MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 lý do khiến lãi suất huy động tăng trở lại

14-01-2022 - 15:43 PM | Tài chính - ngân hàng

3 lý do khiến lãi suất huy động tăng trở lại

Theo dự báo của KBSV, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng định hướng hỗ trợ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn được duy trì trong năm 2022, tuy nhiên điều kiện khách quan không thuận lợi khi mà áp lực lạm phát là hiện hữu với kịch bản cơ sở lạm phát ở mức 3,8%. Do vậy, nhiều khả năng NHNN vẫn sẽ giữ nguyên các loại lãi suất điều hành, không có thay đổi trong kịch bản cơ sở, và tăng trưởng tín dụng mục tiêu đạt 14% tương đương mức tăng trong năm 2021

"Chúng tôi đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022", chuyên gia của KBSV cho biết. 

Nguyên nhân đầu tiền là do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh. Ngoài ra, lãi suất huy động tăng do nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa. Và thứ 3 là chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN. Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính Phủ (cụ thể Quốc hội thông qua gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên) khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Theo báo cáo, KBSV cũng cho rằng, nguồn cung ngoại tệ năm 2022 được dự báo tương đương mức đạt được trong năm 2021, nhờ hoạt động xuất khẩu hồi phục, trong khi dòng vốn FDI và kiều hối vẫn chảy đều về Việt Nam. Cụ thể hơn, dù chịu ít nhiều ảnh hưởng trong thời gian giãn cách khiến sản lượng xuất khẩu sụt giảm nhưng được bù lại bởi mức tăng của giá bán, theo đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt đạt 336.25 tỷ USD (tăng 19%), với cán cân thương mại đã thặng dư trở lại. Sang năm 2022, kì vọng sản lượng xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong khi giá bán ổn định hơn. Lĩnh vực sản xuất dần phục hồi hậu giãn cách, và nhu cầu tiêu thụ của người dân các nước gia tăng dịp cuối năm, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong các tháng tới để mang về nguồn ngoại tệ lớn. B

Bên cạnh đó, thống kê của World Bank cho thấy dù chịu tác động bởi tình hình dịch Covid-19, kiều hối về Việt Nam năm 2021 đạt kỉ lục 18,1 tỷ USD (tăng 7%), riêng thành phố Hồ Chí Minh (chiếm 30% lượng kiều hối cả nước) vẫn đạt mức cao 6,6 tỷ USD (tăng 20%) và được kỳ vọng tiếp tục chảy về trong các tháng tới nhờ 1) Kiều bào hỗ trợ người thân ở Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 2) Nhu cầu đầu tư ở Việt Nam lớn. Ngoài ra, dòng vốn FDI giải ngân được dự báo sẽ quay trở lại, khi niềm tin nhà đầu tư được cải thiện trong kịch bản dịch bệnh được kiểm soát. 

Thu Thủy

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên