2024 – Năm bùng nổ của 1 lĩnh vực được coi là “sức mạnh mềm”, mở đường cho chiến thắng giòn giã của các nhãn hàng đầu tư
Sự thành công này không thể coi là may mắn, mà là thành quả hội tụ từ những chiến lược khôn ngoan và phù hợp.
Nhìn lại cả năm 2024, dường như chưa bao giờ khán giả lại có nhiều lựa chọn đa dạng và hấp dẫn đến thế. Các chương trình truyền hình thực tế, gameshow và các cuộc thi âm nhạc đã thực sự bùng nổ, tạo nên những cơn sốt trên mạng xã hội. Từ những format quen thuộc được làm mới, đến những ý tưởng sáng tạo hoàn toàn mới, tất cả đều mang đến những trải nghiệm thú vị cho khán giả.
Sự thành công của các chương trình này không chỉ đến từ những yếu tố giải trí mà còn bởi yếu tố con người. Sự xuất hiện của nhiều gương mặt trẻ tài năng, cùng với sự trở lại của những nghệ sĩ kỳ cựu đã tạo nên một bức tranh đa màu sắc và phong phú.
Các chương trình như 'Anh trai vượt ngàn chông gai' và 'Anh trai say hi' trở thành tâm điểm tìm kiếm. Không chỉ thu hút khán giả trong không gian giải trí truyền hình, các "anh trai" còn tạo cơn sốt cháy vé concert. Những cái tên như ‘Rap Việt’, ‘Chị đẹp đạp sóng rẽ gió’... cũng chiếm một độ phủ sóng không nhỏ trên truyền hình cũng như mạng xã hội.
Làng nhạc trong nước trước đây hiếm khi có những đại nhạc hội tổ chức ở sân vận động với quy mô lớn. Nhưng 30 ca sĩ của "Anh trai say hi" đã tạo nên dấu mốc mới. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, concert "Anh trai say hi" đã có tới 4 đêm diễn tại Hà Nội và TP.HCM, có hạng vé lên đến 10 triệu đồng với những ưu tiên đặc quyền. Không chỉ tính doanh thu từ tiền vé, việc phát hành các video ca nhạc của các "anh trai" trên các kênh như Youtube, Spotify, Apple Music… sau các đêm công diễn cũng góp phần đem lại "mắt xem", lượt nghe (streaming) tăng nguồn thu cho nhà sản xuất. Về kết quả kinh doanh Vie Channel cũng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về lợi nhuận trong nhóm các công ty giải trí tại Việt Nam với với lợi nhuận sau thuế đều đặn mỗi năm trên 100 tỷ đến gần 200 tỷ đồng.
Với "Anh trai vượt ngàn chông gai", được phát trên khung giờ vàng của VTV3, nguồn thu đến từ quảng cáo sẽ là con số không hề nhỏ. Khảo sát từ Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, cứ 30 giây quảng cáo phát tại khung 8 giờ tối chi phí là 170-180 triệu đồng. Theo báo cáo tài chính quý III đã công bố, Yeah1 - nhà sản xuất chương trình, ghi nhận doanh thu gấp 3 lần so với cùng kỳ, lên hơn 345 tỷ đồng và là mức doanh thu cao nhất kể từ quý IV/2020. Trong đó chủ yếu là doanh thu từ quảng cáo và tư vấn truyền thông với 307 tỷ đồng.
Sức nóng của chương trình phần nào phả thêm hơi nóng vào giá cổ phiếu của Yeah1 trên sàn chứng khoán. Tính từ đầu tháng 11, cổ phiếu YEG đã bật tăng tích cực gần 40% giá trị chỉ sau hơn 1 tháng. Nếu tính từ đầu năm, cổ phiếu YEG chứng kiến mức tăng hơn 19%, vốn hóa cũng được kéo lên gần 2.000 tỷ đồng.
Lễ hội âm nhạc GENfest 2024 tại TP.HCM diễn ra vào cuối tháng 11 mới đây cũng gây ấn tượng không kém khi sở hữu lượng vé tẩu tán "nhanh chóng mặt". Trong 2 ngày tổ chức, sự kiện đã đem tới những sân khấu đẳng cấp, âm nhạc bùng nổ, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như MONO,Chipu, HIEUTHUHAI, tlinh, RHYDER... Khác với những lễ hội khác, mỗi sân khấu của các nghệ sĩ tham gia GENfest là một mini-concert đúng nghĩa bởi thời lượng trình diễn dài và mức độ đầu tư lớn. Mỗi nghệ sĩ xuất hiện tại GENfest đều có không gian riêng để thể hiện câu chuyện âm nhạc cũng như màu sắc riêng của mình thông qua phần dàn dựng xuất sắc về hình ảnh và âm thanh từ đạo diễn Dương Mai Việt Anh cùng giám đốc âm nhạc SlimV. Đây cũng là sức hút đã níu chân hàng chục nghìn khán giả TP.HCM.
Không cần đặt lên bàn cân so sánh quá chi tiết, chỉ dựa vào những con số ấn tượng kể trên, người ta có thể dễ dàng nhận thấy thị trường giải trí tại Việt Nam giờ đây đang từng bước hóa mình thành một ngành công nghiệp tiềm năng, hứa hẹn doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, hoặc hơn cả thế nữa.
Nhìn nhận về điều này, đạo diễn Dương Mai Việt Anh chia sẻ: "Cá nhân tôi tin tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam còn rất lớn. Con số này hiện chỉ nên coi là tín hiệu cho một thời kỳ rực rỡ hơn nữa của ngành giải trí - văn hoá Việt.
Nhưng đồng thời, cũng phải thấy rằng, thị trường giải trí - sự kiện Việt Nam hiện tại mới chỉ đang ở quy mô vừa và nhỏ: nguồn lực, nền tảng tài chính còn nhiều hạn chế, cũng như nguồn nhân lực, các chuyên gia của chúng ta chưa được đào tạo bài bản, chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc và học hỏi với những nền giải trí lớn của thế giới. Khi thực hiện mỗi một sự kiện quy mô lớn, thử thách đặt ra có rất nhiều, đặc biệt trong bối cảnh tiêu chuẩn và thị hiếu của khán giả đang tăng nhanh hơn sự phát triển về nền tảng sự kiện hiện tại.
Do đó, khi số lượng các sự kiện quy mô lớn đang ngày càng tăng, chúng ta cũng nên nhìn thẳng vào những lỗ hổng, điểm yếu về tiêu chuẩn - chất lượng cần cải thiện hơn nữa, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng địa điểm tổ chức, chất lượng thiết bị, nhân sự, quy trình… Còn một chặng đường rất dài phía trước, nhưng khi tất cả cùng chung tay, đồng lòng xây dựng một nền tảng bền vững và đặt mục tiêu vươn xa hơn, chắc chắn thị trường giải trí Việt Nam sẽ có thể sánh vai với những thị trường lớn đang hiện hữu."
Như những gì mà Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh từng nhận định, công nghiệp văn hóa chính là tượng trưng cho "sức mạnh mềm" của mỗi một địa phương, càng có thể trở thành công cụ, cách thức "mở đường", góp phần tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xã hội hiện nay của đất nước.
Các show thực tế không chỉ mang đến thành công cho chính mình mà còn thay đổi cuộc đời của nhiều nghệ sĩ tham gia. Sau khi xuất hiện trên các chương trình này, lượng fan của họ thường tăng đột biến, thậm chí trở thành tâm điểm săn đón của các nhãn hàng lớn.
Trước Anh trai vượt ngàn chông gai, Soobin Hoàng Sơn đã hoạt động nghệ thuật trong showbiz Việt được 10 năm. Ca sĩ sinh năm 1992 sở hữu nhiều ca khúc hit được khán giả yêu thích như Vài lần đón đưa, Phía sau một cô gái... nhưng phải đến thời điểm hiện tại, anh mới thực sự tỏa sáng ở một vị trí tương xứng với tài năng của mình. Hàng loạt hợp đồng đại diện được trao tay, danh hiệu "Hoàng tử visual" nổi danh khắp mạng xã hội. Đây là những thành quả hoàn toàn tương xứng với một nghệ sĩ đa tài đã âm thầm cống hiến cho âm nhạc Việt những tác phẩm chỉn chu và tâm huyết.
Ở các "anh trẻ", người ta cũng nhìn thấy những hiện tượng tương tự như vậy. HIEUTHUHAI từng được nhận xét rằng có cố gắng nhưng "chưa cho thấy khát vọng tận cùng của người đứng trên top". Tên tuổi của nam rapper cũng thường lùm xùm trong tranh cãi "có được đánh giá quá cao (overated) hay không". Thế nhưng, ở Anh trai say hi, HIEUTHUHAI đã dùng hành động để đưa ra câu trả lời. Qua các màn trình diễn chỉn chu, đúng thế mạnh, cùng với sự nỗ lực và đam mê nhiệt huyết, anh liên tục top Top Trending, đứng đầu các bình chọn và trở thành gương mặt bùng nổ của chương trình.
Hay như Quang Anh Rhyder, người vốn có nền tảng rất tốt khi sở hữu danh hiệu quán quân Giọng hát Việt nhí 2013 và tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Việt Nam, nhưng lại có quãng thời gian dài chật vật không tìm được chỗ đứng trong sự nghiệp. Tài năng trẻ còn từng nảy ra ý định bỏ cuộc, về nhà bán trà sữa và mỹ phẩm. Cuối cùng, nhờ lửa đam mê không ngừng khắc khoải, Quang Anh cuối cùng đã kiên trì đợi được "thời cơ" của chính mình. Bước ra sau chương trình Anh trai say hi, cái tên Rhyder (với ý nghĩa "chiến binh") ghi dấu ấn mạnh mẽ trong lòng khán giả với khả năng vocal "đỉnh nóc", rap trôi chảy, vũ đạo linh hoạt, cùng năng lực sáng tác nổi bật.
Những cái tên từng bị lu mờ, chưa tỏa sáng đúng với sức hút của mình như "hit-maker" Bùi Công Nam, Kay Trần, Anh Tú… cũng từng bước trở thành những ngôi sao sáng giá trong lĩnh vực nghệ thuật Việt Nam.
Hiệu ứng này còn được thể hiện qua các concert hay fan meeting luôn trong tình trạng "cháy vé". Những sự kiện như vậy không chỉ là nơi nghệ sĩ gặp gỡ người hâm mộ mà còn tạo ra làn sóng trên mạng xã hội, làm bùng nổ các trào lưu mới. Các chương trình âm nhạc khác như show của Vũ hay "Dốc mộng mơ" cũng góp phần thổi luồng gió mới vào đời sống âm nhạc, mang đến những trải nghiệm đa dạng và sâu sắc hơn cho khán giả.
Giá trị lớn của những sự kiện âm nhạc quốc nội là kéo khán giả trẻ từ thế giới nhạc Âu-Mỹ, Kpop… trở về với nhạc Việt. Người hâm mộ không chỉ yêu thích format chương trình, mà còn ấn tượng với tư duy âm nhạc hướng tới các giá trị truyền thống và tích cực, mang đậm bản sắc quê hương. Các tiết mục được dàn dựng có định hướng, tư duy nghệ thuật và nắm bắt được cảm xúc người xem nên dễ dàng chạm đến trái tim của đông đảo khán giả - kể cả những người xem từ nhỏ tới lớn tuổi.
"Mình thích cả 2 chương trình cũng như hầu hết các nghệ sĩ của mỗi bên. Thích các bài nhạc, thích cách mọi người tương tác, đối xử và hỗ trợ lẫn nhau, thích cách họ truyền cảm hứng để nuôi dưỡng đam mê và nhiệt huyết đối với công việc, dành sự tỉ mỉ và chỉn chu cho từng sản phẩm. Đặc biệt hơn cả, mình thích cách mà họ lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước, yêu gia đình thông qua mỗi màn trình diễn. Vì bản thân cũng làm trong lĩnh vực truyền thông nên khi để ý đến mọi khía cạnh, mình không chỉ được thưởng thức và tận hưởng, mà còn được học hỏi rất nhiều", bạn Thùy Linh (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ.
Có thể khẳng định rằng, các show thực tế đã và đang góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa giải trí của người Việt. Hành trình của các nghệ sĩ từ đây không chỉ là câu chuyện của ánh hào quang mà còn là niềm tự hào cho nền nghệ thuật quốc nội, nơi tài năng được nuôi dưỡng và tỏa sáng.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều thương hiệu lớn đã chọn tài trợ các chương trình giải trí như một chiến lược tiếp thị hiệu quả để gia tăng nhận diện thương hiệu và mở rộng tệp khách hàng. Hai ngân hàng lớn, VIB và Techcombank, là minh chứng điển hình cho sự thành công khi "đặt cược" vào các chương trình ca nhạc nổi bật.
VIB đã tạo dấu ấn mạnh mẽ với chiến lược tài trợ chương trình The Masked Singer và concert Anh trai say Hi. Nhờ định hướng nhắm đến nhóm khách hàng trẻ, đặc biệt là Millennials và Gen Z, ngân hàng không chỉ gia tăng độ nhận diện thương hiệu mà còn thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh thẻ. Từ năm 2018-2024, số lượng thẻ của VIB đạt mức tăng trưởng kép 44% mỗi năm, trong khi chi tiêu qua thẻ tăng ấn tượng 56% mỗi năm. Sự kiện concert Anh trai say Hi thu hút ước tính từ 30.000-50.000 khán giả cho mỗi đêm diễn cùng giá vé trung bình trên 2 triệu đồng là một minh chứng cho hiệu quả truyền thông từ chiến lược tài trợ này.
Techcombank chọn một hướng đi khác nhưng không kém phần hiệu quả đó là đồng hành với chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Mục tiêu của ngân hàng là tăng trưởng huy động tiền gửi và thu hút khách hàng mới thông qua các tính năng như "Sinh lời tự động".
Số liệu cho thấy, tính tới thời điểm concert thứ 2 diễn ra, ngân hàng đã thu hút hơn 2.000.000 khách hàng kích hoạt tính năng này. Độ nhận diện tăng vọt khi có hơn 1.100.000 lượt thảo luận trên mạng xã hội về sinh lời tự động, cũng như 185.000.000 lượt hiển thị trên các kênh truyền thông. Đồng thời, đây cũng là nhà tài trợ được fandom "trả quyền lợi nhiều nhất". Những người tham gia Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Ocean Park 3 đều không quên những phút giây hàng chục nghìn người giữa SVĐ cùng hát vang ca khúc quảng cáo của "kim chủ".
Không dừng lại ở đó, mỗi một concert được tổ chức thành công cũng mang về giá trị tăng thêm cho các ngành kinh tế có liên quan. Đến một buổi hòa nhạc, nhiều gia đình, cặp đôi hay nhóm bạn trẻ luôn kết hợp với du lịch và khám phá văn hóa địa phương. Xu hướng du lịch âm nhạc này tạo ra chuỗi giá trị gia tăng, từ ngành hàng không, khách sạn, cho đến nhà hàng và dịch vụ vận chuyển.
Đồng thời, các chương trình âm nhạc quy mô lớn còn tạo ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cơ hội việc làm trực tiếp. Từ ban tổ chức sự kiện bao gồm quản lý, kỹ thuật viên âm thanh ánh sáng đến đội ngũ truyền thông và marketing, tất cả đều đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự kiện diễn ra thành công. Đây cũng là sân khấu để các nghệ sĩ biểu diễn, nhạc sĩ, biên đạo và vũ công phát triển sự nghiệp và khẳng định tên tuổi. Đằng sau hậu trường, số lượng lớn nhân sự thời vụ đảm nhận các công việc như soát vé, hướng dẫn khán giả, hỗ trợ hậu cần, lực lượng an ninh và y tế cũng được huy động, góp phần tạo thêm việc làm trong nhiều lĩnh vực liên quan.
Có thể thấy, yếu tố quyết định thành công không phải may mắn, mà nằm ở sự lựa chọn chương trình phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển. Nhưng từ bức tranh tổng quát, sự bùng nổ của các chương trình giải trí đã mở ra cơ hội lớn cho cả nhà tài trợ lẫn các nhà sản xuất. Đây cũng là chìa khóa giúp các doanh nghiệp kết nối với khách hàng, gia tăng thị phần và nâng cao vị thế trên thị trường.
Ngoài những lợi ích mạnh mẽ về mặt kinh tế, sự thành công của ngành công nghiệp này trong thời gian tới sẽ còn mang lại cho chúng ta những ‘sức mạnh mềm’ với giá trị đáng kể. "Đơn cử như việc mang văn hoá, hình ảnh con người, cá tính âm nhạc và bản sắc của Việt Nam lan toả, không chỉ trong cộng đồng người Việt mà còn tới cả thế giới, sẽ làm tăng sức mạnh nội tại của dân tộc một cách đáng kể. Những giá trị này không được đong đếm bằng những con số, nhưng ảnh hưởng của nó tồn tại rất lâu dài, mang đến một lợi thế vô cùng to lớn trong việc xây dựng hình ảnh đất nước với cộng đồng quốc tế", đạo diễn Dương Mai Việt Anh nhấn mạnh thêm.
Có thể nói, năm 2024 là một năm đánh dấu sự trưởng thành của ngành giải trí Việt Nam, đồng thời khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ giải trí châu Á. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho khán giả mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền văn hóa nước nhà. Đây là một cái kết "Win-win" cho nghệ sĩ và nhãn hàng, đồng thời cũng ghi dấu một mùa "bội thu" cho ngành công nghiệp văn hóa.
Đời sống pháp luật