3 điều ít ai nói cho bạn về “cái giá của sự tự do” khi dấn thân làm Freelancer
Muốn dấn thân làm Freelancer đổi lấy sự tự do, đây là 3 điều bạn buộc phải chuẩn bị tâm lý đối mặt mà không ai nói trước.
- 29-12-20231 thứ tốt từ gà vừa hạ đường huyết, cứu tinh của người giảm cân: Rất sẵn ở chợ Việt
- 28-12-2023Có 2 con trai, cụ ông 65 vẫn chấp nhận bỏ 3 tỷ đồng xây nhà sống một mình năm cuối đời
- 27-12-2023Ở cùng con trai nhưng luôn xảy ra cãi vã, cụ ông 65 nhận ra điểm tựa cuối đời để sống ‘dễ thở’ hơn
Hiện nay, ngày càng nhiều người trẻ quyết định bỏ công việc văn phòng ổn định để trở thành một freelancer. Liệu thực tế nghề này có dễ dàng đến vậy, đặc biệt giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như năm 2023?
1. Phải có đủ 1 năm chi phí sinh hoạt để bỏ công việc văn phòng
Trước khi trở thành freelancer, Nguyễn Ngân (SN 1996) từng làm trong bộ phận Branding của một tập đoàn vật liệu xây dựng. Hiện tại, cô nàng kết hợp thêm cùng nhiều freelancer khác để làm marketing inhouse cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đội ngũ của cô nàng sẽ đảm nhiệm gói full stack cho doanh nghiệp gồm làm content, xây planner, làm website, chạy ads…
Ngân gọi mình là một dân “part-time” của TP.HCM. Bởi vì trong 2 tháng, cô nàng thường xuyên dành 10 - 15 ngày để làm việc ở các tỉnh thành, sau đó quay lại TP.HCM để sắp xếp công việc.
Giống như nhiều freelancer khác, Ngân chọn nghỉ việc văn phòng vì muốn có hướng đi riêng. “Mình định hướng làm tự do, không muốn làm theo công ty với suy nghĩ cuộc sống ổn định, có lương rồi cố gắng phấn đấu thăng chức. Mình cũng không ý định gắn bó với bất kỳ tổ chức nào nữa, dù là mô hình startup hay tập đoàn lớn.
Nghỉ công việc văn phòng với các bạn trẻ có lẽ là lựa chọn không quá khó khăn. Tuy nhiên, ở độ tuổi gần 30 như mình, mình nghỉ việc vì đã tìm ra được định hướng nghề nghiệp. Chứ thực tế, tập đoàn cũ cho mình nhiều phúc lợi", Ngân kể.
Cũng vì thế, khi xác định theo đuổi sự nghiệp làm freelancer, Ngân đã lên kế hoạch và chuẩn bị sẵn nền tảng tài chính và tinh thần từ 1 năm trước đó.
“Mình nghĩ quan trọng nhất là hiểu rõ bản thân, có kỹ năng gì để sống độc lập, xác định có phù hợp với công việc freelancer fulltime không? Mình có chịu được ‘lời ra tiếng vào’ và áp lực từ gia đình, cái được và mất của nghề này?
Thứ nhất về tài chính, ở độ tuổi này, mình nghĩ nên chuẩn bị ít nhất 1 năm cho phí sống tối thiểu. Nhiều người bảo chỉ cần chuẩn bị 6 tháng thôi. Tuy nhiên, mình đánh giá năm nay kinh tế khó khăn và sang 2024 chưa chắc khá hơn nên mình nghĩ 1 năm chi phí sống mới ổn. Thêm vài đó, nếu tài chính được chuẩn bị kỹ, bạn sẽ có ‘quyền’ được chọn sản phẩm để làm Marketing chứ không phải ‘nhận bừa’ job do hoàn cảnh kinh tế.
Thứ hai về mối quan hệ và công việc. Mình đã có vài job freelance kéo dài ít nhất trong 3-4 tháng. Nhờ đó, sau khi nghỉ việc, mình vẫn còn guồng để làm, không phải chạy đi kiếm việc rồi lao vào vòng xoay ‘phá giá’ tiền lương như nhiều freelancer khác hiện nay”, Ngân nhớ lại cách cô chuẩn bị để theo đuổi nghề freelance lâu dài.
2. Làm freelance, quan trọng là phải đa-dạng-thu-nhập
Từ nhiều năm về trước, Ngân đã ý thức tầm quan trọng của đa dạng thu nhập . “Ngày trẻ, mình thích đi du lịch nên cố gắng kiếm thêm thu nhập. Mình luôn có ít nhất 2 công việc. Dần dà thì trào lưu làm freelancer được biết đến thì mình đã theo đuổi con đường này ít nhất 5 năm rồi. Khi đã trải nghiệm đầy đủ công ty từ startup tới tập đoàn đa quốc gia, thì mình vẫn chưa nhìn thấy rõ bản thân. Mình quyết định sắp xếp lại mọi thứ và chuyển sang làm freelancer fulltime luôn”.
2023 là năm suy thoái kinh tế nói chung, kinh doanh ế ẩm khắp nơi. Còn về phía Ngân, trộm vía năm nay nhiều doanh nghiệp thắt giảm ngân sách nên việc thuê đội ngũ Marketing làm full stack như nhóm Ngân cũng được ưu thế.
“May mắn là từ thời nghỉ văn phòng chưa bao giờ mình phải đăng tin tìm công việc. Trước khi làm freelancer, dựa trên thái độ và sản phẩm của mình thì người ta đã biết đến, sau đó liên hệ đưa job. Đợt này mình nghỉ việc, nhưng không hoang mang vì đã có hướng đi từ trước. Do đó, dù nhiều khi phải chuyển từ làm 8 tiếng sang 18 tiếng thì mình vẫn rất vui vì được tự do”.
3. Tự do = Tự lo
Một sai lầm của nhiều người trẻ khi theo đuổi công việc freelancer là cho rằng chúng mang lại sự tự do và không gò bó như môi trường văn phòng. Tuy nhiên, ngành nghề nào cũng có tính hai mặt. Và bạn cần chấp nhận nhiều “mặt xấu" thì mới có thể sống lâu dài với một công việc. Đó cũng là những gì Ngân rút ra sau thời gian theo đuổi nghề freelancer.
Bản thân free = tự do, mà tự do đồng nghĩa với việc bạn cô đơn trên hành trình của chính mình. Không có phòng ban giúp đỡ, không có các khối văn phòng hậu phương chuẩn bị cho bạn các chứng từ thủ tục, thuế má, hợp đồng. Mọi thứ tự thân bạn vận động, vì vậy trên con đường của freelancer, bạn đồng hành hầu hết sẽ là sự cô đơn.
Từ kinh nghiệm cá nhân, Ngân đưa ra lời khuyên cho những người trẻ đang tính toán từ bỏ môi trường công sở, chuyển sang làm freelancer: “Bạn cần hiểu rõ mình muốn gì nhất, hiểu thì coi lại nguồn lực xem có tới đâu. Ngoài ra, một vài ‘mặt trái’ của ngành này bạn cần xác định trước là:
- Tự tìm hiểu và nghiên cứu các loại giấy tờ đóng thuế cá nhân và các loại bảo hiểm.
- Làm ở nhà đồng nghĩa với sự giao tiếp cùng đồng nghiệp, tương tác giữa người và người cũng ít lại. Có đợt mình ở nhà 1 tuần liền, không ra khỏi nhà và không gặp ai.
- Bản thân đã sắp xếp và quản lý thời gian tốt hay không? Cái này thì mình chưa làm được tốt nhưng đã bắt đầu cải thiện từ khi bắt đầu làm nghề rồi.
- Làm online và ngồi máy tính nhiều sẽ bị đau cột sống.
- Nhiều công ty ‘tàn ác' còn quỵt tiền lương người làm freelancer, do đó bạn cần có kinh nghiệm trong khoản này".
Thời gian làm việc của freelancer tự do hơn công việc văn phòng, do đó chúng có thể ngắn hơn 8 tiếng hoặc nhiều hơn gấp đôi. Đơn cử vào mùa bận rộn nhất của freelancer là những ngày cuối năm, Ngân phải làm việc đến 18 tiếng/ngày.
Chi phí sinh hoạt sau khi chuyển từ dân công sở sang freelancer cũng có nhiều thay đổi. Ngân tâm sự: “Mình tiết kiệm được nhiều hơn do không còn thói quen uống trà sữa mỗi buổi chiều với đồng nghiệp, đồng thời ăn uống nấu tại nhà. Mình sống parttime ở TP.HCM, còn nửa thời gian thì ở chỗ này chỗ kia nên tính ra bù cho chi phí du lịch.
Tuy nhiên, khoản chi lớn nhất là đầu tư học nhiều kỹ năng hơn. Vì freelancer cũng hơi ‘bạc bẽo'. Buổi sáng ngủ dậy, bạn có thể phát hiện mình mất job và nguồn thu lúc nào không hay. Đơn cử như đợt tháng 7 Âm lịch vừa qua, mình cũng bị mất 1 job lớn vì lý do ‘lãng xẹt'. Do đó, mình luôn ý thức nâng cấp bản thân để tạo sự ổn định trong công việc”.
Nói về cách quản lý tài chính ở thời điểm hiện tại, Ngân chia sẻ: “Mình không phân chia thu nhập theo % cho từng khoản mục cố định. Mà sau khi trích ngân sách cho nhu cầu hàng tháng (tiền điện nước, thuê nhà, chi phí cá nhân và xây dựng mối quan hệ), mình dành một phần cho gia đình. Số tiền còn lại mình đẩy hết vào đầu tư chứng chỉ quỹ và chứng khoán.
Do tài khoản tiết kiệm và dự trù cho phát sinh, mình đã tích lũy đủ cho một năm rồi nên giờ có dư bao nhiêu thì mình đưa hết vào đầu tư. Vì cá nhân thấy thời điểm này tốt để mang tiền đi đầu tư".
Sau cùng cô nàng rút ra kết luận về nghề freelancer: “Đến hiện tại, mình cũng hiểu là bản thân trộm vía, có nhiều may mắn. Chứ nghề này không có nhiều màu hồng đâu, cực lắm!".
Phụ nữ mới