Cha mẹ buồn lòng khi phát hiện con không trung thực, nhưng thay vì quát mắng nên làm 4 điều này
Khi phát hiện con nói dối, hãy bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân thay vì buộc tội, quát mắng trẻ.
- 01-10-2023Bị tiếp viên vô tình đổ nước nóng vào người, nữ hành khách than 'không khác gì một cơn ác mộng'
- 01-10-2023Là giáo viên 61 tuổi đã nghỉ hưu, điều dại dột nhất tôi làm vào những năm tháng cuối đời là bỏ phố về quê
- 01-10-2023Đây là 3 lý do khiến MrBeast trở thành YouTuber nổi tiếng nhất thế giới!
Khi trẻ không thành thật, hẳn sẽ khiến các bậc phụ huynh phải buồn lòng. Nhiều người không giữ được bình tĩnh đã lập tức quát mắng, đánh đập, thậm chí là chì chiết trẻ suốt ngày này qua ngày khác. Thế nhưng đôi khi sự hà khắc của cha mẹ lại khiến sự việc thêm trầm trọng. Con có thể nghe lời ngay tức khắc nhưng sẽ cảm thấy ấm ức.
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, trẻ em đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi chưa thực sự có thể phân biệt được đâu là thực tế và đâu là tưởng tượng. Điều đó có nghĩa là đứa trẻ 1 hoặc 2 tuổi không thể hiểu được khái niệm nói dối và nói sự thật. Vì vậy đôi lần trẻ nói dối chỉ là sự phóng đại trí tưởng tượng của mình mà thôi.
Trẻ nhỏ nói dối do đâu?
Có một sự thật là trẻ đôi khi không nhớ bản thân vừa làm chuyện gì trước đó, nhất là trong độ tuổi dưới 4. Thế nên khi bị tra khảo, con một mực giải thích bản thân không hề làm. Điều này có thể xuất phát từ nguyên nhân trẻ không nhớ chứ không phải con có ý nói dối hòng thoát tội.
Một nguyên nhân cực kỳ phổ biến dẫn đến tình trạng trẻ nói dối đó là bị bố mẹ quát mắng. Mỗi lần làm sai, con phải chịu hình phạt, lời khiển trách nặng nề từ bố mẹ khiến trẻ luôn sống trong sợ hãi. Con sợ nếu ba mẹ biết sự thật sẽ quát mắng, thậm chí là đánh đập. Điều này đã làm trẻ cố tình nói dối.
Bên cạnh đó, đứa trẻ nào cũng mong làm cha mẹ vui, thế nên nếu biết chuyện gì đó về mình khiến ba mẹ thất vọng, trẻ sẽ có xu hướng lảng tránh. Nếu phản ứng của bạn đối với sự thật bớt u ám đi thì con cũng sẽ bớt lo ngại tổn thương bạn vì nói thật.
Đôi khi trẻ không thành thật có thể do tính hiếu thắng. Việc nói dối và bịa ra câu chuyện nào đó chỉ để đảm bảo rằng con không bị thua thiệt. Nếu sự việc đi quá xa hoặc những lời nói dối gây ra hậu quả xấu, cha mẹ cần phải chấn chỉnh con.
Cuối cùng, nguyên nhân tiềm ẩn có thể do ba mẹ đã từng nói dối con nhiều lần trước đó. Con cái chính là bản sao của cha mẹ. Nếu phát hiện ra cha mẹ mình đôi lần nói dối mà không có vấn đề gì, trẻ sẽ nhanh chóng bắt chước. Hoặc nếu một vài lần nói dối trước đó thành công, trẻ sẽ có xu hướng tiếp tục.
Trước khi trách mắng, cha mẹ hãy làm 4 điều này
1. Động viên nhẹ nhàng con nói ra sự thật
Thay vì trách mắng khi trẻ không trung thực, cha mẹ hãy khuyến khích và khen ngợi lời nói thật của con. Phụ huynh nên nhẹ nhàng sẽ khiến trẻ thấy được tin tưởng và luôn trung thực trong lời nói của mình.
Hãy nói rằng: “Mẹ biết là có điều chưa đúng ở đây, mẹ mong được nghe sự thật”, hay “mẹ tin em bé của mẹ không phải là một người nói dối, nếu con thành thật mẹ sẽ càng yêu con hơn”… Những lời khuyên răn, động viên nhẹ nhàng sẽ có ích hơn là đánh đập, quát mắng.
2. Không buộc tội trẻ
Ví dụ, con làm đổ hộp đồ chơi ra sàn, mẹ không mắng mà hãy nhẹ nhàng hỏi: “Sao hộp đồ chơi rơi hết ra sàn thế nhỉ? Ước gì có ai đó dọn giúp mẹ vào đúng vị trí”. Sau câu nói đó, có thể trẻ sẽ là người nhặt gọn đồ chơi vào đúng vị trí.
Nhiều ba mẹ thấy vậy thường quát mắng “có mỗi hộp đồ chơi mà không biết dọn à”, hay “đứa nào làm đổ đồ chơi đây, muốn ăn đòn không”… chỉ khiến trẻ thêm sợ hãi. Hãy làm bạn với con, trở thành người mà trẻ tin tưởng thay vì áp đặt, doạ nạt con cái.
3. Không đặt quá nhiều áp lực lên trẻ
Cha mẹ không nên đặt quá nhiều kỳ vọng và quy tắc rồi bắt con nghiêm túc tuân thủ hay đạt được. Đôi khi trẻ làm điều gì đó chỉ vì sợ ba mẹ buồn lòng. Mỗi khi con không làm đúng hoặc không đạt được thành tích tốt đẹp, ba mẹ quở trách. Dần dần trẻ hiểu rằng mình không được phép phạm sai lầm mới khiến ba mẹ vui, mới là đứa con ngoan.
Chính vì vậy, khi có khuyết điểm nào đó, con có xu hướng nói dối, thậm chí còn nói dối nhiều lần. Thế nên, đừng đặt cho trẻ áp lực quá lớn. Hãy luôn động viện, khuyến khích, cho trẻ hiểu rằng dù có xảy ra chuyện gì, bố mẹ cũng luôn đồng hành với con.
4. Xây dựng niềm tin
Hãy để trẻ biết rằng, cha mẹ tin tưởng mình và mình cũng tin tưởng cha mẹ. Khi đã có niềm tin, trẻ sẽ không còn sợ hãi để phải che giấu sự thật. Hãy cố giao tiếp với trẻ như những người bạn, tôn trọng trẻ và giải thích đâu là đúng, đâu là sai. Như thế con sẽ tin cha mẹ là những trọng tài công tâm trong cuộc sống.
Trí Thức Trẻ