2023 - Năm kỷ lục về thảm họa thiên nhiên
Năm 2023, thế giới đã ghi nhận nhiều thảm họa thiên nhiên, riêng mỗi thảm họa có mức tàn phá hàng tỷ USD trở lên.
- 20-12-2023Toàn cảnh thảm họa động đất tại Trung Quốc: Rung chuyển tỉnh Cam Túc dưới cái lạnh -14 độ, ít nhất 831 người thương vong
- 10-12-2023Bộ ảnh ghi lại khung cảnh gần nhà máy Hạt nhân Fukushima sau thảm họa kinh hoàng: Gì cũng có chỉ vắng bóng người
- 27-11-2023Tảng băng lớn nhất hành tinh đã tách khỏi Nam Cực: Thảm họa thiên nhiên nào sẽ xảy ra?
Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông António Guterres đã đưa ra cảnh báo rằng "kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc" và "kỷ nguyên sôi sục toàn cầu đã đến". Ông Guterres cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động toàn cầu về khí thải, thích ứng với khí hậu và tài chính khí hậu.
Gần như ngày nào, tuần nào cũng có tin tức về một nơi nào đó trên hành tinh đang phải gánh chịu một thảm họa nào đó có thể là lũ lụt, cháy rừng, bão nhiệt đới, hoặc hạn hán. Sự kiện có thể khác nhau, nhưng đều có các điểm chung là chúng gây ra thiệt hại vô cùng lớn và khiến cho hàng chục, hàng trăm nghìn người phải lao đao khốn khổ.
Bài học đắt giá từ những thảm họa tự nhiên
Ngay từ đầu năm, thế giới đã rúng động vì một thảm họa có sức tàn phá khủng khiếp. Ngày 6/2/2023, hai trận động đất liên tiếp trong vòng 12 tiếng xảy ra tại miền Trung và miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền Bắc Syria. Độ lớn 7,8. Nhiều nơi cảm nhận dư chấn lên tới 6,7. Cho tới giờ, con số thống kê là hơn 50 nghìn người đã thiệt mạng vì thảm họa này. Hàng loạt các tòa nhà, công trình đã bị phá hủy.
Trận động đất không chỉ là cú đánh mạnh vào đời sống của hàng trăm nghìn người, mà còn khiến Thổ Nhĩ Kỳ thiệt hại hơn 163 tỷ USD - một con số vô cùng lớn đối với quốc gia còn đang gặp nhiều thách thức về kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi sau trận động đất kinh hoàng này.
Chưa hết bàng hoàng vì trận động đất lịch sử tại Thổ Nhĩ Kỳ, liên tiếp những tháng sau đó, thế giới đã phải đón nhận hàng loạt các thảm họa đặc biệt là do biến đổi khí hậu. Giữa năm, thời tiết khô hạn, nắng nóng cực độ đã gây cháy rừng tại hàng loạt quốc gia. Những hình ảnh cháy rừng tại Indonesia vào tháng 6, cháy rừng dữ dội ở Hawaii vào tháng 8 thiêu rụi cả một thị trấn. Riêng trong tháng 7 năm nay, Hy Lạp đã thống kê tổng cộng hơn 120 vụ cháy rừng lớn nhỏ.
Theo giới chức, những vụ cháy này đã hủy hoại hàng chục nghìn ha rừng hay đất canh tác và giải phóng hàng triệu tấn khí thải CO2 vào bầu khí quyển. Ngọn lửa ngùn ngụt hung dữ không chỉ thiêu rụi một khoảng lớn của hệ thực vật, mà còn để lại hậu họa khôn lường về môi trường. Và đương nhiên, cơ ngơi tài sản của rất nhiều gia đình đã biến thành tro bụi.
Hồi tháng 9 vừa rồi, hơn 38 nghìn người ở Đông Bắc Libya phải di dời khỏi các khu vực bị lũ lụt nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão Địa Trung Hải Daniel. Giới chức Libya thông báo, lũ lụt đã làm hư hại khoảng 5.000 ngôi nhà và phá hủy mạng lưới cấp nước khiến người dân ở nhiều nơi bị thiếu nước uống nghiêm trọng. Thống kê chính thức cũng cho thấy lũ lụt đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người và khiến 10.000 người mất tích. Một khủng hoảng về vệ sinh dịch tễ cũng đã xảy ra. Đây là một trong những thảm họa tự nhiên có hậu quả tàn khốc nhất của năm qua.
Chưa dừng ở đó, những trận lũ dữ dội còn càn quét liên tục các quốc gia và vùng lãnh thổ khác xuyên suốt trong cả năm 2023. Hồi tháng 5, hơn 250.000 người phải sơ tán do lũ lụt tại Somalia. Tháng 10, Myanmar đóng cửa hơn 200 trường học do lũ lụt. Tháng 11, Pháp tuyên bố tình trạng thiên tai tại 250 cộng đồng ở miền Bắc do lũ lụt.
Từ Á sang Âu, từ nước giàu cho tới nước nghèo, thảm họa tự nhiên không chừa bất cứ một mảnh đất nào của hành tinh. Cũng chính vì thế, trong Hội nghị COP28 vừa kết thúc mấy ngày trước, các bên tham gia đã đặc biệt thảo luận sâu về những tác động do biến đổi khí hậu dẫn tới thiên tai gây ra. Trong đó, các quốc gia đang phát triển phải gánh chịu những hậu quả vô cùng nặng nề của thảm họa tự nhiên.
Sự nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và thảm họa thiên nhiên
Ở Manacapuru - một thị trấn thuộc thành phố mưa nhiệt đới Manaus, bang Amazonas, Brazil, thời tiết khô hạn do hiện tượng El Nino năm nay gây ra đã ảnh hưởng tiêu cực lên nhiều nơi trên thế giới, lần này là sông Amazon. Rio Negro, nhánh sông lớn nhất ở phía Tây của sông Amazon đang bị giảm mực nước với tốc độ chóng mặt, lên tới 20 cm/ngày. Hạn hán kèm nắng nóng khiến cá đồng loạt chết trắng mặt nước, bốc mùi hôi thối.
Chị Caroline Silva Dos Santos - Tiểu thương nói: "Thật khó khăn vì nguồn nước vừa cạn vừa ô nhiễm, chúng tôi không có nước tắm giặt. Nước ở sông này từng uống được nhưng giờ thì không".
Trận hạn hán tháng 9 vừa qua khiến ít nhất 110 nghìn người dân sống quanh khu vực này bị ảnh hưởng trực tiếp, bởi vì sông Amazon không chỉ cung cấp nguồn nước sinh hoạt, ăn uống cho người dân, mà còn là nơi cung cấp thủy sản cho các chợ địa phương.
Trong năm vừa qua, lực lượng cứu hỏa Indonesia cũng gặp không ít khó khăn khi đương đầu với hai vụ cháy rừng hồi tháng 6 và gần đây nhất là tháng 10. Các đám cháy rừng trên nền đất than bùn trên khắp các khu vực của Indonesia xảy ra khi thời tiết nắng nóng và khô hạn do tác động của hiện tượng khí hậu El Nino.
Ông Sudarsono - Cư dân Thành phố Palembang, tỉnh Nam Sumatra: "Đám cháy tháng 10 này nghiêm trọng hơn, nhà tôi cách đám cháy 7km mà vẫn hít thở được mùi khói nồng nặc".
Khói mù bao phủ khắp nơi, lan sang cả nước láng giềng Malaysia. Quyền thị trưởng thành phố Palembang tuyên bố ngừng mọi hoạt động ngoài trời, khuyến cáo người dân không ra đường nếu không thật sự cần thiết và luôn phải đeo khẩu trang. Các trường học chuyển sang học trực tuyến để hạn chế học sinh ra đường.
Có rất nhiều thiên tai nối tiếp thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan này khiến các quốc gia không kịp đối phó.
Ông Li Yifei - Chuyên gia môi trường, Đại học New York ở Thượng Hải, Trung Quốc cho rằng: "Hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở thành chuẩn mực mới, nó sẽ xuất hiện thường xuyên đến mức tôi nghĩ ngay cả từ "cực đoan" hay "thời tiết khắc nghiệt" cũng gần như trở thành một cách gọi sai, bởi vì con người sẽ quen với sự khắc nghiệt đó và cảm thấy điều đó là bình thường. Chúng có thể xảy ra với tần suất không nhiều, nhưng mức độ sẽ ngày càng khắc nghiệt".
Trung Quốc nỗ lực hỗ trợ tài chính sau thiên tai
Một năm kỷ lục của thiên tai, cũng là một năm kỷ lục của ngành bảo hiểm. Ngay tại Trung Quốc, mới đến tháng 8 năm nay, các đơn vị bảo hiểm của nước này đã giải quyết khoảng 145.000 đề nghị thanh toán bảo hiểm thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền lên tới hơn 357 triệu USD.
Chủ yếu số tiền này là để thanh toán cho những đơn vị và cá nhân chịu thiệt hại nặng nề do trận mưa lũ tháng 8. Tại thủ đô Bắc Kinh, ước tính 17.000 ô tô bị thiệt hại, trong đó hơn 11.000 ô tô đã hoàn thành giám định, bồi thường. Ngoài ra, các tỉnh lân cận còn đề nghị thanh toán bảo hiểm nông nghiệp lên tới gần 5 triệu USD. Ngoài việc chi trả bảo hiểm, chính quyền nước này còn yêu cầu các ngân hàng sớm ban hành các chính sách hỗ trợ, tăng cường tín dụng cho vay, nhất là đối với các khu vực bị thiệt hại nặng nề.
Các biện pháp phòng ngừa thiên tai
Dù vậy, bảo hiểm chỉ là hình thức khắc phục những tổn thương đã xảy ra và đôi khi không thể cứu vãn được nữa. Đối phó với thiên tai, biến đổi khí hậu, cần một sự chủ động và có sự vào cuộc của các sáng kiến khoa học.
Tháng 7/2011, trận mưa bão lịch sử đã khiến Copenhagen, Đan Mạch chìm trong biển nước, 1/4 số công nhân vệ sinh môi trường bị ốm sau sự việc này. Cơn bão gây thiệt hại 1 tỷ USD, nhưng trong những năm gần đây, các cơn bão bất thường cũng xuất hiện nhiều hơn, mang theo lượng mưa lớn mà hệ thống thoát nước không thể thích ứng kịp.
Biến đổi khí hậu đang khiến lượng mưa khó dự đoán hơn và buộc giới chức thành phố này đưa ra nhiều quyết định chủ động ứng phó. Vườn hoa từng là một bùng binh đông đúc, giờ nó là một phần trong kế hoạch thành phố bọt biển, có khả năng chống ngập tới 100 năm.
Ông Jan Rasmussen - Người đứng đầu chương trình chống ngập thành phố Copenhagen, Đan Mạch: "Vào thời điểm đó, các chính trị gia quyết định cần một kế hoạch mở rộng hệ thống thoát nước một cách thông minh, hệ thống đó sẽ giúp giảm nước trên bề mặt đường phố cũng như sâu trong lòng đất mà vẫn đảm bảo đa dạng sinh học".
Một hệ thống cống ngầm có đường kính 3 mét và dài 18 km xuyên dưới lòng thành phố sẽ giúp dẫn nước từ các mái nhà, ao hồ về phía bến cảng để đổ ra biển. Khi nước bên ngoài dâng cao, nước mưa sẽ được giữ trong cống ngầm, kiểm tra chất lượng xem có ô nhiễm không rồi mới từ từ thải ra ngoài. Nhờ thế, mực nước ở các cảng biển luôn được giữ ở mức ổn định và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Một khu vực khác là Công viên Enghavenparken được sử dụng để chứa nước sau các trận mưa lớn. Những vườn cây trồng bên trên và xung quanh cũng sẽ có nhiệm vụ giữ nước. Công viên có thể xử lý khoảng 22.700m3 nước trước khi xả ra hệ thống cống ngầm.
VTV