MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 điều cha mẹ phải chú ý dạy để con trở nên mạnh mẽ, không bị ức hiếp

08-10-2023 - 14:05 PM | Sống

Nếu không muốn con quá mềm yếu thì cha mẹ nên trau dồi 3 đức tính này cho trẻ.

Một phụ huynh mới đây than thở: Con gái luôn nhút nhát khiến cô đặc biệt lo lắng, nhất là sau khi con vào mẫu giáo.

"Một lần, con gái tôi về nhà và nói: "Mẹ ơi, lớp chúng con có một bạn xấu". Hỏi ra mới biết, thì ra bạn ngồi cạnh đánh vào lưng, giật tóc và đá con. Tôi lập tức cảnh giác, hỏi: "Vậy con phản ứng thế nào?". Con nói: "Bạn thân của con đã chạy đi báo với cô giáo".

Lúc này, tôi không giữ được bình tĩnh: "Không phải con nên ngăn bạn ngay lập tức hay sao? Hãy nói với bạn rằng nếu tái phạm thì mình sẽ không nhượng bộ và con nên tự mình nói với giáo viên chứ?". Nhìn thấy vẻ mặt tức giận của tôi, con gái tôi càng sợ hãi và yếu ớt nói: "Con không dám".

Nhìn thấy con như vậy tôi càng tức giận hơn, con rụt rè như vậy thì phải làm sao? Sau này sẽ bị bắt nạt mà không biết cách chống cự. Tôi đang định mắng con một trận thì chồng ngắt lời: "Nếu em làm như vậy, con gái sẽ càng sợ hãi hơn, sau này có chuyện gì xảy ra sẽ không dám tâm sự nữa".

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, trong trường hợp này, cha mẹ có tức giận cũng chẳng ích gì, càng tạo áp lực cho con cái. Nếu muốn ngăn con mình bị bắt nạt, điều quan trọng nhất là nuôi dưỡng lòng dũng cảm và sự tự tin của con.

Trẻ em nhút nhát thường dễ nhạy cảm. Nếu bị ai nói lời tổn thương, trẻ sẽ buồn rất lâu. Chúng cũng không dám nói gì khi bị bắt nạt mà sẽ chịu đựng hoặc cố làm hài lòng người khác. Trẻ không dám chủ động đấu tranh cho bất cứ điều gì mình muốn nhưng trong lòng vẫn luôn cảm thấy bị đối xử bất công.

Mẹ nuôi dưỡng 3 phẩm chất ở con: Con có trái tim kiên cường, đi đến đâu cũng không bị bắt nạt - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Nếu không muốn con quá mềm yếu thì cha mẹ nên trau dồi 3 đức tính này cho trẻ.

1. Cảm giác an toàn

Một phụ huynh chia sẻ: "Trước đây khi nghe con bị bắt nạt, tôi rất xúc động và nghĩ, mình phải làm sao đây? Con mình đã bị đối xử bất công. Nhưng quan trọng hơn là con không biết phản kháng, để người khác ức hiếp mình. Nếu rụt rè và hèn nhát, tương lai sẽ ra sao? Khi sự tức giận và lo lắng dâng trào, tôi quên mất việc chú ý đến cảm xúc của con. Một khi nhìn thấy phản ứng của tôi, con sẽ không dám kể với mẹ khi có chuyện gì xảy ra.

Sau này, khi con kể chuyện ở trường, tôi kiên nhẫn lắng nghe và giúp con bày tỏ cảm xúc: Lúc đó con giận lắm phải không? Chắc hẳn con đang buồn một chút; không ai nhìn thấy con và con hơi sợ hãi nữa. Sự an ủi này có thể khiến trẻ cảm thấy rằng chúng được thấu hiểu và có được sự tự tin.

Ngoài ra, nếu ai đó cứ bắt nạt con gái, tôi sẽ không bỏ qua khi những lời như "Con nít đánh nhau là chuyện bình thường"; "Hai bên đều có trách nhiệm" và "Tôi sẽ nhắc con, đừng lo lắng". Bởi vì một khi bạn không xem xét nghiêm túc, hai ba ngày nữa bạn sẽ lại phát hiện ra con mình bị đánh.

Thông thường, trẻ con cãi nhau một chút cũng không sao, nhưng nếu việc đó lặp đi lặp lại, tôi sẽ trực tiếp đến gặp cha mẹ của đứa trẻ kia, yêu cầu đứa trẻ trực tiếp xin lỗi và hứa lần sau sẽ không bắt nạt người khác. Khi chúng ta đứng về phía con, con sẽ cảm thấy an toàn và biết rằng con có thể dựa vào cha mẹ và gia đình khi bị bắt nạt. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng và sự lo lắng của con".

2. Nhiều bạn bè

Những kẻ bắt nạt ít có khả năng nhắm mục tiêu vào những người đi cùng một nhóm bạn. Hãy để con bạn biết rằng chúng nên gắn bó với một hoặc nhiều bạn bè khi có thể. Điều này đặc biệt đúng khi các em ở trong các khu vực của trường là điểm nóng thường xảy ra các vụ bắt nạt, chẳng hạn như nhà ăn, sân chơi, xe buýt, phòng tắm và phòng thay đồ.

Nếu con không có nhóm bạn nào, hãy cố gắng giúp chúng phát triển tình bạn. Khi đón con đi học về, hãy nhờ giới thiệu bạn bè với bố mẹ, sau đó bạn cũng sẽ đến chào phụ huynh các cháu để làm quen. Khi con có đồ ăn ngon, hãy nhắc con mang cho bạn bè một ít và mời bạn bè tới nhà chơi khi rảnh.

3. Nắm vững kỹ năng đối phó

Ngoài cảm giác an toàn và có bạn bè, điều quan trọng nhất là trẻ phải nắm vững các chiến lược đối phó. Bằng cách này, ngay cả khi không có người lớn và bạn bè ở bên, trẻ sẽ biết cách tự bảo vệ mình khỏi bị tổn hại khi có chuyện gì xảy ra.

Bố mẹ có thể cho con đọc các cuốn sách về chống bắt nạt để dạy con nhận biết những hiện tượng bắt nạt thường gặp. Chẳng hạn như tung tin đồn, nói rằng con ăn trộm đồ, chế nhạo con béo hay da đen, đặt biệt danh cho con, cướp của, đánh đập, cô lập,… Khi gặp những tình huống này, con có thể tìm hiểu cách những đứa trẻ trong truyện giải quyết như thế nào.

Hơn nữa, bố mẹ có thể sử dụng các trò chơi nhập vai để nâng cao kỹ năng chống bắt nạt của trẻ. Ví dụ, người lớn sẽ đóng vai đứa trẻ bắt nạt con và dạy cháu sử dụng các kỹ năng trong sách để đối phó.

Hãy chắc chắn rằng con biết cách gây ồn ào nếu bị ai đe dọa hoặc làm tổn thương. Ngoài việc nói to với giọng điệu đanh thép, con cũng có thể la hét. Mục đích nhằm thu hút sự chú ý từ người lớn hoặc giáo viên, khiến kẻ bắt nạt phải chột dạ.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên