3 mảnh ghép trong chiến lược tối ưu hóa chi phí sản xuất của Hòa Phát: Mỏ nguyên liệu - Cảng biển - Tàu vận chuyển
Trong giai đoạn từ 2019 đến nay, ngoài xây dựng nhà máy mới, Hòa Phát còn mua mỏ quặng trữ lượng 320 triệu tấn, đầu tư cảng biển gần 3.800 tỷ và sắm tàu 90.000 tấn.
- 01-06-2022Vốn hóa Hòa Phát, VPBank, Techcombank 'bốc hơi' mạnh nhất tháng 5, FPT, Vinhomes, GAS ngược dòng ấn tượng
- 31-05-2022Doanh nghiệp cung cấp sơn cho Hòa Phát, Hoa Sen đặt mục tiêu lãi trăm tỷ, chia cổ tức tiền mặt đều đặn 30% mỗi năm
- 28-05-2022Tại sao khi so sánh việc sử dụng tiền của Hòa Phát với Thế giới di động lại bị khập khiễng?
Chiến lược chủ động nguồn cung nguyên liệu chính bằng việc mua các mỏ ở nước ngoài
Quặng sắt là nguyên liệu đầu vào chính của các nhà máy luyện phôi thép, sự biến động của giá quặng sắt sẽ tác động không nhỏ tới giá phôi thép cũng như giá thép thành phẩm.
Là doanh nghiệp đầu ngành, công ty cổ phần tập đoàn Hòa Phát sở hữu quyền khai thác mỏ quặng tại Hà Giang với trữ lượng nửa triệu tấn/năm. Con số này quá khiêm tốn so với năng lực sản xuất ngày càng mở rộng của doanh nghiệp.
Mặc dù Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn quặng sắt phong phú với trữ lượng khoảng 1,3 tỷ tấn, song trong quá trình khai thác các mỏ lại gặp rất nhiều khó khăn.
Đối với những mỏ lớn như Thạch Khê đáp ứng được cho việc khai thác với công suất lớn thì lại gặp phải khó khăn về điều kiện tự nhiên của vùng và năng lực khai thác, công nghệ của các doanh nghiệp trong nước. Đối với những mỏ có trữ lượng nhỏ, chi phí khai thác cao tác động tới giá quặng cao hơn quặng nhập khẩu.
Hiện nay, để phục vụ cho ngành sản xuất thép trong nước, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn quặng sắt từ nước ngoài.
Cùng nhìn sang bối cảnh quặng sắt trên thế giới. Trung Quốc mặc dù là quốc gia sản xuất thép lớn nhất thế giới nhưng phần lớn nguồn quặng sắt phục vụ cho ngành sản xuất thép lại phải nhập khẩu, tới 85% sản lượng. Trong khi đó, Úc và Brazil không có trữ lượng quặng sắt nhiều như Trung Quốc, nhưng do đặc thù ngành sản xuất thép trong nước không phát triển nên sản lượng khai thác quặng sắt lại chủ yếu để xuất khẩu.
Tổng sản lượng xuất khẩu quặng sắt của Úc và Brazil chiếm đến 75% sản lượng xuất khẩu quặng sắt trên toàn thế giới.
Tháng 5 năm ngoái, Ủy ban Đầu tư nước ngoài Liên bang Úc đã chấp thuận phê duyệt hợp đồng mua 100% cổ phần dự án mỏ quặng sắt Roper Valley của công ty con tại Úc thuộc Tập đoàn Hòa Phát. Mỏ quặng sắt này có trữ lượng ước tính tới 320 triệu tấn.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, sau khi giao dịch hoàn tất, Hòa Phát sẽ là chủ sở hữu dự án quặng sắt Roper Valley với trữ lượng ước tính 320 triệu tấn, cho công suất khai thác khoảng 4 triệu tấn/năm.
Theo Tập đoàn Hòa Phát, giao dịch sẽ được tiếp tục hoàn tất sau khi Chính phủ Úc thông qua dự án tại mỏ quặng sắt Roper Valley - Ảnh: HPG
"Tập đoàn Hòa Phát tiếp tục nghiên cứu để đầu tư mua tiếp một số mỏ sắt mới tại Úc, nhằm đảm bảo về lâu dài nguồn cung ít nhất 50% nhu cầu quặng sắt của tập đoàn, tương đương 10 triệu tấn/năm", đại diện Hòa Phát thông tin.
Với con số 10 triệu tấn/năm như tại thời điểm đại diện DN phát biểu (chưa tính đến nhu cầu sẽ tăng khi Hòa Phát tiếp tục mở rộng sản xuất Hòa Phát Dung Quất 2, 3), mỏ quặng ở Úc có thể chủ động cung cấp được 40% nhu cầu nguyên liệu.
Theo đại diện Hòa Phát, nguyên liệu hiện cấu thành đến 30% giá thép bắt nguồn từ than luyện cốc đang được Hòa Phát nhập khẩu từ Úc - nơi cung cấp than luyện cốc lớn nhất thế giới.
Mở cảng nước sâu, đầu tư tàu phục vụ vận chuyển nguyên liệu - hàng hóa
Cảng Hòa Phát Dung Quất có tổng cộng 11 bến, trong đó bến 10 và 11 đón được tàu lớn nhất có trọng tải tới 200.000 tấn. Bến cảng tổng hợp – Container Hòa Phát Dung Quất được triển khai từ năm 2019 với tổng đầu tư là 3.774 tỷ đồng.
Hình ảnh tàu cập cảng Hòa Phát Dung Quất
6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng Hòa Phát Dung Quất đạt trên 12,7 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu 8,2 triệu tấn và sản lượng hàng lưu thông nội địa 4,5 triệu tấn.
Anh Trần Cao Luyện, Giám đốc Cảng Hòa Phát Dung Quất cho biết: Nếu tính từ năm 2019 khi Cảng Hòa Phát Dung Quất bắt đầu đi vào hoạt động đến nay, tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt trên 55 triệu tấn hàng hóa các loại.
Quặng và than là 2 mặt hàng được nhập nhiều nhất; Thép HRC, xỉ và hàng tổng hợp là những mặt hàng được xuất qua cảng Hòa Phát Dung Quất nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm.
Nguồn: HPG News
Nguồn: HPG News
Với 11 bến, Cảng Hòa Phát Dung Quất đem lại lợi thế rất lớn về logistic, giúp Hòa Phát dễ dàng nhập nguyên vật liệu với khối lượng lớn, đồng thời xuất hàng thành phẩm các loại cung ứng cho khu vực phía Nam và thị trường xuất khẩu một cách thuận lợi, nhanh chóng nhất.
Theo doanh nghiệp nhờ có cảng nước sâu, mỗi tấn nguyên nhiên liệu giúp Hòa Phát giảm 3-5USD/tấn, đây là lợi thế lớn vì nguyên liệu phải nhập hàng năm lên tới nhiều triệu tấn. Đơn cử như chỉ với mức nhập 10 triệu tấn quặng sắt/năm, chi phí tiết kiệm được 30 - 50 triệu USD/năm.
Mặt khác, Hòa Phát cũng dễ dàng xuất sản phẩm tới các thị trường phía Nam và xuất khẩu với chi phí vận chuyển rẻ hơn.
Không dừng lại ở cảng nước sâu, Hòa Phát còn đầu tư tàu chở hàng. Công ty cho biết, Hòa Phát có lượng chân hàng rất lớn, mỗi năm cần nhập hàng chục triệu tấn nguyên liệu quặng sắt, than, đá vôi, phế liệu…ở trong và ngoài nước để phục vụ sản xuất. Đây là lợi thế rất lớn để Hòa Phát sở hữu tàu và tham gia vào ngành vận tải biển, tối ưu chi phí vận chuyển cho Tập đoàn.
Cuối tháng 2/2021, Công ty CP Vận tải biển Hòa Phát đã hoàn thành mua và tiếp nhận hai chiếc tàu biển chở hàng rời cỡ lớn với trọng tải 90.000 tấn, hệ thống động cơ hiện đại và được đóng tại Nhật Bản. Các tàu này chuyên vận tải than và quặng sắt cho Tập đoàn.
Với trọng tải tới 90.000 tấn, tàu hàng rời cỡ lớn này sẽ giúp Hòa Phát chủ động trong vận tải nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh - Nguồn: Hòa Phát
Với quy mô sản xuất lớn và chiến lược tối ưu hóa đầu vào dựa trên việc chủ động đầu tư (nguyên liệu, vận chuyển) như hiện nay Hòa Phát đang giữ lợi thế lớn về giá thành sản xuất trong ngành.
Nhịp sống kinh tế