MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 năm xuất khẩu gạo và vai trò ổn định thị trường của Chính phủ

29-04-2019 - 13:15 PM | Thị trường

Tính đến 31/10/2012 Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới...

Từ năm 1989 đến 2019, tròn 30 năm hạt gạo Việt Nam góp mặt vào thị trường toàn cầu, chấm dứt thời kỳ thiếu gạo, chuyển sang xuất khẩu. Giai đoạn 1976 - 1987, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo của các nước trong đó có Indonesia cho tiêu dùng trong nước, nhưng đến năm 1989 chúng ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo. Dần dà ngành gạo xuất khẩu vươn mình lớn mạnh, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu lớn trên thế giới. Sự chuyển mình của ngành lúa gạo Việt Nam được cả thế giới nhìn nhận và xem như một kỳ tích!

Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu của thế giới. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là châu Á, trong đó, Trung Quốc và Philippines là 2 thị trường chính của xuất khẩu gạo.

Vươn mình như "Phù Đổng"

Việt Nam sản xuất trung bình khoảng 26 - 28 triệu tấn gạo/năm, sau khi dành cho tiêu thụ trong nước, khối lượng gạo xuất khẩu khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo/năm, trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước.

Cao điểm năm 2012, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đã thật sự bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục xuất khẩu đạt 7,72 triệu tấn gạo. Tính đến 31/10/2012 Việt Nam đã là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mặc dù năm 2012, được dự báo là năm xuất khẩu gạo đầy khó khăn, bởi sự cạnh tranh rất gay gắt của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, mặc dù gạo Việt Nam đã có mặt tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường đòi hỏi chất lượng cao song năng lực tiếp cận, xâm nhập thị trường, ký kết hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn còn khá hạn chế. Các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng tại các nước biết đến.

Với tuổi 30 tràn đầy sức sống và có đủ kinh nghiệm để tiến xa hơn nữa. Tuy nhiên, do tác động biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn mặn, cùng với đó là tình hình thế giới đang đặt ra một số thách thức với ngành lúa gạo Việt Nam. Nhiều nước có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo, hạn chế nhập khẩu. Một số nước áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất gạo để nâng cao năng suất. Điều này khiến thị trường lúa gạo cạnh tranh rất gay gắt.

Trong thời điểm tháng cuối tháng 1 và 2/2019, giá lúa gạo trong nước có xu hướng giảm do tác động cộng gộp của một số nguyên nhân chủ yếu như tín hiệu thị trường nhập khẩu chưa rõ ràng, trong khi nguồn cung vụ đông xuân dồi dào, khiến giá gạo xuất khẩu giảm mạnh kéo theo lúa giảm từ 800-1.000 đ/kg so cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, ngày 26/2/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôntổ chức "Hội nghị thúc đẩy sản xuất tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long", do Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì.

Trong tháng 3, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng trong bối cảnh chương trình thu mua tạm trữ 200 ngàn tấn gạo, 80 ngàn tấn lúa vụ đông xuân đang diễn ra. Hoạt động mua bán lúa những ngày này cũng tất bật hơn. Tuy nhiên, tuần cuối tháng xu hướng tăng giá có phần chững lại mặc dù các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tích cực mua vào.

Ổn định thị trường và vai trò của Chính phủ

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2019, ước đạt 618 ngàn tấn với giá trị đạt 255 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,017 triệu tấn và 862,2 triệu USD, giảm 7,76% về lượng và giảm 25,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Phân tích tình hình thị trường lúa gạo trong nước, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Intimex Group, cho rằng mặt hàng gạo có một câu chuyện rất hay đó là khi thị trường xuống giá, từ nông dân đến doanh nghiệp tỏ ra hoảng hốt lo lắng nhưng khi Thủ tướng yêu cầu mua dự trữ quốc gia, chỉ trong vòng mấy ngày giá lúa gạo đã tăng ngay trong khi hàng không bán đi đâu.

Câu hỏi đặt ra là tại sao giá gạo lại lên như vậy và chiến lược kinh doanh ở đây và bản chất hàng hóa là gì? Có vẻ như mọi người bị ảnh hưởng bởi những thông tin sai lệch. Ví dụ, trong giai đoạn đó có thông tin thị trường Trung Quốc chưa triển khai mua gạo từ Việt Nam, dẫn đến một số các nhà cung ứng đặt hàng với dân rồi "xù" không nhận hàng.

Ngoài ra, do đầu năm thời gian nghỉ Tết kéo dài, cộng với thị trường đang trầm lắng các doanh nghiệp có tâm lý muốn nghỉ ngơi chưa quan tâm đến việc mua hàng hỗ trợ nông dân. Đến khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ mua dự trữ quốc gia, họ mới buộc phải nhảy vào cùng mua, cộng với sự động viên và niềm tin của Chính phủ, sự hỗ trợ của các ngân hàng giá lúa lập tức tăng trở lại, suốt từ thời điểm đó đến nay giá lúa vẫn giữ mức ổn định. Qua đó cho thấy khi có chỉ đạo của Thủ tướng cùng nỗ lực của doanh nghiệp lập tức thay đổi được thị trường.

Hiện nay, có thông tin giá lúa gạo đang xuống nhưng thực ra ở các khu vực đều có những khó khăn nhất định. Ví dụ, Thái Lan đang không có đủ gạo để giao cho khách hàng, hoặc chính phủ Philippines đang mở cửa cho tư nhân nhập khẩu gạo và chỉ đánh thuế, như vậy các hàng hóa của Việt Nam đi vào Philippines sẽ rất thuận lợi.

Trung Quốc bắt đầu mở cửa mua gạo trở lại, và 22 doanh nghiệp có tên trong danh sách xuất khẩu gạo vào Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu gạo trở lại, cộng với một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng với giá tương đối thấp, bây giờ phải mua để giao hàng và buộc phải đẩy giá lên để mua vào, làm cho thị trường gạo trong nước tăng giá lên.

Bên cạnh đó, diện tích sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thu hẹp, sản lượng lúa gạo ở đây giảm nhiều, trong khi nhu cầu đang tăng nhưng nguồn cung giảm sẽ giúp cho giá gạo tăng trở lại, đó là những mặt tích cực phải tiếp tục duy trì.

"Qua đó cho thấy, sự phối hợp giữa Chính phủ với thị trường và việc các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua đã làm thị trường ổn định hơn. Để tránh rủi ro như đầu năm 2019, hàng năm chính phủ nên có chính sách và chiến lược ngay từ đầu năm", ông Nam khẳng định.

Bài học năm nay có rất nhiều điều khiến mọi người lưu ý, ai cũng nghĩ giá lúa gạo xuống và đã xuống thật nhưng khi Chính phủ can thiệp thì giá lúa lại tăng lên và lên rất tốt. Hiện nay xuất hiện người mua ngày càng nhiều, không riêng gì Trung Quốc, Philippines mà các thị trường châu Phi cũng đồng loạt nhảy vào nên thị trường gạo khá sôi động.

Ngành gạo hội nhập sớm

Nhân kỷ niệm ngày miền Nam giải phóng, hãy cùng nhau "ôn cố tri tân" để hiểu sâu hơn về quá trình phát triển của ngành hàng lúa gạo!

Năm 1989, Việt Nam xuất khẩu những lô hàng gạo đầu tiên. Ngày 7/11/2006, Việt Nam được kết nạp vào Tổ chức thương mại thế giới (WTO), lúc ấy có nhiều người tỏ ra lo lắng khi các doanh nghiệp trong nước đang "chập chững" bước vào sân chơi quá lớn, quá lạ lẫm của thế giới, nhất là đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Thế nhưng GS.TS. Bùi Chí Bửu, bấy giờ là Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam đã rất tin tưởng vào mặt hàng gạo khi khẳng định: "Trong khi doanh nghiệp trong nước vẫn chưa có khái niệm gì về thương mại thế giới thì ngành gạo đã hội nhập từ rất sớm và tôi tin tưởng xuất khẩu gạo sẽ thành công ở sân chơi này".

Quả đúng như nhận định của ông Bửu, ngành gạo đã hội nhập rất thành công. Tuy nhiên, để có được thành tựu hôm nay, xuất khẩu gạo cũng đã nếm trải không ít thăng trầm và người đứng đầu ngành lương thực lúc ấy đã chịu rất nhiều búa rìu dư luận.

Ông Trương Thanh Phong, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, những năm 1986 - 1987, Việt Nam còn phải nhập khẩu gạo Indonesia cho tiêu dùng trong nước, nhưng đến năm 1989 đã có gạo xuất khẩu.

"Khi đó tôi đang làm Phó giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang và bắt đầu làm quen với thương mại gạo. Lúc ấy miền Bắc thiếu gạo thay vì chở gạo từ trong Nam ra, chúng ta lại nhập khẩu gạo thẳng về miền Bắc, còn gạo thừa trong miền Nam thì xuất khẩu để thu ngoại tệ. Nhờ vậy, chúng ta đã biết thế nào là xuất khẩu gạo và có được chút ít kinh nghiệm về thương mại và chế biến gạo xuất khẩu. Khi đó Việt Nam chỉ xuất khẩu loại gạo 25% tấm vào các thị trường châu Phi và châu Á. Từ những kinh nghiệm thực tế trên thương trường tôi đã đúc kết lại và nâng dần lên, sau đó phổ biến cho các đơn vị", ông Phong nhớ lại.

Tuy nhiên, năm 1992, Công ty Lương thực Tiền Giang bán 16.000 tấn gạo cho Rumani trị giá 4.016.000 USD (giá CNF). Để có đủ 16.000 tấn gạo, VFA đã huy động 3 công ty lương thực: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Khi tàu gạo sang tới Rumani, họ bắt lỗi bộ chứng từ của chúng ta có 9 lỗi nên không chịu thanh toán tiền, còn gạo họ đã nhận hết. Vụ kiện tụng này VFA phải theo gần 2 năm trời.

Đấy là sự kiện đáng nhớ trong lịch sử phát triển của ngành gạo xuất khẩu, và để phổ biến kiến thức này các trường đại học kinh tế đã mời ông Phong đến chia sẻ những kinh nghiệm cũng như kiến thức về thương mại quốc tế.

Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Sản xuất lúa gạo còn gặp nhiều rủi ro do thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt.

Lúa gạo tiếp tục đóng vai trò quan trọng đối với an ninh lương thực quốc gia trong điều kiện dân số tăng, đất nông nghiệp giảm do công nghiệp hóa, đô thị hóa và tác động của biến đổi khí hậu. Nhu cầu tiêu thụ và giá gạo thế giới tăng do tăng dân số toàn cầu và sử dụng vào các mục đích khác, nhưng người làm ra hạt gạo hưởng lợi nhuận thấp nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng. Đây là vấn đề mà Chính phủ và các ngành hữu quan đang tìm giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay...

Theo Nguyễn Huyền

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên