“30 tuổi, không đủ giàu để mua chung cư nhưng cũng chẳng đủ nghèo để mua nhà ở xã hội”
Khủng hoảng tuổi 30 đôi khi gói gọn trong một câu hỏi: “Đến bao giờ mình mới mua được nhà?”.
- 24-06-2024Chi 3,5 tỷ mua chung cư tầng 4, người phụ nữ tiếc vì không biết 4 điều này sớm hơn
- 19-06-2024Chấp nhận mua chung cư hướng Đông dù giá đắt hơn, người đàn ông hối hận: Biết vậy mua căn hướng Tây
- 02-06-2024Thu nhập 15 triệu/tháng ở Hải Phòng thì nên mua chung cư hay nhà đất?
Người trẻ mới ra trường, không dám nghĩ tới chuyện mua nhà đã là một lẽ; đằng này, ngay cả những người đã có thâm niên “lăn lộn” trong thị trường lao động, cũng không khá hơn là mấy. Cứ nghĩ tới chuyện mua nhà là cơ mặt không giãn ra nổi.
Bản thân thu nhập không cao, bố mẹ cũng không “đủ lực” để hỗ trợ mình hiện thực hóa giấc mơ có nhà riêng, nhiều người đành đặt trọn ngôi sao hy vọng vào chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội. Suy cho cùng, ngân sách có hạn, chẳng dám “với” tới chung cư cao cấp hay nhà mặt đất, âu cũng là lẽ dễ hiểu.
Hụt hẫng vì nhận ra bản thân… không đủ nghèo để được mua nhà ở xã hội
Ngày 29/7 vừa qua, quy định mới về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội được công bố. Theo đó, người muốn thuê hoặc mua nhà ở xã hội phải cùng lúc thỏa mãn 2 điều kiện dưới đây:
Điều kiện về nhà ở: Chưa có nhà, hay nói cách khác là không có tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - nơi có dự án nhà ở xã hội, tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thuê/mua nhà ở xã hội.
Điều kiện về thu nhập: Thu nhập thực nhận không quá 15 triệu/tháng với người độc thân; không quá 30 triệu/tháng với những người đã kết hôn (tổng thu nhập của 2 vợ chồng). Thời gian xác định điều kiện về thu nhập là 1 năm liền kề, tính từ thời điểm nộp hồ sơ đăng ký thuê/mua nhà ở xã hội.
Với quy định mới được công bố này, nhiều người có mức thu nhập “nửa chừng xuân” không thể tránh khỏi cảm giác hoang mang, hụt hẫng. Lý do cũng không có gì khó hiểu: Thu nhập không đủ cao để mua được chung cư, nhà đất; nhưng cũng chẳng đủ thấp để được mua nhà ở xã hội.
Thu Phương (35 tuổi, đã lập gia đình) hiện đang sống ở Hà Nội, và Thu Trang (31 tuổi, độc thân) hiện đang sống ở TP.HCM là hai trong số đó.
“Chưa bao giờ mình thấm thía câu nói cao không tới, thấp không thông như bây giờ. Hai vợ chồng mình thu nhập một tháng rơi vào khoảng 34-36 triệu. So với mặt bằng chung thì đây cũng không phải mức thu nhập thấp, nhưng thực tình mà nói, chừng đó tiền mà nuôi 1 bé mẫu giáo, 1 bé học cấp 1 ở Hà Nội; đồng thời chu cấp cho ông bà nội ở quê, vì ông bà không có lương hưu, thì tính ra mỗi tháng chẳng dư được bao nhiêu. Có tháng còn tiêu hết sạch luôn ấy.
Nếu đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, vợ chồng mình vẫn phải vay ngân hàng thêm một ít. Còn giờ, thực tình không biết đến lúc nào mới đủ tiền mua nhà nữa” - Thu Phương chia sẻ.
Dù chưa lập gia đình, chưa có áp lực phải chăm lo tiền bỉm sữa, học hành cho con, nhưng Thu Trang cũng canh cánh nỗi lo tương tự như bà mẹ 2 con Thu Phương.
Cô cho biết: “Đọc quy định về điều kiện hỗ trợ chính sách mua nhà ở xã hội mới được công bố xong, mình thấy hụt hẫng lắm. Thu nhập trung bình 1 tháng của mình rơi vào khoảng 15,2 - 15,6 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập tối đa trong quy định có vài trăm ngàn thôi mà thành ra vuột mất luôn cơ hội mua nhà rồi. Lúc ấy mình đã buột miệng ước giá như thu nhập mình thấp hơn một chút thì biết đâu… Mà nghĩ thế xong mình cũng tự thấy bản thân dở hơi. Nói chung mình cũng chẳng biết nên nghĩ hay nên tính sao nữa”.
Tạm gác lại chấp niệm mua nhà, tự an ủi bản thân “thôi đủ sống là may rồi”
Không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, cả Thu Phương và Thu Trang đều cho biết hiện tại, họ không tính tới chuyện mua nhà ở thành phố nữa, vì quá nặng đầu, quá mỏi mệt và áp lực rồi.
“Vợ chồng mình lấy nhau được 8 năm, cả hai cũng nỗ lực tiết kiệm lắm. Nhưng thú thật là số tiền hiện có của chúng mình chỉ là số lẻ, giống như muối bỏ bể với giá BĐS hiện tại thôi. Cố chấp mua nhà ngay bây giờ thì có rất nhiều bất cập.
Nhà mình 4 người, nếu mua thì ít nhất cũng phải mua một căn chung cư 2 phòng ngủ khoảng 70m2, để sau này 2 con lớn còn có 1 phòng riêng. Còn nhà đất thì thôi luôn, chúng mình không dám nghĩ tới.
Với diện tích mong muốn như vậy, thì các dự án ở ngoại thành, xa trung tâm Hà Nội cũng tầm 2,8 - 3 tỷ là thấp nhất. Chấp nhận mua chung cư không sổ hồng thì rẻ hơn nhưng lại rủi ro quá.
Lãi vay mua nhà đang thấp nhưng chỉ được 3 năm đầu, những năm sau thả nổi, cũng không biết thế nào. Chưa kể nếu bây giờ cố chấp vay tiền mua nhà mà không may bị giảm thu nhập thì tội các con. Mình và chồng thì thế nào cũng sống được thôi, nhưng chúng mình không muốn con để con bấp bênh theo bố mẹ. Nên thôi, thuê nhà cũng được, trước mắt là thế. Chứ cứ nghĩ mãi chuyện mua nhà, thú thật là không khác nào tự đày ải tinh thần của bản thân” - Thu Phương chia sẻ.
Thu Trang cũng có suy nghĩ tương tự. Dù trước đây, mục tiêu của cô là phải có được nhà trước khi có con, nhưng đến giờ này, Thu Trang chấp nhận việc ấy không còn khả thi nữa. Thay vào đó, cô đành tự chấn an bản thân bằng lối tư duy khác, thay vì chăm chăm vào mục tiêu mua nhà.
“Còn sức kiếm tiền, tự lo cho bản thân và có một khoản dự phòng, đủ để thuê nhà trong vòng 4 năm tới, mình nghĩ cũng là điều đáng trân trọng, đáng biết ơn rồi. Hơn nữa, ở cái tuổi 31 này, mình nhận ra nếu cứ cố chấp với mục tiêu mua nhà thì có thể sẽ lỡ mất cơ hội thực hiện mục tiêu khác, quan trọng không kém trong cuộc đời một người phụ nữ.
Thế nên mình vẫn sẽ nỗ lực làm việc kiếm tiền và tiết kiệm tối đa vì “mục tiêu khác” ấy, chứ không quá bám chấp với việc phải mua được nhà nữa” - Thu Trang bộc bạch.
Vậy mới thấy, khủng hoảng tuổi 30 đôi khi gói gọn trong một câu hỏi “Đến bao giờ mình mới mua được nhà?”. Có lẽ, cách duy nhất để thoát khỏi cảm giác chênh vênh, dập tắt sự dày vò phán xét “mình kém cỏi”, chính là học cách hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Chẳng phải mình còn khỏe, còn có sức kiếm tiền, còn có thể tự lo cho bản thân một cuộc sống đủ đầy cũng là điều rất đáng biết ơn, rất đáng trân trọng rồi hay sao?
Nhip sống thị trường