MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ rất cao, cần cấp cứu ngay kẻo lỡ "thời gian vàng"

03-03-2020 - 15:09 PM | Sống

Đột quỵ não khi xảy ra nếu không được phát hiện sớm có thể để lại di chứng nặng nề cho nạn nhân, thậm chí tử vong.


Dấu hiệu nhận biết đột quỵ sớm

Mới đây, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhân N.V.T (54 tuổi) đến từ Ninh Bình với biểu hiện nghi ngờ đột quỵ não.

Người nhà bệnh nhân cho hay, ông T có tiền sử bệnh lý hẹp van 2 lá, rung nhĩ nhưng điều trị uống thuốc chống đông không thường xuyên. Buổi sáng trước khi nhập viện ông T đột ngột giảm ý thức, ngã xuống sàn nhà được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện tuyến cơ sở và được chuyển lên tuyến trên.

Tại Bệnh viện Việt Đức, bệnh nhân T nhập viện trong tình trạng giảm tri giác, liệt 1/2 người trái, được chẩn đoán ban đầu là tai biến mạch máu não.

Bệnh nhân T đã được nhanh chóng can thiệp lấy huyết khối qua đường động mạch. Sau can thiệp người bệnh đã cải thiện tình trạng liệt 3/5, tiếp tục điều trị nội khoa tích cực và tập phục hồi chức năng sớm để hạn chế di chứng về sau.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đột quỵ nhồi máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng tàn tật nặng nề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, là gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và toàn xã hội.

3 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ rất cao, cần cấp cứu ngay kẻo lỡ thời gian vàng - Ảnh 1.

Hình ảnh phim chụp bệnh nhân bị đột quỵ não.

Theo PGS Hệ, nếu người bệnh có triệu chứng nghi ngờ đột quỵ não, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời tránh các di chứng nặng nề về sau.

Để nhận biết dấu hiện đột quỵ, hãy nhớ tới từ: F.A.S.T

Face (gương mặt): Mất cân đối, hoặc méo xệ một bên miệng

Arm (tay, chân): Kiểm tra tình trạng hiện yếu hoặc liệt tay, chân

Speech (lời nói): Ngôn ngữ bất thường

Nếu xuất hiện 1 trong 3 dấu hiệu kể trên người bệnh có nguy cơ đột quỵ rất cao, hãy khẩn trương gọi cấp cứu và nhanh nhất đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị đột quỵ. 

Time (thời gian): Đột quỵ là bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt "thời gian vàng" cấp cứu trong 3 tiếng đầu sau tai biến mạch máu não.

Trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 giờ đầu sau đột quỵ, nếu người bệnh được đưa đến bệnh viện chữa trị kịp thời thì cơ hội sống sót và phục hồi cao. 

Đột quỵ não thường gặp ở những người bị đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn mỡ máu, người béo phì, ít vận động, hút thuốc.

Theo chuyên gia đột quỵ não thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng ngày nay người trẻ đột quỵ tăng do lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, ăn uống mất cân đối gây ra tình trạng béo phì.

Đột quỵ có thể phòng được nếu tránh các yếu tố nguy cơ bằng thói quen sống tích cực như:

- Không lạm dụng rượu bia

- Không hút thuốc lá

- Tránh căng thẳng thần kinh quá mức

- Ăn uống cân đối để tránh béo phì; không ăn mặn, ăn nhiều mỡ động vật…

- Tăng cường vận động, thể thao

Đối với các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh tim mạch... cần phải kiểm soát bệnh theo dõi và khám theo chỉ định của bác sĩ.

* Đọc bài cùng tác giả Ngọc Minh và theo dõi các thông tin y tế tại đây.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên