3 điểm nóng có thể khiến 'Chiến tranh lạnh' Mỹ - Trung bùng phát
Trong bài viết mới đăng trên The Diplomat, chuyên gia Daniel Russel cảnh báo thế giới về những rủi ro "đã ở đó lâu đến mức người ta mất cảnh giác" trong quan hệ Mỹ - Trung.
- 31-01-2020Đồng hồ Tận thế cách thời khắc nửa đêm chỉ 100 giây: Nguy cơ nhân loại diệt vong đầu năm 2020 đã cao hơn cả thời Chiến tranh Lạnh
- 24-09-2019'Chiến tranh lạnh' Mỹ-Trung còn khó giải quyết hơn thời Liên Xô
- 07-09-2019Cố vấn Nhà Trắng: Đàm phán với Trung Quốc như thời Chiến tranh Lạnh, có thể mất cả thập kỷ
Virus corona đã chứng minh một cách sinh động rằng ngay cả những rủi ro được thừa nhận vẫn có thể khiến thế giới mất cảnh giác. SARS và Ebola đã cảnh báo thế giới về sự nguy hiểm của virus lây nhiễm từ động vật. Mới năm ngoái, chính phủ và các cơ quan quốc tế đã đưa ra những cảnh báo rõ ràng và lặp đi lặp lại. Để nêu bật mối đe dọa, Mỹ đã chạy mô phỏng một ổ dịch có tên mã là “Crimson Contagion”.
Một hội đồng chuyên gia quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) triệu tập đã cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa đại dịch đối với cuộc sống con người và kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, khi Covid-19 xảy đến, dịch bệnh này đã vạch trần sự thật rằng phần lớn chính phủ trên thế giới không chuẩn bị sẵn sàng và chậm phản ứng với mối nguy y tế được dự đoán rộng rãi.
Lúc này, mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và Mỹ là một rủi ro địa chính trị lớn. Lớp vỏ bảo vệ mối quan hệ này đã bị tước bỏ, phần cốt lõi bị phơi bày và các cơ chế để xoa dịu căng thẳng không còn tồn tại nữa. Các trận chiến nổi lên dữ dội giữa Bắc Kinh và Washington về thương mại, công nghệ, đầu tư, chuỗi cung ứng, nhà báo và Covid-19. Các nhà ngoại giao, từ bộ trưởng ngoại giao Mỹ đến các “chiến binh sói” hung dữ của Trung Quốc, đang châm chọc, xúc phạm nhau bằng những lời lẽ dứt khoát không có tính chất ngoại giao.
Thái độ của công dân nước này đối với quốc gia còn lại đã có một bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tồi tệ hơn. Và Trung Quốc, thường đóng vai “ông kẹ” trong các chiến dịch tranh cử tổng thống của Mỹ, đang trở thành một vấn đề trung tâm trong cuộc chiến leo thang giữa các ứng cử viên năm 2020.
Tác giả bài viết - ông Daniel Russel là Phó Chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á. Ông từng làm việc trong chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Barrack Obama với tư cách Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao về các vấn đề Đông Á & Thái Bình Dương, Trợ lý đặc biệt cho Tổng thống tại Nhà Trắng và Hội đồng An ninh quốc gia. Ảnh: Asian Society
Hồng Kông
Nhưng rủi ro còn nguy hiểm hơn đến mức, dù diễn ra vô thức hay không, nước Mỹ đã tự quen với thực trạng “bình thường mới” của đối thủ cạnh tranh chiến lược. Việc tập làm quen với cuộc đấu tranh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh có thể ngụy trang một số rủi ro địa chính trị vốn ăn sâu bám chặt mà không ai nhận ra - những rủi ro, mà giống như một loại virus mới, chúng ta nhận thức được nhưng chưa chuẩn bị để đối phó. Trong số những rủi ro này có Hong Kong, Biển Đông và trên hết là Đài Loan.
Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc của Trung Quốc trong kỳ họp gần đây đã đưa ra một dự thảo quyết định luật pháp và các biện pháp thực thi tại Hong Kong cho việc “bảo vệ an ninh quốc gia”, ngăn cấm “bất kỳ hành động ly khai, lật đổ hoặc can thiệp nước ngoài”. Năm 2003 (trớ trêu thay là năm của dịch SARS), nỗ lực của chính quyền Hong Kong trong việc thông qua một đạo luật tương tự đã bị ngăn cản bởi các cuộc biểu tình, và năm 2019, một đạo luật được đề xuất cho phép dẫn độ về đại lục là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình quy mô lớn bùng lên dữ dội suốt mùa hè và mùa thu năm ngoái.
Hưởng ứng những cuộc biểu tình đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong, đe dọa bằng các lệnh trừng phạt chống lại Trung Quốc và thắt chặt các mối quan hệ kinh tế của Mỹ và Hong Kong duy trì với mức độ tự trị cao. Do đó, giới lãnh đạo ở Bắc Kinh chắc chắn đã đưa ra quyết định của mình với nhận thức đầy đủ về cả phản ứng cục bộ và quốc tế có thể xảy đến.
Mức độ quyết tâm và khả năng chịu đựng những hậu quả tiêu cực tăng cao của Bắc Kinh dường như ngang tài ngang sức với quyết tâm trả đũa của các nhà hoạch định chính sách của Mỹ - ngay cả khi Hong Kong có thể chịu thiệt nhiều nhất trong cuộc chiến đó. Ngoại trưởng Mike Pompeo đã kịp thời cảnh báo rằng Mỹ sẽ trả đũa, và vào ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump đã tới Vườn hồng để thông báo quyết định rút lại tình trạng kinh tế đặc biệt của Hong Kong - một động thái, nếu được thực hiện đầy đủ, sẽ phá hủy khả năng tồn tại của nơi này như một trung tâm tài chính tự trị. Bây giờ, khi đã áp chế tước bỏ sự độc lập chính trị còn lại của Hong Kong, liệu các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm đến cùng và hoàn tất việc đe doạ sử dụng lực lượng quân sự trực tiếp để đàn áp bất đồng chính kiến và bất tuân dân sự ở đây hay không?
Biển Đông
Trung Quốc sử dụng chiến thuật gia tăng hiện diện ở Biển Đông, trước tiên bằng cách cải tạo đất và sau đó xây dựng các tiền đồn trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), cản trở các nỗ lực quốc tế trong việc ngăn cản Bắc Kinh khẳng định quyền chủ quyền trong không gian tranh chấp quốc tế. Hành động "gác lại phán quyết" của Tòa án quốc tế về Luật biển mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đưa ra năm 2016 đã phá vỡ chính sách ngoại giao khu vực đang diễn ra khi đó và củng cố sự miễn trách dành cho Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong ba năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự. Mỹ đã gia tăng tốc độ và tính công khai của quyền tự do hoạt động hàng hải trong bốn tháng đầu năm 2020. Cùng thời gian, Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của Việt Nam, tuyên bố thành lập các khu hành chính bất hợp pháp ở khu vực Nam Biển Đông và triển khai đội tàu sân bay duy nhất của nước này để tiến hành tập trận trong khu vực. Kể từ khi máy bay do thám EP-3 của Mỹ bị bắn hạ bởi Trung Quốc năm 2001, chưa từng có một vụ đánh chặn hay chạm trán nào giữa máy bay hoặc tàu quân sự 2 nước gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đối thoại chiến lược cấp cao và quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn được cố gắng vun đắp sau sự cố EP-3, đã bị hủy hoại trong ba năm qua, tước đoạt các công cụ phòng ngừa hoặc quản lý khủng hoảng thiết yếu khỏi tay chính phủ hai nước. Vì vậy, sự kết hợp của trạng thái căng thẳng, các hoạt động quân sự gia tăng, sự ngờ vực chiến lược và việc cắt đứt các kênh đối thoại có thể chứng minh một công thức cho thảm họa bằng cách cho phép một sự cố leo thang đến một cuộc khủng hoảng, và một cuộc khủng hoảng châm ngòi cho một cuộc đối đầu quân sự… hoặc là tệ hơn.
Đài Loan
Liệu có phải một cơn giông tố đang kéo đến ở Đài Loan? Đài Loan nằm trên đường đứt gãy giữa luật pháp dân chủ và thể chế của Trung Quốc. Vùng lãnh thổ này cũng là điểm giao nhau giữa hai cường quốc, cả hai đều chịu áp lực chính trị mạnh mẽ, nhưng với lợi ích, ảnh hưởng và năng lực hành động quân sự không đồng đều. Đối với nhiều người ở Mỹ, Đài Loan có tầm quan trọng mang tính biểu tượng - như một sự phản đối ở nước ngoài đối với Trung Quốc và là biểu tượng của một Trung Quốc dân chủ có thể trông như thế nào. Đối với những người khác, Đài Loan là một công cụ cùn được sử dụng để quấy rối và làm mất lòng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng đối với ông Tập Cận Bình, Đài Loan là một mệnh lệnh lịch sử và chính trị. Đưa Đài Loan vào một con đường dẫn đến “sự thống nhất” là chìa khóa cho “sự hồi sinh vĩ đại của quốc gia Trung Quốc” và duy trì quyền lực của ông Tập. Không có vấn đề nào khác có tính trọng tâm đối với bản sắc hoặc đối với sự tồn tại chính trị của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, ông Tập đã phải chịu một thất bại nặng nề trong năm qua. Không chỉ là việc đối thủ của Bắc Kinh, bà Thái Anh Văn, đã giành được một chiến thắng lớn trong cuộc tái tranh cử, mà thành công của bà còn được thúc đẩy bởi sự ủng hộ rất công khai của bà đối với những người biểu tình ở Hong Kong và sự phản đối công khai của bà về chính sách “một quốc gia, hai chế độ” được dàn xếp cho Đài Loan. Trên thực tế, kết quả bầu cử có thể đã góp phần vào tính toán của Bắc Kinh, rằng có rất ít lợi ích từ việc tiếp tục dè dặt, thận trọng ở Hong Kong. Việc xử lý đại dịch Covid-19 rất hiệu quả của Đài Loan đã giành được sự tán dương quốc tế và dẫn đến phản ứng dữ dội với chính sách của Bắc Kinh về việc loại trừ Đài Loan khỏi các diễn đàn quốc tế như Hội đồng Y tế Thế giới gần đây.
Và kéo theo đó là một loạt các cử chỉ ủng hộ rất công khai đối với Đài Loan của Mỹ. Trong khi một số hành động đó, chẳng hạn như việc bán vũ khí và quá cảnh tại Mỹ của lãnh đạo Đài Loan, có thể tương đương với các bước được thực hiện bởi chính quyền trước đó, thì các hành động cao cấp khác lại không như vậy. Hai bộ luật chính hỗ trợ cho mối quan hệ thân thiết hơn với Đài Loan đã được ban hành trong khoảng thời gian hai năm, các quan chức cấp cao của Mỹ đã tham gia hầu hết sự kiện nhậm chức lần thứ hai của bà Thái và thông báo về việc nhà sản xuất chip nổi tiếng của Đài Loan sẽ xây dựng một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tiên tiến trị giá 12 tỷ đôla ở Arizona trùng hợp với thông báo về điều lệ từ chối quyền truy cập vào thiết bị sản xuất chip thiết yếu áp đặt đối với Huawei trên quy mô toàn thế giới. Trong khi đó, có rất nhiều tin đồn rằng các quan chức Mỹ đang dự tính các bước đi chưa từng có như các chuyến thăm của tàu Hải quân Mỹ đến các cảng Đài Loan hoặc thậm chí là triển khai luân phiên lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ.
Sự mất cân bằng giữa lợi ích của Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến Đài Loan gây ra những tính toán sai lầm và phản ứng không cân xứng. Khuôn khổ xây dựng một cách tỉ mỉ của “chính sách một Trung Quốc” có thể sẽ không tồn tại nếu Đài Loan được sử dụng như một công cụ đẩy lùi chống lại Trung Quốc. Mỹ có thể tự tin đến mức nào trong khả năng đánh giá thành công của các nhà lãnh đạo Bắc Kinh khi họ quyết định thực hiện lời hứa thống nhất thông qua vũ lực nếu cần? Và nếu việc mỗi bên nhận thức sự vi phạm của bên kia khuyến khích Washington và Bắc Kinh tăng gấp đôi hỗ trợ hoặc gây áp lực cho Đài Loan, thì tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu trước khi một cuộc khủng hoảng nổ ra?
Trạng thái cân bằng thường không yên ả đã đánh dấu mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong nhiều thập kỷ không nên khiến chúng ta trở nên thích nghi và bớt nhạy cảm hơn với mối nguy rằng điểm bùng phát đang đến gần, ngay cả khi một hành động nhỏ cũng sẽ đóng vai trò là chất xúc tác dẫn đến chiến tranh. Những lời công kích dữ dội trong cuộc chiến thương mại hoặc trò chơi đổ lỗi Covid-19 không nên làm ảnh hưởng đến những cảnh báo từ hai phía. Thực tế là không có tình huống nào tệ đến mức có thể bị làm cho tệ hơn. Và dù cho không có cái cớ nào có thể khiến các vấn đề thâm căn cố đế giữa Washington và Bắc Kinh có thể đột ngột trở nên trầm trọng hơn, thì vẫn có rất nhiều cơ sở để lo lắng rằng các biện pháp bảo vệ chính trị và ngoại giao chống lại sự leo thang không kiểm soát phần lớn là không hiệu quả. Có một lời cảnh báo đối với cả hai nhà lãnh đạo trong câu ngạn ngữ cũ, đại ý rằng: Nếu bạn không thể ngăn mình cư xử không đúng mực, hãy cố gắng hạn chế mức độ rủi ro hoặc nguy hiểm liên quan.
Daniel Russel
Người đồng hành