MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

24 giờ điên rồ đẩy chứng khoán Mỹ tiến sát tới mức kỷ lục mọi thời đại: Điều gì đã xảy ra?

13-09-2019 - 09:41 AM | Tài chính quốc tế

Trong phiên giao dịch ngày 12/9, cả Dow Jones và S&P 500 đều tăng tiệm cận mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập trong tháng 7.

Thị trường chứng khoán chính thức đón nhận những thông tin gây chấn động trong khoảng thời gian cuối phiên giao dịch ngày thứ 4 và đầu phiên giao dịch ngày thứ 5. Theo đó, cả Dow Jones và S&P 500 đều hưởng lợi trong phiên giao dịch vừa kết thúc rạng sáng nay theo giờ Hà Nội.

Thuế quan bị trì hoãn

Chứng khoán tương lai đã tăng lên vào tối 11/9 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hoãn tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 15 ngày nhằm đáp lại hành động thiện chí từ phía Trung Quốc khi loại 16 mặt hàng Mỹ khỏi danh sách đánh thuế. Đây là các khoản thuế bổ sung với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc Bắc Kinh tuyên bố đánh thuế đáp trả Mỹ khiến ông Trump quyết định nâng thuế nhóm mặt hàng này từ 25 lên 30%.

Sáng 12/9, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với CNBC rằng Tổng thống có thể thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc "bất cứ lúc nào" nhưng việc này chỉ diễn ra khi "đó là một thỏa thuận tốt".

"Tổng thống trì hoãn đánh thuế Trung Quốc nhằm đáp lại đề nghị của Phó thủ tướng Lưu Hạc", ông Mnuchin giải thích thêm ngày 1/10 là lễ kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh Trung Quốc và việc tăng thuế có thể khiến Trung Quốc quan ngại về tính biểu tượng của sự kiện.

ECB hạ lãi suất

Vào sáng 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố cắt giảm lãi suất với 10 điểm cơ bản xuống mức 0,5%. ECB cũng công bố một chương trình mua trái phiếu đáng kể với số tiền 20 tỷ euro mỗi tháng như là một phần của sáng kiến nới lỏng định lượng (QE).

Đồng Euro ban đầu đã giảm xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong 2 tuần nhưng sau đó tăng trở lại, đạt mức 1,104 USD đổi 1 euro. Lý do của biết động này bắt nguồn từ tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư ngoại hối vì họ không thể xác định những chính sách của ECB có thể làm gia tăng lạm phát thành công hay không.

Ngoài ra, lợi suất trái phiếu trong khu vực đồng Euro giảm, với lãi suất trái phiếu 10 năm của Đức rơi xuống 0,64%.

Trong khi đó, các nhà đầu tư thì tỏ ra hài lòng với việc ECB cố gắng nới lỏng định lượng một lần nữa. Họ hy vọng những chính sách này sẽ mang đến cho kinh tế toàn cầu một cú huých.

Chế ngự lạm phát

Khoảng một giờ trước khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa ngày 12/9, Bộ Lao động nước này cho biết giá tiêu dùng đã chậm lại trong tháng trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), được sử dụng như là cách đo lường lạm phát, đã tăng nhẹ trong tháng 8. Tuy nhiên, CPI tăng 2,4% trong một năm qua, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008.

Việc lạm phát bị chế ngự dường như sẽ khiến FED xem xét việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tuần tới, điều vô cùng tuyệt vời cho thị trường chứng khoán.

Chứng khoán tiệm cận đỉnh lịch sử

Cả Dow Jones và S&P 500 đều chỉ còn thấp hơn đỉnh lịch sử chưa tới 1%. Cuối ngày, cả hai chỉ số đều có dấu hiệu tăng nhẹ. Dow Jones đang loay hoay vượt qua mốc cao kỷ lục 27.398,68 trong khi S&P 500 đóng cửa gần 3.027,98 điểm.

Bắt đầu phiên giao dịch ngày 12/9, tâm lý hứng khởi bắt đầu xuất hiện khi truyền thông cho biết Tổng thống Trump đang xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời với Trung Quốc. Tuy nhiên, cổ phiếu nhanh chóng đảo chiều khi một quan chức cấp cao của Nhà Trắng bác bỏ thông tin.

Vị quan chức này nói với CNBC rằng Chính quyền Trump "hoàn toàn không" xem xét một thỏa thuận thương mại tạm thời để hoãn hay xóa bỏ các khoản thuế với Trung Quốc.

Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ phục hồi vào giữa trưa, khi cổ phiếu của các công ty như Apple và Amazon dẫn đầu đà tăng trưởng.

Linh Anh

CNBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên