3 biểu đồ lột tả cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ mà châu Âu đang phải đối mặt
Ngay từ sau khi Nga mang quân đến Ukraine ngày 24/2 và trước khi Nga thắt chặt nguồn cung, giá khí đốt đã tăng rất mạnh. Điều này càng cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga lên thị trường khí đốt châu Âu.
- 01-08-2022Châu Âu như ngồi trên lửa khi Nga liên tục cắt giảm khí đốt
- 31-07-2022Quan chức Đức ủng hộ vận hành Nord Stream 2: "Dù gì đó vẫn là khí đốt Nga!"
- 30-07-2022Quan chức Mỹ sang EU xử lý tình trạng khan hiếm nhiên liệu: Cuộc chiến khí đốt đã bắt đầu?
Châu Âu đang đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Không chỉ đẩy kinh tế châu Âu tiến gần hơn đến suy thoái, cuộc khủng hoảng này còn đặt ra những dấu hỏi rất lớn về tham vọng chống lại biến đổi khí hậu của châu lục.
Tờ CNBC đưa ra 3 biểu đồ thể hiện châu Âu đang thiếu khí đốt như thế nào và điều đó có ý nghĩa gì đối với tương lai.
Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt
Đáp lại lệnh cấm vận hà khắc mà các quốc gia phương Tây áp đặt lên Nga, Tổng thống Putin đã quyết định giảm mạnh lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu. Moscow vẫn phủ nhận việc sử dụng khí đốt như một món vũ khí, nhưng phía châu Âu phàn nàn rằng tập đoàn quốc doanh Gazprom không còn là 1 nhà cung cấp đáng tin cậy nữa.
Nguồn cung khí đốt từ Nga giảm mạnh là vấn đề nghiêm trọng đối với các quốc gia EU khi mà tới 40% lượng khí đốt mà nhóm này sử dụng là nhập khẩu từ Nga.
Dữ liệu từ Nord Stream, đơn vị vận hành đường ống dẫn Nord Stream 1 nối Nga với Đức, cho thấy lượng khí chảy về phía Tây đã giảm đi đáng kể. Gazprom thông báo tạm thời đóng đường ống để bảo dưỡng từ ngày 11 đến 21/7. Tuy nhiên Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho rằng đó chỉ là cái cớ. Thực tế nguồn cung đã giảm từ trước đó.
Theo Ủy ban châu Âu EC, 12 quốc gia thành viên đang bị giảm nguồn cung khí đốt, thậm chí nhiều nước khác đã hoàn toàn bị cắt dòng chảy.
Các nhà lãnh đạo châu Âu rất lo ngại kịch bản Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt, bởi vì rất nhiều ngành sử dụng khí đốt là nhiên liệu chính cung cấp năng lượng để có thể vận hành dây chuyền sản xuất.
Tất nhiên họ cũng đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung thay thế và chuyển sang các loại năng lượng khác. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và không thể chuyển đổi ngay lập tức.
Giá tăng chóng mặt
Ngay từ sau khi xung đột Nga- Ukraine bắt đầu (ngày 24/2) và trước khi Nga thắt chặt nguồn cung, giá khí đốt đã tăng rất mạnh. Điều này càng cho thấy tầm ảnh hưởng của Nga lên thị trường khí đốt châu Âu.
Salomon Fiedler, chuyên gia kinh tế tại Berenberg, lưu ý giá khí đốt ở châu Âu hiện đang cao hơn rất nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019.
"Bình thường EU sẽ sử dụng khoảng 4,3 tỷ MWh từ khí đốt. Nếu như giá mỗi MWh tăng thêm 100 euro trong 1 năm và EU phải thanh toán ở mức giá này thay vì được hưởng lợi từ các hợp đồng cố định giá trong dài hạn, chi phí tăng thêm sẽ vào khoảng 430 tỷ euro (tương đương 437 tỷ USD), bằng 3% GDP năm 2021", ông nói.
Tất nhiên điều này sẽ khiến tiền điện mà các công ty và hộ gia đình trên toàn châu Âu phải trả tăng lên đáng kể. Đây là một trong số các lý do công ty tư vấn Eurasia dự báo kinh tế châu Âu sẽ suy thoái vào mùa đông năm nay.
Đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng
Cuộc khủng hoảng khí đốt đang đe dọa triển vọng kinh tế châu Âu. Dữ liệu mới nhất cho thấy GDP tăng trưởng 0,7% trong quý II, cao hơn dự báo. Tuy nhiên ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế nhận định sang năm kinh tế châu Âu sẽ rơi vào suy thoái.
Đầu tháng 7, EC dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 và 2023 sẽ lần lượt đạt 2,7% và 1,5%. Nhưng EC cũng cho rằng nếu Nga hoàn toàn cắt đứt nguồn cung khí đốt thì suy thoái sẽ ập đến ngay trong năm nay.
Giá khí đốt tăng khiến chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh và người tiêu dùng cạn túi. Kinh tế Eurozone có thể suy thoái ngay vào mùa thu trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Tham khảo CNBC