20% tổn thương gan ở Mỹ có nguyên nhân do thảo mộc: Bác sĩ Việt tại Nhật cảnh báo 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan, đặc biệt nhấn mạnh thói quen dùng "thuốc"
"Chỉ vì một thực phẩm chức năng được dán nhãn là "tự nhiên" không có nghĩa là nó tốt cho bạn - nhiều loại thảo mộc và chất bổ sung có liên quan đến tổn thương gan", bác sĩ, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, đang làm việc tại Nhật Bản cho biết.
- 05-09-2020Cẩn trọng trước căn bệnh viêm loét đại tràng khiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phải từ chức: Hàng triệu người mắc phải, biểu hiện âm thầm và có thể tái phát
- 05-09-2020Vã mồi hôi, đau tức ngực: Dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm có nguy cơ tử vong tới 80%
- 03-09-2020Người phụ nữ lên cơn đau tim 2 lần trong 3 ngày vì mắc một căn bệnh dễ chẩn đoán sai
Gan người là một cơ quan kỳ diệu. Mỗi ngày, nó tạo ra mật, chuyển hóa chất dinh dưỡng từ chế độ ăn uống của bạn, làm sạch độc tố khỏi máu, phân hủy chất béo, rượu và thuốc, kiểm soát lượng đường trong máu và mức độ hormone, dự trữ sắt và nhiều hơn nữa. Khi cơ quan này hoạt động không tốt, nó sẽ gây ra ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể bạn.
Theo Bác sĩ, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy, Khoa Gan mật, Trường Đại học Thành phố Osaka, Osaka, Nhật Bản cho biết, có 5 yếu tố hàng đầu gây bệnh gan mà bạn nên tránh:
Bác sĩ, Tiến sĩ Lê Thị Thanh Thủy và các bạn Nghiên cứu sinh tiến sĩ người Việt Nam đã và đang được đào tạo tiến sĩ y khoa tại Nhật.
Phơi nhiễm với độc tố: Trong khi gan chịu trách nhiệm làm sạch chất độc ra khỏi máu, việc tiếp xúc quá nhiều với chất độc có thể gây hại. Đọc nhãn cảnh báo về các hóa chất bạn sử dụng xung quanh nhà và rửa trái cây và rau quả trước khi ăn để đảm bảo bạn không tiêu hóa thuốc trừ sâu.
Thực phẩm chức năng có hại: Chỉ vì một thực phẩm chức năng được dán nhãn là "tự nhiên" không có nghĩa là nó tốt cho bạn - nhiều loại thảo mộc và chất bổ sung có liên quan đến tổn thương gan. Ngay cả ở Mỹ, theo thống kê cho thấy, "20% tổn thương gan là do thảo mộc". Vì thế, người dân cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng (không theo đơn bác sĩ). Bởi khi bạn dùng nhiều hơn một loại thuốc hoặc thảo dược có tác dụng lên gan có thể làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
Uống quá nhiều rượu: Gan nhiễm mỡ do rượu, gây viêm gan (viêm gan do rượu), cuối cùng để lại sẹo (xơ gan) và thậm chí là ung thư gan, là một quá trình bắt đầu với chỉ cần 4 ly (tương đương 4 lon bia 5% loại 350 mL) mỗi ngày đối với nam giới và hai ly đối với phụ nữ. Vào thời điểm bạn xuất hiện các triệu chứng, gan của bạn có thể bị hư hại không thể sửa chữa. Chỉ cần bạn người ngừng uống rượu bia ở giai đoạn gan nhiễm mỡ có thể thấy tình trạng của bạn tự hồi phục.
Béo phì, tiểu đường hoặc Cholesterol cao: Những tình trạng này có thể gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, cũng có thể dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Cũng như đối với gan nhiễm mỡ do rượu, nó có thể được đảo ngược ở giai đoạn "béo" bằng cách cắt giảm carbohydrate đơn giản như bánh mì và đường và ăn nhiều trái cây, rau và protein.
Tiền sử bệnh gan: Nếu bạn hoặc một thành viên trong gia đình đã từng bị bệnh gan, bạn có thể dễ bị các bệnh về gan hơn. Ví dụ, viêm gan B hoặc C và bệnh huyết sắc tố là những yếu tố nguy cơ gây ung thư gan. Nếu người thân từng mắc bệnh gan di truyền, chẳng hạn như bệnh huyết sắc tố, bệnh Wilson hoặc thiếu alpha-1-antitrypsin, thì bạn nên chú ý đến các triệu chứng. Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình bị bệnh gan, bạn cần tránh rượu.
Bác sĩ Thủy cho biết, bệnh gan mật thường ít biểu hiện triệu chứng rõ rệt nên khi người bệnh thường tìm đến viện, tình trạng bệnh gan mật đã tiến triển nặng, thậm chí đã có biến chứng. Để dự phòng các bệnh lý về gan mật, bác sĩ Thủy lưu ý người dân một số vấn đề như:
Để ngăn ngừa bệnh gan:
Lối sống, thói quen ăn uống là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe lá gan. Do đó, bác sĩ Thủy chỉ ra một số điều cần ghi nhớ để ngăn ngừa bệnh về gan như sau:
- Hạn chế sử dụng rượu, bia đồ uống có cồn. Đối với người lớn khỏe mạnh chỉ dùng là tối đa một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới.
- Thực hiện tiêm chủng đầy đủ các chủng ngừa viêm gan A và viêm gan B.
- Sử dụng thuốc một cách khôn ngoan, không làm dụng thuốc, dùng thuốc quá liều.
- Tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người khác.
- An toàn thực phẩm, an toàn lao động (đối với người phun thuốc diệt côn trùng, diệt nấm, sơn và các hóa chất độc hại khác).
- Duy trì cân nặng hợp lý.
Theo bác sĩ Thủy, thức khuya, làm ca, hoặc thiếu ngủ đều có ảnh hưởng đến chức năng gan. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Science (Science. 2011/11;331(6022):1315-9) cho thấy sự gián đoạn của đồng hồ sinh học làm trầm trọng thêm các bệnh chuyển hóa, bao gồm béo phì và tiểu đường, liên quan đến histone deacetylase 3 (HDAC3) hiển thị nhịp sinh học trong gan chuột.
Thêm nữa, nghiên cứu từ nhóm nhà khoa học ở Switzerland công bố trên tạp chí Cell năm 2017 (Cell 2017, 169, 4:565-567) cho thấy trong gan chuột, hơn 350 gen liên quan đến quá trình trao đổi chất và giải độc được biểu hiện theo chu kỳ sinh học, với nhịp điệu sinh học là 24 giờ.
Họ chỉ ra rằng, ở chuột, khối lượng gan, kích thước tế bào gan và mức protein tuân theo một nhịp điệu hàng ngày, mà biên độ của chúng phụ thuộc vào cả chu kỳ lúc đói và lúc sáng - tối. Nếu các cơ chế tương tự như cơ chế được tìm thấy ở chuột tồn tại ở người, thì việc không tuân thủ nhịp sinh học của chúng ta sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các chức năng gan.
Nếu bạn là bệnh nhân gan, chế độ ăn uống của bạn được điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu cá nhân của bạn. Hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về những gì tốt nhất cho bạn. Điều cần tránh là: Không ăn thực phẩm giàu chất béo, đường và muối. Tùy thuộc vào tình trạng của gan, bạn nên tránh rượu. Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng: chọn thực phẩm từ tất cả các nhóm thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, rau, chất xơ, thịt và đậu, sữa và dầu, và uống nhiều nước.