3 câu châm ngôn đọc một lần là thấm thía, ứng dụng được nhiều trong đời sống: Ngày nắng giúp người, ngày mưa người cho mượn ô
Con người thường sẽ mắc phải sai lầm vì không chịu lắng nghe lời dạy của tiền nhân. Nếu như biết lắng nghe những lời này, chúng ta sẽ tránh được những sai lầm không đáng có. Vì những lời răn đó đều chứa đựng triết lý sống của thế hệ đi trước. Người nào biết lắng nghe và lĩnh hội những lời răn của tiền nhân thì đường đi của người đó sẽ bớt đi vài phần trắc trở.
- 24-10-2021Tỷ phú Michael Bloomberg: Đối mặt với những lời chỉ trích, chỉ cần biết cuối cùng bạn là người chiến thắng, còn họ thì không
- 24-10-2021Những đứa trẻ từ nhỏ đã sống với ông bà: Lớn lên cùng tình thương vô bờ, mọi thiệt thòi đều được bù đắp, giờ chỉ sợ ông bà già đi trong sự bận rộn vô tâm...
- 24-10-2021Đi phỏng vấn bị nhà tuyển dụng nhờ mua nước, tôi quay lưng bỏ về không ngờ nhận được câu: "Ngày mai bạn có thể đi làm!"
Khi bạn lĩnh ngộ được hàm ý sâu sắc ẩn sau những câu chữ, tâm trí của bạn sẽ tựa như vừa được khai sáng. Phước lành cũng sẽ theo đó mà tìm đến với bạn. Nếu bạn muốn cuộc sống suôn sẻ thuận lợi hơn, thì xin hãy ghi nhớ ba câu châm ngôn sau đây.
Biết tu khẩu nghiệp ắt bình an vô sự
Ngạn ngữ Ai Cập cổ có câu: "Ngụm nước bọt mà bạn nhổ vào không khí sẽ tự động rơi vào người bạn."
Phàm là chuyện ở đời đều không thoát khỏi được hai chữ "nhân quả". Những lời đàm tiếu khích bác sau lưng thường sẽ mang tới thị phi rắc rối cho bản thân.
Ngày dì Hoàng chuyển nhà, tôi hỏi mẹ lý do vì sao dì Hoàng lại chuyển khỏi khu dân cư. Mẹ tôi chỉ nói là do dì Hoàng và dì Lý sống ở phía đối diện thường xuyên cãi nhau.
Sức khỏe của dì Lý vốn không được tốt. Đứa con đầu của dì đã không may qua đời khi mới một tuổi vì mắc phải bệnh bại não. Sau đó, dì Lý mang thai đứa con thứ hai nhưng bác sĩ đã khuyên bỏ vì phát hiện thai có vấn đề.
Thời gian này, dì Lý đã rất đau khổ vì phải gánh chịu hết nỗi đau này đến nỗi đau khác. Sau một thời gian dài nghỉ ngơi và tĩnh dưỡng, sức khỏe và tâm trạng dì Lý đã tốt lên nhiều. Và rồi hạnh phúc cuối cùng đã mỉm cười với dì Lý khi dì sinh được một trai một gái.
Cả xóm ai cũng mừng cho gia đình dì Lý. Mọi người cũng biết hai đứa trẻ trước là nỗi đau của dì Lý nên tất cả đều tránh nhắc đến chuyện này.
Tuy nhiên, người sống ở nhà đối diện nhà dì Lý tức dì Hoàng lại là người thích kiếm chuyện làm quà. Dì Hoàng đã đem nỗi đau của dì Lý ra làm trò cười.
Trên thế gian này làm gì có bức tường nào kín kẽ đến mức gió không lọt qua được. Những lời này nhanh chóng truyền đến tai dì Lý khiến dì tức giận ba máu sáu cơn chạy đi tìm dì Hoàng. Hai người cãi nhau một trận ầm ĩ ở trong sân khu dân cư. Dì Lý chỉ chịu rời đi khi được người khác khuyên nhủ.
Sau sự việc này, hình ảnh của dì Hoàng trong bà con lối xóm xấu đi nghiêm trọng. Mọi người đều cảm thấy tính cách của dì có vấn đề. Ngay sau đó, dì Hoàng đã chuyển đến sống trong thành phố. Nhiều năm trôi qua, thi thoảng tôi vẫn nghe mọi người kể về cuộc sống của dì Hoàng tại nơi ở mới.
Dì Hoàng vẫn thích buôn chuyện như xưa. Dì thường hay kể xấu con dâu trước mặt bà con hàng xóm. Điều này khiến cho gia đình dì Hoàng luôn rơi vào cảnh lục đục bất hòa. Mối quan hệ giữa mẹ chồng với con dâu cũng không mấy tốt đẹp.
"Ngồi thiền tịnh tâm để nghĩ về chính mình. Còn ngồi lê đôi mách thì đừng nói chuyện thị phi của thiên hạ."
Bép xép chuyện thiên hạ không chỉ gây phiền phức cho người khác mà còn mang đến những tai họa không đáng có cho bản thân. Ăn nói lung tung thì người chịu thiệt cuối cùng vẫn luôn là chính mình. Trong cuộc sống, mỗi người nên chú trọng vào việc tu khẩu nghiệp.
Ngày nắng giúp người, ngày mưa người cho mượn ô
Ở đời, sông có khúc người có lúc, có thuận cảnh thì ắt có nghịch cảnh. Bạn nên giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn nếu như bạn có khả năng. Chỉ có như vậy, người ta mới sẵn sàng ra tay giúp đỡ khi bạn lâm vào tình cảnh tương tự.
Tiền Chung Thư là một nhà văn và nhà nghiên cứu văn học nổi tiếng của Trung Quốc. Tuy nhiên, rất ít người biết Tiền Chung Thư đã từng có những năm tháng sống trong cảnh nghèo khổ không xu dính túi. Thậm chí, Tiền Chung Thư còn phải bất đắc dĩ sa thải bảo mẫu của nhà mình, nhằm giảm bớt chi tiêu hàng ngày.
Thời bấy giờ, những cuốn tiểu thuyết và bản thảo nghiên cứu của Tiền Chung Thư chưa có được sự công nhận của mọi người như bây giờ. Không có bất kỳ thương gia nào sẵn sàng bỏ tiền để xuất bản các tác phẩm của ông. Trong tình cảnh này, nhà văn Tiền Chung Thư và vợ ông là bà Dương Giáng chỉ còn cách kiếm tiền bằng viết tiểu thuyết. Cuộc sống của hai vợ chồng thường rơi vào cảnh thu không đủ chi.
Khi nghe được tin này, Hoàng Tá Lâm đã không chút do dự mà ra tay giúp đỡ gia đình Tiền Chung Thư. Hoàng Tá Lâm đã chủ động tìm đến gia đình Tiền Chung Thư. Hoàng Tá Lâm đã mua lại hai tác phẩm "Được như ý nguyện" và "Biến giả thành thật" của Dương Giáng để chuyển thể thành hài kịch. Hoàng Tá Lâm cũng ngay lập tức trả cho hai vợ chồng Tiền Chung Thư một khoản tiền bản quyền hậu hĩnh. Lúc này, cuộc sống của gia đình Tiền Chung Thư mới dần thoát khỏi cảnh túng quẫn.
Sau này, khi tác phẩm "Vi thành" ra đời gây được tiếng vang lớn, rất nhiều người đã tìm đến mua bản quyền sách của Tiền Chung Thư để chuyển thể thành phim ảnh. Nhưng cuối cùng, Tiền Chung Thư đã chỉ giao kịch bản cho con gái của Hoàng Tá Lâm là Hoàng Thục Cần. Rồi để cho Hoàng Thục Cần chuyển thể tác phẩm của mình thành phim truyền hình. Ngay sau đó, Dương Giáng cũng đã chuyển nhượng bản quyền một loạt các tác phẩm của mình cho Hoàng Thục Cần.
Tiền Chung Thư luôn ghi nhớ ân tình giúp đỡ lúc hoạn nạn khốn khó của Hoàng Tá Lâm. Nhiều năm sau đó, Tiền Chung Thư cũng đã dùng chính khả năng của mình để giúp đỡ con gái của Hoàng Tá Lâm vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp.
Nhà thơ Ba Tư cổ Saadi từng nói: "Nếu ai muốn được người khác giúp đỡ trong lúc khó khăn thì đừng quên mở lòng rộng lượng với người khác trong những lúc bình thường."
Bạn càng gieo trồng nhiều nhân thiện thì bạn càng gặt hái được nhiều quả tốt. Người cho đi yêu thương rồi sẽ được nhận lại yêu thương. Người cho đi hạnh phúc rồi sẽ được nhận lại hạnh phúc.
Bạn đối đãi với người khác bằng tình yêu thương. Họ cũng sẽ dùng tình yêu thương để đáp lại bạn. Nếu bạn gieo phước lành đến cho người khác, bạn cũng đang tăng trưởng thêm phước lành của mình. Phúc phần của bạn đều phụ thuộc vào cách bạn trả ơn và đối đãi với con người và vạn vật xung quanh như thế nào.
Chân tình đổi lấy chân tình
Nhà thơ Mỹ Gibran từng nói: "Ý nghĩa của sinh mệnh nằm cả ở sự soi chiếu lần nhau giữa người với người." Mối quan hệ giữa người với người đều cần đến hai chữ chân thành. Chỉ khi bạn thật tâm muốn giúp đỡ người khác, thì bạn mới nhận được sự đối đãi thật lòng của họ.
Khi mới vào làm việc ở Haidilao, Dương Tiểu Lệ chỉ là một nhân viên phục vụ trẻ mười tám tuổi.
Thương vụ kinh doanh than tổ ong của hai người anh trai Tiểu Lệ đã thất bại, khiến cho gia đình cô phải chịu một khoản nợ lớn. Trong dịp tết năm ấy, một chủ nợ đã tìm đến tận cửa và yêu cầu gia đình phải trả đủ tám trăm tệ thì mới chịu rời đi. Trong hoàn cảnh bị dồn đến đường cùng, Tiểu Lệ đã chạy vạy khắp nơi để vay tiền, nhưng vẫn không gom đủ được tám trăm tệ.
Khi biết chuyện, ông chủ Trương Dũng của Haidilao đã yêu cầu bộ phận tài vụ của công ty trực tiếp chuyển khoản 800 tệ cho Tiểu Lệ.
Tiểu Lệ vô cùng cảm kích hành động giúp đỡ của ông chủ. Cô định trả nợ cho ông chủ bằng cách trừ dần vào tiền lương hàng tháng của mình. Nhưng Trương Dũng nói: "Nếu trừ như vậy thì gia đình cô vẫn thiếu tiền. Đợi đến cuối năm rồi trừ nợ luôn vào tiền thưởng."
Tuy nhiên, đến lúc nhận thưởng cuối năm, Dương Tiểu Lệ phát hiện tiền thưởng của mình không hề bị trừ một đồng nào. Tiểu Lệ đã lên phòng tài vụ của công ty thắc mắc về chuyện này. Kế toán nói với Tiểu Lệ rằng: "Ông chủ đã dặn, công ty sẽ thanh toán khoản nợ cho nhà cô. Vì vậy, tiền thưởng của cô vẫn giữ nguyên."
Dương Tiểu Lệ biết chuyện thì vô cùng cảm động. Kể từ đó, Dương Tiểu Lệ luôn cố gắng cống hiến hết mình cho Haidilao.
Khi 19 tuổi, Dương Tiểu Lệ trở thành quản lý của một nhà hàng khác của Haidilao. Hai năm sau, Haidilao mở thêm một nhà hàng khác ở Tây An. Dương Tiểu Lệ được cử đi làm quản lý độc lập chi nhánh này.
Nhiều năm sau, khi đã công thành danh toại, Tiểu Lệ nhận được vô số lời mời gọi hấp dẫn với mức lương tiền tỷ kèm theo vô số ưu đãi từ các công ty khác. Nhưng Tiểu Lệ vẫn hết mực trung thành với Haidilao.
Dương Tiểu Lệ trả lời: "Haidilao là nhà của tôi. Không có Haidilao thì sẽ không có tôi. Tôi không thể phản bội Haidilao."
Ngày nay, Dương Tiểu Lệ đã trở thành nữ phó chủ tịch đầu tiên của Haidilao.
Có câu: "Một chút chân thành còn tốt hơn nhiều so với một tấn khôn vặt."
Lòng người là một tấm gương. Bạn mỉm cười với người ta, thì người ta cũng sẽ đáp lại bạn bằng một nụ cười. Khoảng cách giữa người với người sẽ được thu hẹp khi chúng ta biết đối xử với nhau bằng cái tâm. Mối quan hệ giữa người với người sẽ được bền vững gắn bó keo sơn.
Kitano Takeshi nói: "Khi tôi còn trẻ, thất bại và vấp ngã là chuyện thường tình. Cho dù đó là một trải nghiệm tàn khốc và đau đớn, nhưng chỉ cần nó giúp tôi nếm trải được dư vị của cuộc sống, thì đó lại là một niềm vui."
Cuộc đời không chỉ có những con đường ngập nắng hay những con dốc bằng phẳng. Nó còn có những cây cầu gỗ nhỏ gai góc khó đi. Không bép xép đưa chuyện ắt không gặp thị phi. Thật tâm giúp người sẽ được phúc báo sâu dày. Đối đãi bằng cái tâm sẽ nhận được tấm chân tình.
Tương lai năm rộng tháng dài. Tôi hy vọng tất cả mọi người sẽ ghi nhớ ba câu châm ngôn này. Chúc cho cuộc sống của bạn và tôi sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Doanh nghiệp và Tiếp thị