3 lý do khiến "quả bom nợ" Evergrande sẽ không thể trở thành "khoảnh khắc Lehman" của Trung Quốc
Ngày càng có nhiều nhà phân tích đồng thuận rằng việc Evergrande của Trung Quốc vỡ nợ sẽ không gây ra sự sụp đổ dây chuyền như những gì mà Lehman Brothers của Mỹ tạo ra vào năm 2008.
- 22-09-2021Mua nhà được tặng túi Gucci, cam kết trả lãi tới 12%: Chiêu lừa đảo tinh vi của 'tập đoàn thích làm xe điện' Evergrande khiến 70.000 người sập bẫy
- 22-09-2021“Chúa nợ” tỷ đô Evergrande bất ngờ tuyên bố trả lãi trái phiếu nội địa đúng hạn
- 22-09-2021NHTW Trung Quốc bơm 19 tỷ USD trấn an các nhà đầu tư đang hoảng loạn vì "bom nợ" Evergrande
- 22-09-2021Tác động của vụ Evergrande đã vượt ra khỏi thị trường chứng khoán và vật liệu xây dựng, chảy sang VÀNG
- 22-09-2021Khi cả thế giới chịu đòn vì "quả bom nợ" Evergrande, chứng khoán Trung Quốc mở cửa trở lại sau 2 ngày nghỉ lễ với mức giảm nhẹ nhàng
Khi Chính phủ Trung Quốc có những động thái trấn áp hoạt động đầu cơ trên thị trường bất động sản, cổ phiếu của Evergrande - được niêm yết trên thị trường chứng khoán Hồng Kông - đã mất tới 90% giá trị kể từ tháng 7/2020. Riêng 5 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu này mất 20% giá trị. Các nhà đầu tư đang theo dõi xem Evergrande có thể trả hàng chục triệu USD tiền lãi cho trái phiếu bằng USD tới hạn trong hôm nay hay không.
Evergrande nắm giữ các tài sản vật chất
Quả bom nợ Evergrande khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động mạnh trong những ngày qua. Tuy nhiên, khi đề cập tới nguy cơ với kinh tế thế giới, các nhà phân tích đã chỉ ra khác biệt giữa Evergrande và sự sụp đổ của Lehman: Tập đoàn bất động sản Trung Quốc nắm giữ đất đai trong khi Lehman nắm giữ các tài sản tài chính.
Ông Rob Carnell, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại ING, nói rằng: "Evergrande có vấn đề về dòng tiền nhưng nói đó là rủi ro hệ thống có vẻ hơi quá lời. Hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Đây không phải là Lehman. Đây cũng không phải LTCM (quỹ phòng hộ Long-Term Capital Management của Mỹ từng sụp đổ trong những năm 1990 và gây ra phản ứng dây chuyền)".
Theo ông Carnell, Evergrande không phải quỹ đầu cơ với các vị thế đòn bẩy lớn hay một ngân hàng mà giá các tài sản tài chính có thể rơi về 0. Đây là một công ty bất động sản. Vấn đề của nó là nợ 300 tỷ USD.
Vị chuyên gia tin rằng, nếu Evergrande có lại dòng tiền vào các tài sản vật chất của mình, nó có thể hoàn thành các dự án, bán chúng và bắt đầu trả nợ. Ngày 22/9, công ty này thông báo họ sẽ trải lãi đúng hạn cho trái phiếu nội địa.
Larry Hu, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie, cho biết: "Evergrande đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thanh khoản dù nó sở hữu một quỹ đất lớn". Tài sản của nó là các dự án nhà ở và bất động sản trị giá khoảng 220 tỷ USD.
Trong khi đó, sự sụp đổ của Lehman Brothers dẫn tới sự đổ vỡ trong các công cụ tài chính phái sinh, chẳng hạn như Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng hay các nghĩa vụ nợ thế chấp, khiến cho thị trường nghi ngờ sức khỏe của các ngân hàng khác.
Trở lại với câu chuyện của Evergrande, quả bom nợ này khó có thể khiến giá đất giảm xuống. "Xét cho cùng, giá trị của đất chỉ đơn giản là minh bạch và ổn định hơn các công cụ tài chính. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Quốc, nơi đất đai phải được chính quyền địa phương cấp phép", ông Hu nói.
Chính vì vậy, nhà chức trách địa phương có thể ngay lập tức can thiệp để bình ổn giá bất động sản. Trong trường hợp xấu nhất, các địa phương có thể mua lại đất như cách họ đã làm trong năm 2014-2015.
Chính phủ kiểm soát mạnh mẽ
Một khác biệt quan trọng nữa chính là sự kiểm soát của Chính phủ với thị trường bất động sản Trung Quốc. Các nhà phân tích còn cho rằng, các ngân hàng và các tổ chức khác cũng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ. Ngay cả các nguồn tài chính ngoài quốc doanh ở Trung Quốc cũng được kiểm soát ở "một mức độ hiếm thấy so với bên ngoài".
Cổ phiếu Evergrande rớt thảm sau vài tháng.
"Sẽ không có chuyện phản ứng dây chuyền như khoảnh khắc Lehman", báo cáo của công ty phân tích China Beige Book nhận định.
Một ngày tháng 9 của 13 năm trước, ngân hàng lừng danh của Mỹ đã sụp đổ, kích hoạt quân domino đầu tiên trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lehman Brothers đã bảo lãnh lượng chứng khoán trị giá hàng chục tỷ USD với tài sản thế chấp rủi ro trong thời kỳ bong bóng thị trường nhà ở tại Mỹ. Cuối cùng, Chính phủ Mỹ buộc phải để Lehman Brothers phá sản trong nỗ lực cứu lấy các tổ chức tài chính khác.
Ở Trung Quốc, nước này cũng đã chấp thuận cho các doanh nghiệp quốc doanh phá sản khi làm ăn không hiệu quả. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể sẽ kiên nhẫn hơn với Evergrande bởi 2 mục tiêu là ngăn chặn những rủi ro quá mức và duy trì sự ổn định trên thị trường bất động sản.
"Các nhà hoạch định chính sách sẽ chọn phương án chờ đợi trước khi ra tay để đảm bảo việc tái cơ cấu diễn ra một cách trật tự. Sẽ khó có gói cứu trợ nào nhưng chính phủ có thể đảm bảo rằng những căn hộ đã nộp tiền sẽ được hoàn thiện và giao cho người mua nhà", ông Hu nói.
Thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã tái cơ cấu các doanh nghiệp khổng lồ như Anbang Insurance, Baoshang Bank, HNA Group và China Huarong Asset Management. Hệ thống ngân hàng Trung Quốc được cho có thể hấp thụ những chấn động ngay cả khi Evergrande vỡ nợ.
Trung Quốc có công cụ của riêng mình
Trong trường hợp của Evergrande, công ty này dường như có quan hệ trực tiếp với các nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn với nền kinh tế Trung Quốc. Ngân hàng Đầu tư UBS đang nắm giữ khoảng 9% trái phiếu bằng đồng USD của Evergrande, trị giá khoảng 19 tỷ USD. Báo cáo cho biết, tổng nợ 313 tỷ USD của Evergrande cũng chỉ chiếm 6,5% tổng nợ phải trả của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc.
Các nhà phân tích của UBS kỳ vọng Evergrande sẽ cơ cấu lại khoản nợ của mình và dự đoán giá trái phiếu sẽ phục hồi. Tuy nhiên, không phải không có khả năng điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra với doanh nghiệp này.
Gita Gopinath, chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM), nói rằng: "Trung Quốc có công cụ và không gian chính sách để ngăn chặn bom nợ Evergrande biến thành một cuộc khủng hoảng hệ thống".
Những tháng gần đây, Chính phủ Trung Quốc luôn kêu gọi ngăn chặn những rủi ro tài chính lớn. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có động thái chính thức nào liên quan tới bom nợ Evergrande. Thậm chí, nhà chức trách Trung Quốc còn tránh nhắc đến tên doanh nghiệp này.
Trong cuộc họp báo tuần trước, người phát ngôn Cục Thống kê Quốc gia cho biết Cục đang theo dõi khó khăn của một số công ty bất động sản lớn và tác động tiềm năng của nó với nền kinh tế nước này. Tên của Evergrande đã không được nêu ra.