3 dự án quan trọng đồng loạt khởi công, khánh thành
Cùng trong ngày 10/1, 3 dự án đặc biệt quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã được khởi công và khánh thành
- 11-01-2021Nghị định đầu tiên của Chính phủ trong năm 2021
- 11-01-2021Triển vọng loạt dự án thủy điện tích năng nhằm khắc phục tính bất ổn của điện mặt trời
- 11-01-2021Trong 5 năm qua, cả nước tạo việc làm mới cho hơn 8 triệu lao động
Thủy điện Hòa Bình mở rộng
Công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng là một trong nhiều dự án quan trọng được khởi công vào dịp đầu năm 2021 (cùng với tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, sân bay Long Thành) là hoạt động thiết thực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị liên quan chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Do EVN làm chủ đầu tư với số tiền hơn 9.220 tỷ đồng, dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng có tổng công suất đặt 480 MW với 2 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 240 MW. Sản lượng phát điện bình quân 488,3 triệu kWh/năm. Dự kiến, tổ máy số 1 phát điện vào quý II/2024; tổ máy 2 phát điện và hoàn thành công trình vào quý IV/2024. Sau khi hoàn thành dự án mở rộng, tổng công suất của toàn bộ Nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt 2.400 MW.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với việc mở rộng, xây dựng thêm 2 tổ máy công suất 240 MW, nâng tổng công suất Nhà máy thủy điện Hòa Bình lên 2.400 MW, bằng công suất Thủy điện Sơn La. Như vậy, 3 nhà máy trên dòng sông Đà (Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu) có tổng công suất 6.000 MW, là chuỗi nhà máy trên 1 dòng sông lớn nhất Đông Nam Á và đóng góp 30% sản lượng điện quốc gia.
Dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng là một công trình lớn, phức tạp, điều kiện thi công trong lòng thành phố, khối lượng thi công lớn, phạm vi rộng. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra với EVN, Ban quản lý dự án, nhà thầu, các cơ quan liên quan là rất nặng nề. Thủ tướng đề nghị các đơn vị phát huy truyền thống tốt đẹp, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, vượt khó, nỗ lực phấn đấu hoàn thành trước thời hạn ít nhất nửa năm, đưa Nhà máy vào vận hành đầu năm 2023 để bổ sung nguồn điện quý giá cho đất nước, đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn, chất lượng, tuân thủ đúng các yêu cầu quy định.
Thủ tướng nhấn mạnh: "Phải an toàn tuyệt đối, an toàn lâu dài và phát triển bền vững, nhất là đối với vùng hạ du, không để bất cứ sự cố nào xảy ra trong điều kiện thời tiết cực đoan hiện nay".
Hai đường băng hơn 4.000 tỷ đồng
Cùng ngày tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải tổ chức Lễ khánh thành giai đoạn 1 Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư 2.015 tỷ đồng với mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 25R/07L và vuốt dốc vào các đường lăn nối W6, W4, NS1, E1; xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu, hệ thống thoát nước và các công trình phụ trợ đồng bộ.
Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 tiến hành sửa chữa đường băng 25R/07L, dài 3km, rộng gần 46m; 4 đường lăn nối E1, NS1, W4, W6 cùng các công trình phụ trợ. Trong giai đoạn 2. Dự án sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn lại, phấn đấu kết thúc trước 31/12/2021.
Trong khi đó, Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có tổng mức đầu tư 2.031 tỷ đồng, mục tiêu cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu...
Dự án cũng được chia thành hai giai đoạn, giai đoạn 1 tiến hành cải tạo 3.000m đường cất hạ cánh 1B và các đường lăn nổi, hệ thống thoát nước. Giai đoạn 2 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại của đường cất hạ cánh 1B và hoàn thiện đường 1A, các đường lăn nối, kết thúc trước dịp Tết Nguyên đán năm 2022.
Phát biểu tại Lễ khánh thành, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, việc đưa vào khai thác sử dụng để phục vụ các hoạt động khai thác bay là rất quan trọng, phát huy được hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và góp phần nâng cao năng lực khai thác, đáp ứng việc cất hạ cánh cho các loại tàu bay thế hệ mới như A350-900, B787-9, B787-10 với tải trọng lớn; đồng thời đảm bảo an toàn khai thác và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đảm bảo an ninh - quốc phòng.
Hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á
Sáng 11/1, Bộ Giao thông vận tải, TP Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên-Huế và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đã khánh thành, đưa vào khai thác hầm Hải Vân 2 dài hơn 6,2 km, là hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á.
Dự án Hầm đường bộ Hải Vân 2 nối TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế nằm trong dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả, bao gồm: Hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân 2, với tổng vốn đầu tư 26.154 tỷ đồng.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, có chiều dài phần hầm 6,2 km (2 làn xe rộng 7 m), đường dẫn phía Bắc 1,7 km và đường dẫn phía Nam 4 km. Hầm Hải Vân 2 được khởi công tháng 4/2016, gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn I nâng cấp đoạn tuyến Quốc lộ 1A qua đèo Hải Vân và nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 đã hoàn thành vào tháng 8/2017. Giai đoạn 2 thi công mở rộng ống hầm Hải Vân 2 (trên cơ sở hầm lánh nạn cũ) và đến tháng 9/2020 kết thúc thi công, vượt tiến độ 3 tháng.