3 điểm nghẽn của nền kinh tế và tác động đến thị trường BĐS năm 2020
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã chỉ ra những điểm nghẽn của nền kinh tế đã và đang thách thức sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam trong năm tới.
3 điểm nghẽn của nền kinh tế
Theo TS. Cấn Văn Lực, trong năm 2019, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển rất đáng khích lệ trong bối cảnh rủi ro bên ngoài gia tăng. Dự báo cả năm 2019, GDP tăng trưởng tương đối cao, đạt khoảng 7%. Lạm phát cũng được kiểm soát rất tốt (khoảng 3%), xuất khẩu ước tính tăng khoảng 9%, giải ngân FDI ước tính tăng 8%. Đồng thời, theo Ngân hàng Thế giới, kiều hối Việt Nam năm 2019 ước đạt ở mức khoảng 16,8 tỷ USD, tăng 7% so với 2018…v.v.
Bên cạnh những con số ấn tượng nói trên, TS. Lực cũng chỉ ra 3 điểm nghẽn lớn mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt:
Thứ nhất, giải ngân đầu tư công còn khá chậm, có thể cả năm 2019 mới giải ngân được khoảng 80-85% kế hoạch; trong khi đầu tư công chiếm khoảng 10% tổng giá trị GDP cả nước, khoảng 32% tổng mức đầu tư toàn xã hội. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế vì vốn là một trong ba yếu tố quan trọng nhất tạo ra GDP.
Thứ hai, dù được Fitch nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực và giữ nguyên xếp hạng BB, năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc (từ thứ hạng 77 lên 67/140 quốc gia được xếp hạng); nhưng môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện chưa nhiều và còn chậm so với khu vực. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, năm 2019 Việt Nam có tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm) nhưng lại giảm 1 bậc trên bảng xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70), trong khi Malaysia tăng 12 hạng trong 2 năm qua; Thái Lan tăng 6 bậc và Philippines tăng tới 29 bậc trong năm nay.
Thứ ba, trong lĩnh vực kinh tế số, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng lên 3 bậc theo đánh giá của WIPO và tăng 6 bậc so với năm ngoái theo đánh giá của WEF, song vẫn ở mức trung bình (xếp thứ 76/140 quốc gia được xếp hạng); trong khi khung pháp lý cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ còn chậm, chưa theo kịp yêu cầu của xu thế và thị trường.
Những điểm nghẽn trên không chỉ là thách thức với nền kinh tế mà còn với cả thị trường bất động sản – vốn được xem như một trong những thành tố quan trọng, có độ lan tỏa cao của nền kinh tế.
Kinh tế năm 2020 và tác động đến thị trường bất động sản
Theo dự báo của nhiều tổ chức, năm 2020 nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang thì GDP toàn cầu có thể giảm 0,2-0,5 điểm %. Riêng Trung Quốc, mức giảm có thể từ 0,5-1,7 điểm % và sự sụt giảm có thể kéo dài đến cả năm 2021. TS. Cấn Văn Lực nhận định thêm, bức tranh kinh tế 2020 sẽ diễn biến theo kịch bản trung bình, tức là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn tiếp diễn và chưa có thỏa thuận căn bản được đưa ra. Trong bối cảnh đó, với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn hơn so với năm 2019; nhiều khả năng đạt khoảng 6,8%.
Còn theo nghị quyết Quốc hội đưa ra mới đây, năm 2020 Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng 6,8%. Ông Lực cho rằng, để đạt được con số này, chính phủ phải rất quyết liệt, trong đó có việc tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế nêu trên. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn này cũng sẽ tác động mạnh đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Trên cơ sở và kỳ vọng đó, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, trong năm 2020, thị trường bất động sản sẽ vẫn tiếp diễn như năm 2019 nhưng có thể tích cực hơn, bởi 2 yếu tố:
Thứ nhất, những cơ chế chính sách vốn bị coi là điểm nghẽn của nền kinh tế thì trong năm 2020 sẽ phần nào được tháo gỡ với những biến chuyển, thay đổi theo hướng rõ ràng và cởi mở hơn. Điều này sẽ tác động đến dòng vốn, xu hướng đầu tư và sự phát triển của một số loại hình bất động sản; nhất là BĐS công nghiệp, nhà ở và văn phòng.
Thứ hai, pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng có thể sẽ được hoàn thiện, đặc biệt là condotel, shophouse, officetel… Vấn đề này đã được bàn rất nhiều trong năm qua và kì vọng năm tới sẽ có một đáp án rõ ràng.
Những số liệu chi tiết về thị trường nhận được sự quan tâm lớn của người tham dự tại VRES 2018
Cùng với sự chuyển dịch tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam, những phân khúc khác liên quan đến bất động sản công nghiệp, mặt bằng bán lẻ, bất động sản nhà ở bao gồm cả bất động sản nhà ở thu nhập thấp năm tới sẽ được đẩy mạnh, có những tín hiệu khởi sắc. Vậy các phân khúc bất động sản kể trên cụ thể sẽ có diện mạo như thế nào trong năm 2020? Nhà đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản cần làm gì để chủ động bắt nhịp với thay đổi của thị trường?… Rất nhiều thông tin về thị trường BĐS năm tới sẽ được giới thiệu và thảo luận tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2019 được Batdongsan.com.vn tổ chức vào tháng 12 tới đây.
Hội nghị bất động sản Việt Nam – VRES 2019 nhận được sự đồng hành từ các đơn vị kinh doanh, chủ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Được thành lập từ năm 1995, Tập đoàn Bất động sản Đại Phúc, đơn vị đi đầu trong hành trình phát triển của thị trường Bất động sản tại TP.HCM là nhà tài trợ kim cương của VRES 2019. Và một trong những chủ đầu tư uy tín trên thị trường hiện nay là City Land cũng đã trở thành nhà tài trợ vàng cho hội nghị.