MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2,73 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam năm 2019 và kỳ vọng của các tư lệnh ngành chứng khoán 2020

Tại Lễ công bố 10 sự kiện chứng khoán năm 2019 do Câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán tổ chức tuần qua, Chủ tịch UBCK, lãnh đạo các Sở giao dịch, Trung tâm lưu ký chứng khoán đã đưa ra nhận định về thị trường năm 2019 và kỳ vọng 2020.

Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng: Dòng vốn vào ròng của NĐT nước ngoài năm 2019 vẫn đạt hơn 2,73 tỷ USD

Chủ tịch UBCK Trần Văn Dũng nhận định thanh khoản năm 2019 của TTCK Việt Nam giảm 29% không có nhiều bất ngờ vì trong bối cảnh chiến tranh thương mại, địa chính trị thế giới diễn biến phức tạp, các nước xung quanh bị các quỹ đầu tư nc ngoài rút vốn nên các NĐT vào Việt Nam cẩn trọng giải ngân hơn. Tuy nhiên do nội lực nền kinh tế Việt Nam trong 3 năm gần đây tăng trưởng khá tốt nên áp lực bán ra không nhiều. Trong bối cảnh giằng co đó, thanh khoản giảm đã được dự liệu trước.

"Chúng tôi thấy TTCK vẫn có bước phát triển khá tốt, chỉ số VN-INdex tăng trên 7%, quy mô thị trường tăng trên 10%, mặc dù thanh khoản thị trường cổ phiếu giảm 29% nhưng thanh khoản thị trường trái phiếu vẫn tăng, các NĐT nước ngoài vẫn mua ròng hơn 13.000 tỷ trái phiếu. Tính chung danh mục của NĐT nước ngoài cuối năm ngoái khoảng 34 tỷ USD thì đến 25/12 đạt khoảng 36,4 tỷ USD, dòng vốn vào ròng của NĐT nước ngoài năm nay đạt hơn 2,731 triệu USD. Nếu so với 2,75 tỷ năm ngoái thì đây là con số đáng suy nghĩ vì các nước xung quanh hầu hết đều bị rút ròng", Chủ tịch UBCK nhận định về năm 2019.

Nhận định về tình hình kinh tế vĩ mô đất nước, ông Dũng cho rằng GDP Việt Nam năm nay tăng trên 7%, lạm phát thấp nhất 3 năm, nhờ đó thị trường trái phiếu Chính phủ rất tích cực. "Chưa bao giờ chúng ta huy động được TPCP kỳ hạn dài như bây giờ với mức lãi suất thấp như vậy". Điều đó có nghĩa rằng mặc dù tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định và tăng trưởng. Gần đây nhất là dự báo của Ngân hàng phát triển ADB đánh giá nền kinh tế toàn cầu giảm nhưng lại có cái nhìn tích cực về Việt Nam.

Về phía NHNN, trong những năm qua chính sách tiền tệ linh hoạt đã tạo điều kiện cho sự phát triển của thị trường vốn, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. "Chúng tôi về phía cơ quan quản lý nhận thấy có cái nhìn tích cực cho sự phát triển của TTCK Việt Nam năm 2020, đây cũng là năm chúng ta kỉ niệm 20 năm ra đời TTCK Việt Nam, chuẩn bị sang giai đoạn mới".

Tiến sỹ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch UBCK, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: TTCK năm tới sẽ có yếu tố tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm

2,73 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam năm 2019 và kỳ vọng của các tư lệnh ngành chứng khoán 2020 - Ảnh 1.

"Năm 2019 vừa qua là năm quốc tế có nhiều khó khăn, làm cho thị trường chứng khoán các nước trồi sụt. Trong khi đó kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn tăng trưởng khá tốt, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất ổn định, dòng vốn nước ngoài dưới dạng góp vốn gia tăng.

Chính phủ đã có nhiều cải cách trong việc tăng năng suất, đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm thiểu thủ tục hành chính, thủ tục đăng ký kinh doanh. Thặng dư tài khoản vãng lai dựa trên thặng dư thương mại và đầu tư nước ngoài rất tích cực, sự phát triển của khối tư nhân trong nước nổi bật, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh tạo đà tăng trưởng thời gian qua.

Năm tới vẫn còn khó khăn tồn tại như căng thẳng thương mại, kinh tế thế giới chậm lại, nợ quốc gia các nước gia tăng. Nhưng cũng có một số điểm tích cực đó là ngân hàng trung ương các nước đều đang có chính sách kích thích, không những chính sách tiền tệ và tài khóa, điều này sẽ giảm bớt suy thoái, tạo điều kiện cho chúng ta tiếp cận thị trường quốc tế trong thương mại và đầu tư tốt hơn.

Sự lên giá của đô la và khả năng tăng lãi suất không còn, sẽ ít tác động đến lạm phát. Điều này tạo dư địa cho NHNN nới lỏng hơn. Các nới lỏng này là thời điểm quý giá đối với VN, trước khi kinh tế thế giới suy thoái đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam linh hoạt hơn trong chính sách tiền tệ, nếu mặt bằng lãi suất giảm xuống, tín dụng tăng, tỷ giá linh hoạt hơn sẽ tác động tích cực đến thị trường vốn.

Trụ cột thứ 2 là vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian này Chính phủ đã quyết liệt hơn rất nhiều, việc giải ngân mạnh hơn từ quý 4 và sang 2020 và thu hút vốn tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ tạo hiệu ứng đến tăng trưởng.

Trong lĩnh vực TTCK, việc ra đời Luật chứng khoán sửa đổi và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cấu trúc thị trường sẽ làm thị trường tốt hơn. TTCK năm tới sẽ có yếu tố tích cực hơn trong 6 tháng đầu năm. Kinh tế chúng ta tăng trưởng tốt nhưng thị trường không lên đủ thì sẽ để dành cho sang năm.

Tôi mong rằng vai trò của thị trường vốn sẽ được đề cao hơn nữa, trong bối cảnh ngân hàng giảm dần vốn ngắn hạn để cho vay. Tôi mong rằng UBCK nên có nới lỏng trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp, thay bằng minh bạch nhiều hơn. Với trái phiếu doanh nghiệp, tôi vẫn đánh giá cao con số hơn 200.000 tỷ huy động thời gian qua, đỡ cho hệ thống ngân hàng. Rủi ro lãi suất 14% phụ thuộc vào cung cầu thị trường, do tùy mức độ tín nhiệm và tôi cho rằng mức lãi suất này chưa thực sự cao. Không nên vì cảm nhận nó tăng trưởng nhanh mà chúng ta thắt chặt không phù hợp.

Với trái phiếu doanh nghiệp, cần tăng cường sự minh bạch, định giá tài sản đảm bảo và tuyên truyền giáo dục nhà đầu tư. Trong việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thì logic là phát hành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và các nhà đầu tư này phải tự chịu trách nhiệm. Không thể sợ rủi ro cho nhà đầu tư mà chúng ta thắt lại, rồi DN lại không tiếp cận được vốn, đó là vòng luẩn quẩn. Việc định mức tín nhiệm thế giới áp dụng cũng rất linh hoạt, tôi rất ngại khi nhu cầu cần định mức tín nhiệm ra rất nhiều nhưng chất lượng lại kém, đó mới là vấn đề". 

Tổng giám đốc VSD Dương Văn Thanh: VSD đã sẵn sàng triển khai quỹ hưu trí

2,73 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam năm 2019 và kỳ vọng của các tư lệnh ngành chứng khoán 2020 - Ảnh 2.

Năm 2020, VSD dự kiến triển khai một số công tác trọng tâm để hỗ trợ thị trường về phát triển sản phẩm và tăng tính thanh khoản. Giao dịch trong ngày hoặc bán chứng khoán chờ về đã có hành lang pháp lý cách đây 3 năm, chúng tôi đã có nghiên cứu tương đối cơ bản và chi tiết để sẵn sàng triển khai, tuy nhiên phải phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin cụ thể là Gói thầu 04 do Hose làm chủ đầu tư. Sau khi dự án công nghệ này được hoàn thành và triển khai áp dụng thực tế thì chúng tôi sẽ báo cáo UBCK, NHNN và các Bộ để triển khai, đây là sản phẩm thị trường đang háo hức chờ đợi.

Đối với sản phẩm cho quỹ hưu trí tự nguyện, nội dung này đã được VSD, các đơn vị liên quan như VFM, BIDV rất tích cực tham gia. Về mặt hệ thống đã hoàn chỉnh từ cuối năm ngoái, VSD đã sẵn sàng triển khai, các quy định liên quan đến cung cấp dịch vụ với các đơn vị liên quan đã được ban hành. Chúng tôi được biết quỹ đầu tiên đã được Bộ Tài chính cấp phép nhưng chưa chính thức triển khai.

Ông Lê Hải Trà, phụ trách HĐQT Sở GDCK Tp.HCM: Dự án CNTT sẽ mang lại nhiều sự thay đổi thời gian tới

2,73 tỷ USD vốn ngoại vào Việt Nam năm 2019 và kỳ vọng của các tư lệnh ngành chứng khoán 2020 - Ảnh 3.

Dự thảo luật chứng khoán mới mang dấu ấn quan trọng của TTCK Việt Nam, có rất nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật mà UBCK là đơn vị chủ trì trong năm 2020, khoảng 4 Nghị định và 11 Thông tư. Đây là một khối lượng công việc cực kì khủng khiếp.

Chúng ta có sự kì vọng khác bên cạnh khuôn khổ pháp, đó là hạ tầng về công nghệ thông tin do Sở GDCK Tp.HCM là chủ đầu tư với 2 đơn vị thụ hưởng là Sở GDCK Hà Nội và Trung tâm lưu ký chứng khoán. Dự án này sẽ làm thay đổi toàn bộ hạ tầng về CNTT, mang lại nhiều sự thay đổi sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Với kinh nghiệm tại Sở GDCK các thị trường khác, mỗi lần thay đổi core thì thanh khoản sẽ tăng gấp đôi. Đây là câu chuyện chúng ta muốn làm nhanh trong thời gian qua tuy nhiên vì độ phức tạp và phạm vi rộng của nó chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn kiểm thử hệ thống, đây là nỗ lực cuối cùng liên quan đến dự án này.

Dự án này liên quan đến 3 đơn vị và là hạ tầng CNTT của toàn bộ TTCK Việt Nam, chúng ta là thị trường đang phát triển có rất nhiều thứ xảy ra hàng ngày hàng giờ, chúng ta làm một dự án mà 3 tháng sau đã có cái mới rồi, và việc liên tục đưa ra yêu cầu mới cho nhà thầu, đó là câu chuyện vô cùng phức tạp.

Tâm An

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên