MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc TW vào 2030 đang có các chỉ tiêu kinh tế ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022?

3 tỉnh sẽ lên thành phố trực thuộc TW vào 2030 đang có các chỉ tiêu kinh tế ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022?

Theo quyết định 241/QĐ-TTg về kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc trong giai đoạn 2021-2030, Khánh Hòa, Bắc Ninh và Thừa Thiên Huế là 3 địa phương đang được định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong thời gian tới. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của 3 địa phương này đang có kết quả ra sao trong 9 tháng đầu năm 2022?

Khánh Hòa

Theo Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh - GRDP (theo giá so sánh 2010) 9 tháng đầu năm 2022 ước đạt 39.639,5 tỷ đồng, tăng 20,48% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua, trong đó GRDP phân theo ngành kinh tế tăng 22,08% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,41%.

Trong tổng mức tăng 20,48% của toàn tỉnh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,34%, làm tăng 0,18 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 25,23%, làm tăng 7,66 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 26,19%, làm tăng 11,83 điểm phần trăm.

Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm 2022 tăng 23,23% so cùng kỳ năm. Trong khi đó, chi ngân sách Nhà nước địa phương tăng 5,41%.

Về đầu tư phát triển, tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đầu tư phát triển theo giá hiện hành ước được 41.102,6 tỷ đồng, bằng 66,32% kế hoạch và tăng 14,13% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực vốn Nhà nước 10.352,1 tỷ đồng, chiếm 25,18% tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh và tăng 6,93% (vốn Trung ương quản lý 4.704,43 tỷ đồng; vốn địa phương quản lý 5.647,67 tỷ đồng tăng lần lượt là 7,18% và 6,72%); khu vực vốn ngoài Nhà nước 25.930,24 tỷ đồng, chiếm 63,09% và tăng 15,36%; khu vực có vốn đầu nước ngoài 4.820,26 tỷ đồng.

Bắc Ninh

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, trong quý 3/2022, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 2,55%. Trong 9 tháng năm 2022 (theo giá so sánh 2010), GRDP của tỉnh ước đạt 100.760 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng trưởng cao nhất trong 9 tháng đầu năm kể từ năm 2019 đến nay.

Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) giảm 0,01%; công nghiệp - xây dựng (CN-XD) tăng 8,92%, đóng góp 6,7 điểm phần trăm (riêng ngành công nghiệp tăng 9,64%, đóng góp 6,89 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ tăng 16,5%, đóng góp 2,9 điểm phần trăm và thuế sản phẩm tăng 2,32%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Tốc độ thu ngân sách Nhà nước có xu hướng giảm trong thời gian vừa qua bởi những chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022. Theo đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng năm 2022 không đạt tiến độ kế hoạch năm 2022, mới chỉ đạt 69,4%, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; tương tự, chi ngân sách Nhà nước địa phương đạt 56,8%, giảm 18% so với cùng kỳ 2021.

Về tình hình thu hút đầu tư FDI, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được về số lượng là 85 dự án FDI đăng ký cấp mới (giảm 12 dự án) so với cùng kỳ năm trước, với vốn đăng ký mới đạt 169,5 triệu USD (giảm 352,5 triệu USD).

Riêng trong tháng 9, Bắc Ninh đã cấp mới đăng ký đầu tư cho 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 21,7 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 08 dự án với số vốn điều chỉnh giảm 10,65 triệu USD; 4 lượt ra thông báo chấp thuận góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế với giá trị là 0,89 triệu USD; thu hồi 3 dự án với tổng vốn 8,95 triệu USD.

Thừa Thiên Huế

Theo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, trong 9 tháng đầu năm 2022, GRDP (theo giá so sánh 2010) của tỉnh ước tăng 8,04% so với cùng kỳ năm 2021.

Thu ngân sách Nhà nước 9 tháng ước đạt 9.103 tỷ đồng (số liệu cập nhật đến ngày 26/9/2022), vượt 32,7% dự toán và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa 8.603 tỷ đồng, vượt 34,6% dự toán và tăng 19,2% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 470 tỷ đồng, vượt 2,2% dự toán và tăng 15% so với cùng kỳ; thu viện trợ, huy động đóng góp 30 tỷ đồng, gấp 2,7 lần dự toán, giảm 74,2% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách địa phương ước đạt 7.783 tỷ đồng, bằng 65,3% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2.579 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, chi thường xuyên 5.140 tỷ đồng, bằng 69,7% dự toán.

Về tình hình thu hút đầu tư, báo cáo cho biết, tính đến 21/9/2022, địa phương đã cấp phép cho 24 dự án cấp mới, với tổng vốn đầu tư cấp mới đạt 12.189,4 tỷ đồng (gồm 4 dự án FDI vốn đăng ký 257,17 triệu USD, tương đương 5.286,71 tỷ đồng). Trong đó, địa bàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp cấp 9 dự án với tổng vốn đầu tư 2.970 tỷ đồng. Đã cấp điều chỉnh cho 16 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn đầu tư 5 dự án, vốn đầu tư tăng thêm 521,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có 7 dự án được cấp quyết định chủ trương và đang lựa chọn nhà đầu tư với tổng vốn kêu gọi đầu tư trên 3.523 tỷ đồng

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên