MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023

Nhận định về 6 tháng cuối năm, các chuyên gia Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng triển vọng kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Theo đó, các chuyên gia CIEM đưa ra 3 kịch bản dự báo về phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm.

Kịch bản thứ nhất, giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021 - 2022.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - Ảnh 1.

Các chuyên gia CIEM đưa ra 3 kịch bản dự báo về phát triển kinh tế từ nay đến cuối năm. (Ảnh minh họa)

Kịch bản thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam.

Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản thứ ba, giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn…) và sự quyết liệt trong cải cách, điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.

Khi đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 3,72%

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023” của CIEM cũng cho thấy, trong bối cảnh kinh tế thế giới có khá nhiều yếu tố bất định trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã rất thận trọng trong dự báo, đánh giá các diễn biến lớn, bất thường. Chính phủ Việt Nam vẫn quyết tâm phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và không đặt vấn đề điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng của cả năm.

3 kịch bản tăng trưởng kinh tế cuối năm 2023 - Ảnh 2.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 3,72%. (Ảnh minh họa)

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM đánh giá, diễn biến kinh tế thế giới trong giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023 có khá nhiều gam màu khác nhau, trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện, kết hợp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.

Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện theo hướng tháo gỡ rào cản, vướng mắc về quy định. Dù còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã có sự cải thiện giữa các quý, đạt 3,28% trong quý I/2023 và 4,14% trong quý II/2023.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng đạt 3,72%. Sự phục hồi của khu vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch, có đóng góp quan trọng của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ năm 2022.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Có 75,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ 2022. Tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt 707,5 nghìn tỷ đồng, giảm 19,8%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 7,4%, đạt 37,7 nghìn doanh nghiệp”, CIEM nhận định.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại thời điểm 30/6/2023 đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn cùng kỳ 2022 (27,75%) và về số tuyệt đối cao hơn 65,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 43%) so với cùng kỳ 2022. Thu hút vốn FDI của Việt Nam ước đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3%, song phần vốn thực hiện của FDI tăng 0,5%.

“Có được kết quả ngày, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chú trọng công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế. Tư duy về cơ chế thử nghiệm cho một số ngành, lĩnh vực, và cơ chế đặc thù cho vùng, địa phương được cân nhắc tích cực hơn”, TS Trần Thị Hồng Minh nói.

Chính phủ cũng tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án không hiệu quả, các tổ chức tín dụng yếu kém; các vấn đề phát sinh trong cung ứng xăng dầu, trang thiết bị, vật tư y tế, điện, trái phiếu doanh nghiệp, hệ thống đăng kiểm; đẩy nhanh xây dựng các công trình hạ tầng giao thông và dự án quan trọng quốc gia; tìm kiếm cơ hội xuất khẩu; đẩy nhanh việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh và ngành;...

Quan trọng hơn, kinh tế Việt Nam bước đầu đã có những nỗ lực “chuyển đổi kép”, kết hợp giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhằm tạo động lực mới cho phục hồi kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng… ”, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Theo Phạm Duy/ VTC News

vtc.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên