MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 ngân hàng tập trung tín dụng cho cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận

09-08-2019 - 14:54 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo Phó Thống đốc, chủ trương chung của NHNN là vẫn hạn chế các TCTD dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn vào các dự án bất động sản, các dự án BOT. Tuy nhiên, đối với những dự án giao thông quan trọng như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thì hệ thống NHTM vẫn đồng hành, cam kết tài trợ nguồn vốn đáp ứng kịp thời...

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc vốn cho Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và đại diện các NHTM (VietinBank, BIDV, Agribank) vừa diễn ra mới đây tại TP. Mỹ Tho, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú đã chỉ đạo các TCTD đang thu xếp vốn cho dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương, chủ đầu tư dự án để điều chỉnh, hoàn thiện các hồ sơ pháp lý nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hạ tầng quan trọng này.

Cụ thể, Phó Thống đốc xác định, dự án tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một dự án BOT trọng điểm đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhanh chóng tiếp tục triển khai. Việc đầu tư tài trợ vốn cho dự án này đối với ngành Ngân hàng nói chung và các NHTM có vốn Nhà nước nói riêng không chỉ đơn thuần là quan hệ tài trợ tín dụng thuần túy mà còn là trách nhiệm xã hội, trách nhiệm phát triển kinh tế của cả vùng ĐBSCL không chỉ riêng tỉnh Tiền Giang.

Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương chung của NHNN là vẫn hạn chế các TCTD dùng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung – dài hạn vào các dự án bất động sản, các dự án BOT. Tuy nhiên, đối với những dự án giao thông quan trọng, dự án kết nối hạ tầng liên vùng trọng điểm, cần thiết phải xây dựng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thì hệ thống NHTM vẫn đồng hành, cam kết tài trợ nguồn vốn đáp ứng kịp thời trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật.

Theo Phó Thống đốc, trong thời gian qua, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án, điều chỉnh các cấu phần tài chính và các phương án kinh doanh, thu hồi vốn cũng như xử lý các vướng mắc liên quan đến pháp lý đầu tư đã khiến dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận bị chậm tiến độ. Ở phía các NHTM tài trợ vốn, dù các hợp đồng tín dụng trước đây đã được ký kết, nhưng do thay đổi tổng mức đầu tư, do thay đổi phương án tài chính, do đó chưa đủ điều kiện, thủ tục để các đơn vị giải ngân cho chủ đầu tư.

Hiện phía các NHTM như VietinBank, BIDV, Agribank và liên danh các chủ đầu tư đã và đang bổ sung, thống nhất lại các điều khoản của hợp đồng tài trợ vốn. Trong bối cảnh nhiều dự án BOT trước đây đã kinh doanh không hiệu quả thậm chí thua lỗ thì việc các NHTM đặt ra những điều kiện rõ ràng cụ thể đối với các chủ đầu tư, nhất là vấn đề sử dụng vốn và tính toán các phương án thu hồi vốn là hợp lý và cần thiết. Các chủ đầu tư và các bên liên quan cũng cần hợp tác, sớm thống nhất với các NHTM trong các tính toán, quản trị rủi ro vốn này.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị TCTD đang thu xếp vốn cho dự án, đảm bảo những điều kiện pháp lý thuận lợi nhất để các đơn vị có thể nhanh chóng thống nhất, giải ngân các nguồn vốn đã cam kết cho vay đối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Việc tài trợ vốn cho dự án do các NHTM quyết định, chủ đầu tư thỏa thuận, thực hiện theo các quy định của pháp luật.

"Tuy nhiên, trong quá trình tài trợ vốn cho dự án nếu các NHTM có vướng mắc gì về pháp lý liên quan đến hoạt động ngân hàng như tính toán cân đối nguồn vốn, cân nhắc các ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay… thì cần báo cáo NHNN sớm để tìm giải pháp tháo gỡ" – Phó Thống đốc nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh Tiền Giang đã bàn giao được 96% mặt bằng cho DN để thực hiện dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Hiện, các vướng mắc pháp lý đối với dự án trước đây gây cản trở tiến độ thi công dự án cũng đã cơ bản được tháo gỡ. Theo đó, dự án đã loại bỏ các nhà đầu tư yếu kém về tài chính như Yên Khánh, Hoàng An, Thắng Lợi.

Sau khi Chính phủ giao dự án về UBND tỉnh Tiền Giang, địa phương đã phê duyệt điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi, điều chỉnh đơn giá vật liệu, lãi suất vay vốn và thống nhất nguồn vốn ngân sách Nhà nước dành cho dự án là 2.186 tỷ đồng. UBND tỉnh Tiền Giang mới đây cũng đã chi khoảng 260 tỷ đồng phục vụ cho khâu giải phóng mặt bằng. Tính đến nay, liên danh các chủ đầu tư dự án đã góp vốn và huy động vào dự án là 2.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu của DN là 1.542 tỷ đồng và huy động khác 924 tỷ đồng.

Dự kiến, ngay trong tháng 8 này, tỉnh Tiền Giang, CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận và các NHTM tham gia tài trợ vốn cho dự án sẽ hoàn thiện và ký thống nhất lại bản kế hoạch – phương án tài chính của dự án cho phù hợp với những pháp lý đã được điều chỉnh trong thời gian vừa qua. Đến cuối quý 3/2019 tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn thành bàn giao mặt bằng và hoàn thiện nốt các pháp lý cần thiết để CTCP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận tiếp tục triển khai dự án.

PV

Tài chính Plus

Trở lên trên