MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

30 tuổi tài khoản tiết kiệm bằng 0: Cứ tiêu bạt mạng rồi lại còng lưng kiếm tiền – vết xe đổ quen thuộc nhưng chẳng đàn ông nào chịu tránh

10-10-2020 - 21:49 PM | Sống

Đàn ông nhiều người có thể phô trương khả năng kiếm tiền đỉnh cao của mình nhưng cũng không ít người mắc phải những sai lầm trong quản lý chúng. Mà đáng sợ nhất là phong cách "Cứ tiêu bạt mạng rồi lại còng lưng kiếm tiền". Đây là vết xe đổ quen thuộc nhưng chẳng đàn ông nào chịu tránh.

30 TUỔI – TÀI KHOẢN TIẾT KIỆM BẰNG 0

Thái (bạn tôi), hiện đang là trưởng phòng sáng tạo của một công ty truyền thông có tiếng tại Hà Nội, khỏi phải nói, mức lương mà cậu ấy nhận được thông qua các dự án, đó luôn là con số mơ ước của rất nhiều người. Nhưng do tính chất công việc, cộng với việc bản thân cậu ấy luôn muốn mình được "mới" trong mắt nhân viên và bạn bạn bè, chính vì thế số tiền hàng tháng mà cậu ấy đầu tư vào quần áo, giày dép, thiết bị công nghệ (hàng hiệu) không phải là một con số nhỏ. Là bạn lâu năm và thân thiết với cậu ấy, ít nhất có hai lần tôi được chứng kiến cậu ấy tiêu "hết sạch" số tiền trong tài khoản vì những sở thích cá nhân.

Tôi đã từng phải thốt nên "Trời ơi, tại sao lại có thể như thế?" khi lần đầu cậu ấy ngỏ ý vay tiền tôi để lo việc gia đình. Và đây cũng không phải lần đầu tiên tôi cảnh báo về cách chi tiêu không kiểm soát của cậu ấy, nhưng mọi chuyện chỉ dừng lại ở thời điểm ấy mà thôi. Tôi thừa hiểu chỉ cần một hãng thời trang nào tung ra bộ sản phẩm mới, hãng công nghệ nào sắp cho ra mắt "siêu phẩm", hay là bất kể một điều gì mà cậu ấy cảm thấy thích… thì cho dù số tài khoản trong thẻ hiện tại có âm đi chăng nữa cậu ấy cũng phải săn lùng bằng được để thỏa mãn cái niềm đam mê hiện có của mình.

Xã hội hiện nay không thiếu những người trẻ sống theo phong cách như vậy. Họ quan niệm cuộc sống là để trải nghiệm, hưởng thụ, biết ngày mai ra sao mà hôm nay không hết mình, không thưởng cho bản thân những điều tốt đẹp nhất có thể.

30 tuổi tài khoản tiết kiệm bằng 0: Cứ tiêu bạt mạng rồi lại còng lưng kiếm tiền – vết xe đổ quen thuộc nhưng chẳng đàn ông nào chịu tránh  - Ảnh 1.

QUẢN LÝ TIỀN BẠC – ĐỪNG COI THƯỜNG THÓI QUEN NHỎ

Ngoài 30 tuổi, sau bao nhiêu năm lăn lội và cố gắng, ngoài địa vị đang có, gia tài lớn nhất của Cảnh hiện tại đó chính là những chuyến du lịch tùy theo cảm hứng, tên những địa điểm ăn chơi sang trọng, và một tủ sưu tập nước hoa đắt tiền mà cậu ấy luôn dày công tìm kiếm. Để rồi khi chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất của cuộc đời (cưới vợ) cậu ấy hoàn toàn bị động và không thể kiểm soát được mọi thứ chi phí phát sinh trong sự kiện quan trọng nhất đời mình. Tiền xin cưới, tiền sắm sửa đồ dùng, tiền mời cỗ hai bên nội ngoại… Đáng nhẽ ra, số tiền ấy với mức lương như Cảnh thì sẽ hoàn toàn dư giả để chuẩn bị cho ngày vui được tươm tất nhất, nhưng vì còn ham chơi, còn muốn tận hưởng hết những thú vui mà cuộc sống đem lại nên bây giờ mới rơi vào trạng thái này.

Tôi hiểu đàn ông khi chưa vợ sẽ luôn được tự do làm những điều mình muốn, thỏa thích "vung tiền" mà chẳng hề thấy đau tay miễn điều ấy có thể làm cho họ vui, nhưng họ chưa nhận thức được rằng, ẩn sau lớp vỏ ấy sẽ luôn là những nguy cơ tiềm ẩn sẽ ập đến bất cứ lúc nào mỗi khi có biến cố ập đến bất ngờ.

Sống ở trên đời, cái gì cũng đều có nguyên tắc riêng của nó, nếu bạn tuân thủ và làm theo đúng nguyên tắc ấy, bạn sẽ phát triển. Ngược lại, nếu như bạn luôn đi ngược với các nguyên tắc ấy, bạn sẽ rơi vào trạng thái mất kiểm soát. Trường hợp của Cảnh hay Thái chỉ là "đại diện" cho rất nhiều trường hợp khác mà tôi được biết và tiếp xúc hàng ngày. Đặc điểm chung của họ là kĩ năng kiếm tiền rất ổn, nhưng yếu điểm chết người của họ lại là tư tưởng "tiêu tùy thích-hết lại kiếm vì đời được mấy".

Người ta đánh giá cao ở một người đàn ông có khả năng biết kiếm tiền, nhưng sẽ "nể phục" hơn khi người đàn ông đó vượt qua được cám dỗ và giữ được nhiều nhất số tiền mà mình kiếm được. Bề ngoài dù có hoàng nhoáng đến mấy nhưng bên trong không đủ kiên cố, bạn sớm muộn cũng sẽ bị gục ngã bởi những hệ quả mà bản thân mình đang gián tiếp gây ra, vì lẽ đó hãy luôn tỉnh táo trước mọi lời mời cám dỗ từ lương tâm, từ xã hội. Hãy học cách trân quý đồng tiền và sử dụng chúng một cách đúng đắn nhất nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho mình, bởi khi bạn hiểu và quản lý được dòng tiền của cá nhân mình bạn với có thể kham và đảm nhiệm được nhiều công việc lớn lao hơn trong những dự định sắp tới của bản thân.

Theo Phạm Ngọc Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên