25 điều con người thường hối hận nhất trong đời: Năm mới đến rồi, sớm nhận ra bao nhiêu, bạn càng sớm hạnh phúc bấy nhiêu
Nhân sinh trăm năm, có rất nhiều thứ mà chúng ta không thể kiểm soát được, những người hay những điều chúng ta đã bỏ lỡ cũng vậy, một khi đã bỏ lỡ thì không thể lấy lại. Vậy những điều tiếc nuối mà con người ta sợ để lại nhất trong cuộc đời là gì?
- 22-01-2022Đài truyền hình Mỹ tưởng nhớ Thiền sư Thích Nhất Hạnh trên bản tin giờ vàng, hàng loạt báo đài quốc tế ca ngợi sư thầy đáng kính
- 22-01-2022Hot girl được khen xinh nhất Olympia ngày ấy: Mới được địa phương trao tặng 1 danh hiệu cực oách, ngó Facebook mà bất ngờ
- 22-01-2022Chuyên gia phong thủy tiết lộ hơn 10 ngày nữa bước sang năm Nhâm Dần 2022, 3 con giáp này có tài lộc bùng nổ, dư dả đón Tết
1. Không làm những việc mình muốn làm
Một y tá người Nhật Bản có tên Shuichi Otsu đã tổng hợp lại những điều tiếc nuối nhất trước phút lâm chung của hơn 1000 bệnh nhân từng được cô chăm sóc. Trong đó, điều mà người ta thường hay cảm thán nhất trong những giây phút cuối đời chính là "cuộc đời này quá ngắn ngủi."
Có người dùng cả nửa đời mài giũa, chen chúc ở chốn phố thị phồn hoa chỉ để cố gắng tìm kiếm những cơ hội cho bản thân, có người lại quyết định từ chức khi sự nghiệp đang ổn định, trở về quê hương sống một cuộc đời bình dị. Sống ở đời, mỗi người đều có những sự lựa chọn của riêng mình, quan trọng là đừng để giá trị khác che mắt, cũng đừng chỉ sống một cuộc đời mà người khác muốn mình sống, sống không phải là chính mình.
Hãy cứ bước đi theo con đường mà bản thân mong muốn, miễn sao không trái với luân thường đạo lí. Nếu cảm thấy muốn bắt đầu yêu đương, hãy can đảm mở lời; nếu tìm ra đam mê khao khát, hãy cứ mạnh dạn từng bước theo đuổi.
Cuộc sống cũng giống như một chuyến du lịch vậy, bạn đã tham gia rồi, nếu không đi hết chặng đường, chẳng phải sẽ rất đáng tiếc sao?
2. Những giấc mơ không thành hiện thực
Sau cuối, khi nhìn lại quãng đường đời đã đi qua, người ta thường nhận ra rằng còn nhiều ước mơ chưa thể thành hiện thực. Thực ra, hối hận không phải là vì không thực hiện được ước mơ, mà là tự trách bản thân đã không nỗ lực hết mình để thực hiện ước mơ ấy.
Không ai tính phí, cũng không có ai quy định thời điểm phải kết thúc ước mơ, thế nhưng một giấc mơ không có thời hạn thì vẫn chỉ là một giấc mơ thôi. Thêm một "thời hạn" cho giấc mơ ấy và biến nó thành một mục tiêu thực tế sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được điều mình mong muốn hơn.
3. Làm việc có lỗi với lương tâm của mình
Suy cho cùng, con người cũng chẳng phải thánh nhân. Nào có ai sống cả đời mà chưa từng một lần làm điều lầm lỗi. Ngay cả một đệ tử Phật giáo luôn tâm tâm niệm niệm không phạm phải sát sinh cũng khó tránh khỏi việc dẫm phải một con kiến khi đang đi trên đường.
"Những việc xấu" không làm tổn hại đến nguyên tắc làm người đa phần có thể được tha thứ. Và thay vì sống với cảm giác tội lỗi cả đời, sao lại không bắt tay vào tìm cách chuộc lỗi, sửa đổi cho tốt hơn, sau đó tiếp tục hướng về phía trước?
4. Không "nuông chiều" cảm xúc của bản thân
Để con tim dẫn lối đôi khi không phải là một chuyện gì đó quá lớn lao. Ngoài kia, có biết bao nhiêu người sống tình cảm luôn cười nhạo những người lý trí vì "sống quá cứng nhắc, khô khan".
Trên thực tế, cuộc sống xô bồ khiến nhiều người không dành sự quan tâm đúng mức đến cảm xúc của chính mình. Đừng nghĩ nhiều quá, cứ việc vui cười, khóc lóc hay tức giận, đất trời sẽ chẳng nghiêng lệch, cuộc đời cũng sẽ không vì những sắc thái ấy mà đổi thay.
Có lẽ bạn thực sự phải đợi đến giây phút lâm chung mới hiểu được cảm giác đau đớn, phiền muộn, giận dữ đạt đến giới hạn của sức chịu đựng mà bạn đang mang mỗi ngày là vô lý và vô ích như thế nào.
5. Chưa cố gắng hết tâm hết lực giúp đỡ người khác
Phải chăng sự thờ ơ cũng như sợ mất mát khiến nhiều người không dám làm người tử tế, ngại sẻ chia? Ngẫm lại từ thực tế, những người hay làm việc tốt rất hiếm khi hối hận, họ sống với một phong thái điềm đạm và tâm hồn an nhiên. Đây chính là phần thưởng cao đẹp mà lòng tốt dành cho họ. Giúp đỡ những người cần bạn, cảm giác được "cần đến" tốt hơn rất nhiều so với được "yêu cầu".
6. Quá tự tin vào bản thân
Chắc hẳn chúng ta ít nhiều đều từng có những giây phút tin tưởng tuyệt đối vào bản thân, thậm chí là tự mãn, kiêu căng, cho rằng bản thân sẽ không bao giờ hối hận về bất cứ điều gì.
Điều này nhìn qua thì có vẻ tích cực, nhưng kì thực chính là sự mù quáng. Luôn luôn có một số người, một số việc phải cần đến sự tỉ mỉ và chu đáo hơn bạn nghĩ. Nghe thêm một câu và suy nghĩ thêm một giây có thể giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tránh được rất nhiều đường vòng.
7. Chưa được chu toàn, hợp lý trong giải quyết tài sản
Việc xảy ra nhiều vụ tranh chấp tài sản trong gia đình là điều mà chẳng ai mong muốn. Thực tế, khi đã có tuổi, chúng ta nên coi việc xử lý tài sản là việc quan trọng và cần được lên kế hoạch ổn thỏa từ khi trước. Nếu có nhiều con cái, việc phân chia phải công bằng, tránh làm tổn thương tình cảm giữa anh chị em chỉ vì tiền bạc vật chất.
8. Chưa biết nhìn xa trông rộng
Điều này cũng tương tự như việc định đoạt tài sản. Một người sống cả một đời cũng nên để lại nhiều dấu ấn. Con người không thể tách biệt hoàn toàn khỏi xã hội, mọi người và mọi thứ xung quanh bạn sẽ ít nhiều thay đổi vì sự ra đi của bạn.
Lập kế hoạch trước không chỉ giúp bản thân chuẩn bị tâm lí chấp nhận, thản nhiên hơn với lão - bệnh - tử, mà còn nhắc nhở bản thân tận hưởng cuộc sống. Đừng đợi đến khi đôi chân không thể bước đi, đôi môi không thể cất lời mới nhận ra rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
9. Không về thăm quê nhiều hơn
Ở nơi sâu thẳm nhất trong tim mỗi người đều có một khoảng trời được chôn giấu mà suốt đời không bao giờ quên được - đó chính là quê hương. Nhiều người thường hay nói, khi nào nghỉ hưu, tôi sẽ về quê dưỡng lão. Song vì những lí do khác nhau, họ thường chẳng thực hiện được mong muốn ấy lúc còn sống để rồi cuối cùng lúc về đến nhà cũng chỉ là một bình tro.
Miễn là bạn còn sống, mỗi năm hãy cố gắng về thăm nhà, thăm quê dù chỉ là một khắc. Ngắm nhìn cảnh vật, nghe những giọng nói thân quen hay ăn những món ăn đặc sản. Bởi lẽ quê hương là nơi "chôn rau cắt rốn", cũng là nơi linh hồn bạn thuộc về.
10. Chưa thưởng thức hết những món ăn ngon
Bạn có để dành tất cả những thứ tốt nhất cho con cái, nhưng lại bỏ bữa vì bận đi làm hay chỉ ăn những món được gọi là "bổ dưỡng" cho sức khỏe hàng ngày. Ăn không chỉ để no mà còn có thể đáp ứng nhiều nhu cầu tâm lý của chúng ta.
Thưởng thức các món ăn ngon cũng là một cách để chữa lành tinh thần tốt. Ngoài ra, đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để dùng bữa cùng gia đình, bởi chẳng ai có thể ngăn được một ngày nào đó, những người ngồi quanh bàn ăn ấy sẽ từ từ biến mất.
11. Dành phần lớn thời gian cho công việc
Trong xã hội mà người người đều đi tìm kiếm danh lợi này, công việc, tiền bạc và quyền lực đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá về sự thành công của một người. Hậu quả là khi về già nhiều người không khỏi tiếc nuối.
Tuổi trẻ tươi đẹp như vậy làm sao lại chỉ dành hết vào công việc được? Nhìn thấy thiên nhiên, đất trời bao la thế nào, cảm nhận sự thay đổi của xuân hạ thu đông kì diệu ra sao sẽ không làm cho bạn giàu có, nhưng sẽ làm cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn.
12. Chưa đặt chân tới những nơi muốn đến
Dành dụm tiền bạc, thời gian, lên nhiều kế hoạch du lịch nhưng không thực hiện được vì con còn quá nhỏ, tiền quá ít, thời gian nghỉ dưỡng quá ngắn, hay công việc không thể tách rời?
Nhiều người nghĩ rằng việc đi du lịch không đi được lúc này thì đi lúc khác, nên cứ luôn trì hoãn nhưng chỉ đến khi nằm trên giường bệnh mới hiểu ra rằng du lịch cũng là một điều xa xỉ.
13. Không gặp được người mình muốn gặp
Người đó có thể là cô giáo đã dìu dắt bạn ở trường tiểu học, cũng có thể là mối tình đầu ngây ngô ở trường trung học hay là người bạn thân cạnh nhà cùng lớn lên. Không ai có thể ở bên cạnh bạn mãi được, nhất là những người lớn hơn bạn. Nhưng dù cho đã chuyển đi một nơi khác, bạn vẫn có thể thăm hỏi những người đặc biệt này.
Chúng ta nên sống với quan niệm "một kỳ, nhất hội". Đây là thuật ngữ trà đạo của Nhật Bản, "nhất kỳ" là cả đời, còn "nhất hội" ý chỉ một lần gặp gỡ, với ý nghĩa là mỗi khoảnh khắc trong đời qua đi đều không thể lặp lại, vì vậy cuộc gặp gỡ nào cũng trở thành duy nhất.
14. Không thể nói về một tình yêu sẽ tồn tại mãi mãi
Có một quan điểm nổi tiếng thế này, sự hiện hữu của tình yêu là bằng chứng cho thấy con người tồn tại trên đời. Những cặp đôi ở bên nhau hàng chục năm nhưng chưa chắc đã yêu nhau say đắm, ngược lại cũng có những người đã yêu nhau tha thiết nhưng lại buộc lòng phải chia lìa.
Đây là lẽ vô thường của cuộc sống, cũng là lỗi không chịu cố gắng của nhiều người. Tình yêu thương phải được cho đi một cách trung thành và vị tha, là một biểu hiện của dũng cảm và không sợ hãi. Đây quyền của con người chúng ta chứ không phải là trò chơi của một đứa trẻ.
15. Chưa từng một lần kết hôn trong đời
Khi họ còn trẻ, nhiều người cảm thấy rằng hôn nhân chỉ là lựa chọn một cách sống khác có hai người, và việc sống một mình còn cảm thấy thoải mái hơn. Thời gian thanh xuân qua đi, lúc về già, người ta bắt đầu hối tiếc vì không còn ai có thể cùng đồng hành, hỗ trợ lẫn lau.
Dù rất khó để có được một cuộc hôn nhân viên mãn nhưng đừng ngần ngại tìm kiếm, rồi một ngày người sẵn sàng nắm tay, cùng bạn tiến vào lễ đường sẽ xuất hiện. Trên đời này sẽ không có người "phù hợp nhất", và người "phù hợp hơn" sẽ không đợi bạn cả đời.
16. Không có con
Giới trẻ ngày nay thường nghĩ "bản thân mình còn là trẻ con thì làm sao mà nuôi con được?" Thực ra, sinh con đẻ cái không chỉ đơn giản việc là duy trì huyết thống, tiếp nối hương hỏa mà con cái còn là "vật chứng để đời" của bậc cha mẹ.
Làm cha làm mẹ đương nhiên là việc vô cùng khó khăn nhưng nghĩ đến niềm vui đông đủ của con cháu khi về già, nỗi niềm của việc nuôi dạy con cái ở tuổi thanh xuân lại càng trở nên trân quý.
17. Chưa thấy con cái yên bề gia thất
Một số người trẻ ngày nay cho rằng quyết định "không kết hôn" là chuyện riêng tư của mình và không liên quan gì đến cha mẹ. Thế nhưng ngược lại, điều tiếc nuối lớn nhất của nhiều người cao tuổi là không được nhìn thấy con cháu lập gia đình, yên bề gia thất.
Kết hôn quả thực là chuyện riêng, nhưng đôi khi, không chọn cuộc sống hôn nhân cũng là một việc "ích kỉ". Đứng trên lập trường của các bậc cha mẹ, nhất là cha mẹ trong xã hội truyền thống Á Đông, thì chuyện con cái có thể kết hôn, sinh con, gia đình ổn định luôn là một niềm mong ước trước khi rời xa thế giới này.
18. Không chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe
Khi còn trẻ, cơ thể bạn luôn là nơi gánh chịu đủ những điều độc hại nhất: thức khuya, bỏ bữa, uống rượu, hút thuốc, ... Sức khỏe là thứ như vậy, khi còn khỏe mạnh bạn thường không cảm nhận được sự tồn tại của nó, chỉ đến khi mất đi bạn mới nhận ra rằng nó rất quan trọng.
Ngay từ bây giờ, hãy cố gắng bỏ những thói quen xấu và xây dựng lối sống lành mạnh cho bản thân và cả những người xung quanh.
19. Không bỏ thuốc lá
Rất nhiều bệnh ung thư và bệnh mãn tính có liên quan mật thiết đến việc hút thuốc lá. Tuy nhiên cho đến khi nhận được chẩn đoán mắc căn bệnh nguy hiểm này thì nhiều người mới bắt đầu hối hận vì sao không bỏ thuốc lá sớm.
Dù biết trước hậu quả nhưng người ta vẫn hút thuốc với tâm lý cầu may rằng biết đâu vận đen sẽ không ập xuống đầu mình. Cần có dũng khí và nỗ lực rất lớn để kiềm chế ham muốn hút thuốc, nhưng nỗ lực ấy sẽ đền đáp cho bạn một cách xứng đáng, một cuộc sống "lành mạnh".
20. Không tìm thấy mong muốn thực sự của bản thân
Chúng ta luôn sợ việc phải làm phật lòng ai đó, gây rắc rối cho ai đó và quan tâm quá nhiều đến cách người khác nhìn nhận chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, bạn sẽ được đánh giá là một người biết quan tâm, khiêm nhường. Song điều này đã vô hình trung bỏ qua mong muốn thực sự của bản thân chúng ta.
Trên thực tế, bất kể khi nào, bạn cũng nên nói ra những suy nghĩ chân thật của mình. Chỉ cần bạn sẵn sàng mở lòng, chân thành chia sẻ, bạn sẽ thấy rằng mọi thứ dễ dàng hơn bạn nghĩ rất nhiều.
21. Không nhận ra ý nghĩa của cuộc sống
Việc sống còn không chỉ là những con số trong tuổi thọ, mà còn được thể hiện thông qua chất lượng cuộc sống của bạn.
Otsu Shuichi từng chăm sóc cho một bệnh nhân mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Khi biết chỉ còn sống được ba tháng nữa, ông đã chia ba tháng còn lại của cuộc đời mình thành nhiều phần và mỗi một phần sẽ dùng để làm một việc mà ông muốn làm. Ngay cả khi chỉ còn một ngày, hãy dùng nó để sống một cách thật tốt đẹp. Đây chính là ý nghĩa của cuộc sống.
22. Không lưu lại bất cứ điều gì chứng minh sự tồn tại của bản thân
Nhiều người cho rằng nhà cửa và tài sản là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự tồn tại của mình. Nếu thật vậy tại sao vẫn có nhiều người ngày đêm nỗ lực kiên trì cống hiến với mong muốn tên mình được "lưu danh sử sách"?
Đã từng sinh ra và bước đi trên thế giới này, hẳn nên để lại dấu ân gì đó cho thế hệ mai sau. Cho dù có là nghiên cứu, phát minh không lớn không nhỏ, thành tích học tập hay đơn giản chỉ là lá thư cho người thân, bạn bè, tất cả đều là "bằng chứng".
23. Không nhìn thấu sinh tử
Nhìn thấu được cái luân hồi của sự sống và cái chết không có nghĩa là coi thường sự sống, mà để sống có lý trí hơn. Người Trung Quốc thường kiêng kỵ khi nói đến cái chết, nhưng suy cho cùng thật ra cái chết chỉ là điểm đến chung của mọi sự sống. Không có gì phải sợ!
24. Không có đức tin
Dù nhiều vẫn người sống tốt khi không có niềm tin, nhưng những ai có niềm tin sẽ hiểu thấu đáo hơn ý nghĩa của cuộc sống. Đặc biệt khi đối mặt với khó khăn và bất lực, niềm tin có thể trở thành một sức mạnh chữa lành mạnh mẽ.
25. Chưa nói lời "cảm ơn" với những người thân yêu
Nhiều khi chúng ta tỏ ra lịch sự, khuôn phép với người ngoài nhưng lại nói năng không thận trọng, đôi khi là cáu gắt, cộc cằn với những người thân thiết.
Thực tế, lời nói là thứ ngôn ngữ có thể truyền đạt trực tiếp và dễ dàng nhất khi muốn thể hiện cảm xúc giữa người với người. Càng là người thân thiết thì bạn càng không cần phải ngại ngùng khi muốn nói những lời tử tế. Hãy luôn nói "cảm ơn", "xin lỗi" hay những câu yêu thương. Đây là tốt nhất cách để giữ cho những mối quan hệ luôn gắn kết, nồng ấm.
Đời người thật ra rất ngắn ngủi, con người ta đến và đi rất vội vàng. Và trong quá trình đó cũng lắm gập ghềnh, chông gai. Tuổi trẻ ôm lấy hi vọng mà vùng vẫy, khi về già lòng vẫn đầy tiếc nuối mà ra đi. Vì vậy, bây giờ chúng ta nên học cách yêu thương, trân trọng nhiều hơn, để một ngày nào đó nghĩ lại không phải hối tiếc quá nhiều thứ.
(Theo Aboluowang)