháng trong nửa đầu năm 2021 trước khi thực sự có lợi nhuận trở lại vào quý IV cùng năm.

Đặc biệt hơn, ngành hàng không sẽ có những biến đổi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Theo hãng tin BBC, phần lớn các hãng hàng không sẽ tối giản dịch vụ để sống sót qua cuộc khủng hoảng. Thời kỳ những hành khách đi khoang hạng nhất được hưởng các dịch vụ xa xỉ hay các chương trình ưu đãi khác trên máy bay có thể sẽ bị chấm dứt.

Thay vào đó, hành khách có thể sẽ phải lựa chọn những dịch vụ chỉ có ít hoặc thậm chí chẳng có loại phục vụ xa xỉ nào hết. Nhiều hãng hàng không được dự đoán sẽ cắt bớt tạp chí trên máy bay, gối hoặc thậm chí là cả bữa ăn để giảm chi phí.

Hãng Singapore Airlines vốn nổi tiếng về chất lượng dịch vụ thì nay đã cho ngưng chương trình phục vụ đồ ăn bừng xe đẩy trên tất cả các chuyến bay tại Châu Á. Thay vào đó, hành khách chỉ được phát một túi đồ ăn nhẹ với nước hoặc đồ ăn vặt khi lên máy bay.

Phía Singapore Airline cho biết mục đích của quyết định này không phải để cắt giảm chi phí mà là để hạn chế sự tiếp xúc và tránh lan truyền dịch Covid-19.

2020 - Năm tồi tệ nhất lịch sử hàng không thế giới  - Ảnh 3.

Bên cạnh đó, vấn đề giá vé cũng khiến nhiều người quan tâm. Theo lý thuyết khi nhu cầu giảm, giá vé sẽ giảm theo nên nhiều người cho rằng với lượng hành khách thấp kỷ lục, họ có thể kiếm được chỗ ngồi dễ dàng trên các chuyến bay.

Tuy vậy, giá vé bay cũng bị tác động với nguồn cung. Việc phần lớn các máy bay chở khách trên thế giới đã ngừng bay khiến số ghế ngồi cung ứng thấp hơn nhiều trên thị trường. Khoảng 17.000 máy bay thương mại cả chở khách lẫn chở hàng trên thế giới đã bị tắc tại các sân bay tính đến tháng 8/2020.

Ngoài ra, nếu nhiều hãng hàng không phá sản do không chịu được cuộc khủng hoảng dịch bệnh, nguồn cung sẽ đi xuống và giá vé máy bay có thể sẽ còn tăng. Cả hãng sản xuất máy bay Boeing lẫn lãnh đạo hãng hàng không Emirates đều nhận định về nguy cơ phá sản hàng loạt trên toàn ngành nếu không có sự trợ giúp từ chính phủ.

Xin được nhắc là việc vận hành một hãng hàng không khá tốn kém. Ví dụ một máy bay cỡ nhỏ Boeing 737 cũng đã có giá 102 triệu USD/chiếc, chưa kể tiền nhiên liệu, bảo hiểm, thuế, chi phí vận hành, bảo dưỡng…

Dù vận chuyển hàng hóa trong thời điểm Vaccine chống dịch Covid-19 là một kênh kinh doanh có lời nhưng với nhiều hãng bay, việc xếp đầy hành khách lên khoang mới là mảng dịch vụ chính giúp họ kiếm tiền. Điều trớ trêu là nếu thu hẹp đội bay để chất đầy hành khách, việc tuân thủ các quy định giãn cách sẽ bị phá vỡ.

Theo IATA, ngành hàng không thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi lâu dài và khó khăn. Sự bất ổn về dịch bệnh tại các thị trường trọng điểm sẽ còn tác động mạnh đến toàn ngành và dù có phục hồi thì thị trường hàng không sẽ rất khác lạ so với những gì chúng ta đã từng biết.

Nguồn: Tổng hợp

Theo Băng Tâm

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên