3 lời khuyên của ông chủ tỷ phú đáng giá hơn tiền công 20 năm: Hiểu thấu đi góc bể chân trời không lo bị đào thải
3 lời khuyên quý giá đủ để đi góc bể chân trời mà không lo bị o ép, thiệt thòi.
01
Có câu chuyện thế này: Một người đàn ông ra ngoài làm thuê 20 năm, cuối cùng cũng muốn trở về nhà. Ông chủ của anh ta là một tỷ phú hỏi: "Anh muốn 20 năm tiền công hay muốn nhận 3 lời khuyên?".
Người đàn ông nói rằng ngày mai anh lên đường, do đó sáng mai sẽ trả lời có được không. Ông chủ đồng ý.
Đêm đó, người đàn ông không thể nào chợp mắt được, trằn trọc đến sáng. Anh tìm ông chủ và nói: "Tôi muốn 3 lời khuyên". Ông chủ nói:
Thứ nhất, chớ thử tìm con đường tắt khi không có khả năng: Trên đời không có việc dễ dàng, chỉ có bước từng bước vững chãi mới là phương pháp tốt nhất, bất kể là làm việc gì.
Thứ hai, chớ quá hiếu kỳ với những việc biết rõ không phải là việc tốt: Bởi vì có thể anh sẽ mất mạng vì nó.
Thứ ba, chớ ra bất kỳ quyết định gì khi đang xúc động: Nếu không, quyết định đó có thể trở thành mối ân hận suốt đời anh.
Nói rồi, ông chủ đưa cho người đàn ông ít tiền và 3 cái bánh mì, rồi căn dặn: "Cái bánh mì lớn nhất về đến nhà mới được ăn".
Dặn dò xong, ông chủ đưa cho người đàn ông ít tiền và 3 cái bánh mì.
Người đàn ông lên đường, anh đã đi mấy ngày trời. Anh lấy một cái bánh mì ra, ăn hết một nửa. Một lát sau anh đến một ngã ba đường. Anh hỏi thăm: "Xin hỏi về nơi này thì con đường nào ngắn hơn?".
Người đầu tiên khuyên: "Đi theo đường mòn gần hơn".
Người thứ hai lại nói: "Đi theo đường lớn an toàn hơn".
Anh nóng lòng gặp vợ, rẽ bước đi con đường mòn. Đi chưa được bao lâu thì nghe người đi đường nói, gần đó có cướp núi. Thế là anh liền nghĩ đến lời khuyên của ông chủ: "Chớ thử tìm con đường tắt" và quay lại đi theo con đường lớn.
Lại đi được mấy ngày, anh đã ăn một phần cái bánh mì thứ 2 rồi… Anh tìm đến một khách sạn cực rẻ để nghỉ đêm. Nửa đêm nghe thấy tiếng con gái khóc, anh không ngủ tiếp được. Anh ta trở dậy, quyết định ra ngoài xem sao. Lúc đó anh nghĩ đến lời khuyên thứ 2 của ông chủ: "Chớ quá hiếu kỳ những việc biết rõ không phải là việc tốt". Anh lại ngủ tiếp.
Hôm sau, lúc lên đường, chủ khách sạn kinh ngạc kêu lên: "Anh vẫn sống à?" Anh không hiểu, liền hỏi nguyên do. Chủ khách sạn nói, ông có cô con gái điên, khi phát bệnh thì khóc khiến người ta đi ra rồi giết hại. Khách trọ đêm qua chỉ có mình anh còn sống. Nghe chủ khách sạn nói xong, anh thở dài ngao ngán.
Lại đi mấy ngày nữa, chiếc bánh mì thứ 2 đã ăn hết rồi, mà nhà anh cũng không còn xa nữa. Anh càng thêm xúc động. Trời vừa mới tối được một lúc, anh đã về đến thôn của mình rồi.
Khi về đến nhà, vừa chuẩn bị gõ cửa bỗng nghe thấy có tiếng đàn ông trong nhà. Anh tức giận tột độ, rút con dao chẻ củi ra, chuẩn bị xông vào nhà giết chết gã đàn ông kia. Nhưng đúng lúc đó, anh nghĩ đến lời khuyên thứ 3 của ông chủ: "Chớ quyết định bất kỳ điều gì khi đang xúc động, có thể quyết định đó sẽ khiến anh ân hận suốt đời". Anh ta gắng trấn tĩnh lại, ngồi ngoài thềm nhà cả đêm.
Sáng hôm sau, còn rất sớm anh đã gọi mở cửa. Vợ anh thấy anh trở về vô cùng mừng rỡ. Nhưng anh lại lạnh lùng hỏi: "Người đàn ông kia là ai?". Vợ anh cười nói: "Là con trai của chúng ta đó…"
Lúc đó anh phát hiện ra một chàng trai trẻ tuổi, giống anh như đúc. Hai cha con lần đầu tiên gặp nhau, ôm nhau khóc…
Sau một hồi thân thiết quan tâm lẫn nhau, anh lấy ra chiếc bánh mì thứ 3 chuẩn bị cùng thưởng thức với vợ và con trai… Cắt bánh ra, anh phát hiện ra, toàn bộ khoản tiền công 20 năm ở trong chiếc bánh.
02
Lời bình:
1. Chớ thử tìm con đường tắt khi không có khả năng
Đích đến không phải một bước lên mây, mà là sự tiến bộ từng chút từng chút một, trải qua nhiều thăng trầm, vất vả mới đạt được. Người thành công là người thấu hiểu được áp lực, hiểu thấu nhân sinh, hiểu thấu khả năng của mình, nhẫn nại từng bước đi tới điểm cuối cùng. Dọc đường đi, có thể mỏi mệt nhưng không vì thế mà nao núng muốn lựa chọn một lối đi tắt khi chưa đủ sức lực và khả năng. Còn người thất bại là người luôn trốn tránh khó khăn, nóng vội truy cầu.
Sống trên đời này, điều cốt yếu là biết chính bản thân, năng lực của mình. Thấu hiểu được bản thân muốn gì, cần phải làm gì sẽ là động lực giúp bạn rút ngắn thời gian hoàn thành mọi mục tiêu và cũng là đòn bẩy để đưa ra những quyết định sáng suốt thay vì hao tâm tổn trí cho những điều viển vông, ngoài tầm với.
2. Chớ quá hiếu kỳ với những việc biết rõ không phải là việc tốt
Hiếu kỳ về những thứ không phận sự của mình là một tính xấu rất nhiều người mắc phải. Muốn loại bỏ tính khí xấu xí này, cần giữ cho mình sự bình tĩnh, bình tâm, sự trật tự, rành mạch, phong phú trong nội tâm. Là một sự tự kiềm chế bản thân không để tâm việc được mất, tốt xấu từ thế giới bên ngoài làm ảnh hưởng tới cách sống của bản thân. Loại bỏ tâm hiếu kỳ, giữ bản lĩnh bình tĩnh không chỉ là sự trầm tĩnh lặng lẽ, mà là một loại thần thái, là một loại trí tuệ và cao thượng mà mỗi người cần rèn luyện.
3. Chớ ra bất kỳ quyết định gì khi đang xúc động
Trong cuộc sống ta thường bắt gặp một số người chỉ gặp chút việc là nổi trận lôi đình hoặc buông lời nhục mạ. Nhưng cũng có một số người lại dùng tâm thái hết sức bình tĩnh để xử lý vấn đề, không sợ hãi trước vinh nhục. Đó là bởi tâm họ "tĩnh như nước", trầm ổn, bình thản khi đối diện với mọi biến thiên, tâm tính ôn hoà, nhu cương uyển chuyển.
Mọi quyết định đưa ra khi xúc động đa phần là những quyết định sai lầm. Người ta nói, điều quan trọng qua đêm hẵng quyết định, khi tức giận đừng nói gì cả. Nhưng đây là điều rất ít người có thể làm được. Một người không khống chế được cảm xúc của bản thân sẽ trở thành nô lệ cho cảm xúc, càng tức giận thì càng làm mọi chuyện trở nên rối rắm, đi vào ngõ cụt. Cái vòng luẩn quẩn ấy sẽ khiến họ càng thêm điên đầu. Những người biết giữ cảm xúc của mình ở mức trung tính, không oán không hận, không vui quá mức, không sầu quá đà, rằng chỉ khi giữ được tấm lòng bình lặng, thản đãng như mặt hồ thì mới có thể có đủ tâm tính làm việc lớn.
Trí thức trẻ