MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 lựa chọn cơ bản giúp nhà đầu tư lỡ mua đúng đỉnh xử lý tài khoản chứng khoán

3 lựa chọn cơ bản giúp nhà đầu tư lỡ mua đúng đỉnh xử lý tài khoản chứng khoán

Thua lỗ và liên tục "bắt dao rơi" với kỳ vọng bình quân giá đón sóng phục hồi sẽ khiến nhà đầu tư liên tục quay cuồng trong vòng xoáy mua mua, bán bán và thua lỗ hoàn thua lỗ.

Thị trường chứng khoán có phiên giao dịch đầy nhiễu động hôm nay với trạng thái bên mua, bên bán cạnh tranh khốc liệt sau khi VN-Index vừa đi qua phiên giảm 30 điểm (-2,3%) xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm. Cùng với phiên ngày thứ 6, thị trường chứng khoán Việt đã mất 75 điểm tức mất sạch thành quả tăng giá có được trong 1 tháng! Nhà đầu tư chứng kiến khá nhiều cổ phiếu tăng "nóng" đợt vừa qua lao dốc như nhóm cổ phiếu ngân hàng hay bluechips. 

Điểm đáng chú ý là đà giảm của thị trường diễn ra trong bối cảnh các chỉ số cũng như nhiều cổ phiếu đã có khoảng thời gian tăng dài trước đó. Chỉ 2 phiên giảm sâu, thành quả đầu tư của nhà đầu tư trong sóng tăng cuối tháng 7, đầu tháng 8 đã tan biến, thay vào đó là khoản lỗ khổng lồ cho những nhà đầu tư mua đúng đỉnh.

Bài viết này chúng tôi tổng hợp các bước cơ bản giới đầu tư thường dùng để xử lý tài khoản nếu không may mua cổ phiếu đúng vùng đỉnh giá và thua lỗ nặng nề.

Nguyên tắc số 1: Cutloss

"Nếu có một lỗ thủng trên thuyền, bạn không thể đục thêm một lỗ để thoát nước ra khỏi con thuyền đó". Việc thua lỗ sâu một khi đã xảy ra, bạn không thể liên tục đổ thêm tiền vào tài khoản với kỳ vọng lật ngược thế cờ. Chấp nhận cutloss (cắt lỗ), dành thời gian bình tĩnh nhìn lại và tìm kiếm cơ hội đầu tư mới luôn luôn là một quyết định sáng suốt.  

Nguyên tắc số 2: Giảm tỷ lệ vay nợ (margin) xuống mức thấp nhất, cơ cấu lại danh mục đầu tư

Nếu tình trạng thua lỗ chưa ở mức đáng ngại cho an toàn tài khoản hoặc chưa đến ngưỡng bắt buộc cắt lỗ, việc giảm tỷ lệ vay nợ xuống và tái cơ cấu danh mục đầu tư là điều nên làm. Với tỷ lệ nợ vay cao, một khi thị trường chứng khoán giảm tiếp thì áp lực lỗ lớn sẽ xảy ra và lúc đó bạn sẽ quay cuồng trong trạng thái chống cự. Vay vốn như con dao 2 lưỡi, khi tăng giúp bạn gia tăng lợi nhuận bao nhiêu thì khi giảm sẽ bào mòn tài khoản của bạn nhanh bấy nhiêu. Với bối cảnh thị trường rủi ro giảm điểm cao, việc giảm tỷ lệ vay nợ về mức thấp nhất luôn phải được ưu tiên hàng đầu.

Tái cơ cấu danh mục đầu tư, lựa chọn cổ phiếu giữ tiếp, cổ phiếu nên bán, tỷ lệ tiền mặt....cũng là điều quan trọng phải làm lúc này.

Nguyên tắc số 3: Bắt dao rơi rất rủi ro

Thị trường chứng khoán đã trải qua 2 phiên giảm sâu liên tiếp và phiên hôm nay là phiên hết sức "nhiễu' tín hiệu khi cả bên bán lẫn bên mua đều cho thấy khả năng chiến thắng trong thời gian tiếp đây. Việc hàng loạt cổ phiếu giảm sâu sau 2 phiên giảm sâu và nhịp giảm trong phiên hôm nay đã phần nào tạo sức hấp dẫn với những nhà đầu tư có đủ độ liều lĩnh để thực hiện bắt dao rơi. Tuy nhiên việc bắt dao rơi sẽ luôn dẫn đến 2 khả năng. Nếu thành công có thể sẽ mang lại lợi nhuận rất lớn cho nhà đầu tư. 

Nhưng trong trường hợp ngược lại, rất dễ dẫn nhà đầu tư quay trở lại cái vòng luẩn quẩn, giữa việc tiếp tục nắm giữ hay bán cắt lỗ. Vì vậy việc tham gia bắt đáy chỉ phù hợp với những ai có đủ tỉnh táo và khả năng chịu được rủi ro cao.

Thông thường để bắt chuẩn, nhà đầu tư cần quan tâm đến 2 vấn đề: lựa chọn đúng thời điểm và chọn đúng mã cổ phiếu. Thông thường, những nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ bắt dao khi thị trường đã có một giai đoạn giảm giá kéo dài và có dấu hiệu quay đầu tăng trở lại. Bối cảnh thị trường chung là quan trọng, bởi vì dòng tiền đầu cơ chỉ quay trở lại thị trường khi nhận thấy dấu hiệu đảo chiều và khả năng tăng trưởng.

Tín hiệu bắt đáy sẽ rõ ràng hơn khi thị trường chung đã giảm điểm mạnh nhiều phiên liên tiếp để rũ bỏ đi những người bi quan nhất ra khỏi thị trường. Tuy nhiên chúng ta không bắt con dao đang tiếp tục rơi, mà chỉ bắt khi nó có dấu hiệu"ngừng rơi". 

Bên cạnh việc chọn đúng thời điểm, thì điều quan trọng không kém là chọn đúng mã cổ phiếu. Việc lựa chọn cổ phiếu để bắt cần chú ý 2 điều: Đã giảm mạnh và hoạt động cơ bản của doanh nghiệp không có rủi ro lớn, cổ phiếu giảm mạnh đơn thuần do yếu tố kỹ thuật (thị trường chung, giải chấp…).

Phương Chi

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên