MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

300 năm lịch sử các NHTW: Ôm mộng "chính sách độc lập"

07-05-2017 - 08:00 AM | Tài chính quốc tế

Sự độc lập mà các chính trị gia trao cho họ giống như một ngọn đèn trước gió có thể phụt tắt bất cứ lúc nào. Lúc khủng hoảng, các chính trị gia phải dựa vào các NHTW nhưng khi nền kinh tế phục hồi, họ lại bực dọc với những biện pháp kìm hãm mà các NHTW đặt ra.

Như đã nói ở bài trước, chiến tranh thế giới thứ nhất chính là đòn đánh đầu tiên mà chế độ bản vị vàng phải hứng chịu, báo hiệu cho sự sụp đổ của 1 hệ thống mà người ta từng tôn thờ...

Nỗ lực khôi phục chế độ bản vị vàng thất bại

Tái thiết hệ thống tài chính toàn cầu sau khi chiến tranh kết thúc là 1 công việc rất phức tạp bởi nó liên quan đến những khoản tiền bồi thường chiến tranh (đối với Đức) và những khoản nợ mà các đồng minh nợ Mỹ. Các khoản nợ có kỳ hạn khác nhau tạo thành 1 mạng lưới chồng chéo và các nước khó có thể phối hợp chính sách. Khi Pháp và Bỉ chiếm Ruhr năm 1923 sau khi Đức không thể trả nợ đúng hạn, NHTW Đức Reichsbank đã tăng in tiền và tạo ra siêu lạm phát. Kể từ đó đến nay, người Đức vẫn giữ thái độ hết sức thận trọng với lạm phát và các hoạt động của NHTW.

Cuối cùng thì tình hình cũng ổn định trở lại và các NHTW đã cố gắng tạo ra 1 phiên bản mới của chế độ bản vị vàng. Nhưng có 2 điều cản trở họ. Thứ nhất, dự trữ vàng đã được phân bổ không đồng đều với cán cân quyền lực nghiêng về Mỹ và Pháp. Có ít vàng hơn, Đức và Anh trở nên rất mong manh.

Thứ hai, nền dân chủ ở châu Âu đã có bước tiến vượt bậc, khiến các quốc gia khó có thể áp đặt những chính sách thắt lưng buộc bụng mà sẽ giúp đồng nội tệ ổn định hơn khi gặp khủng hoảng. Cái giá phải trả về mặt chính trị là quá lớn. Ở Anh, Công đảng thất bại năm 1931 khi từ chối yêu cầu cắt giảm phúc lợi xã hội của BoE và 1 năm sau đó Anh từ bỏ chế độ bản vị vàng. Ở Đức, Thủ tướng Heinrich Brüning (nhiệm kỳ 1930 – 1932), cắt giảm chi tiêu để đối phó với nợ nước ngoài nhưng cuối cùng thì sự khắc khổ lại dọn đường cho sự trỗi dậy của Adolf Hitler.

Khi các đời Chủ tịch Fed và Tổng thống Mỹ đối đầu nhau...

Lúc này Mỹ đã trở thành nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, và Fed chính là trung tâm của hệ thống tài chính trong chiến tranh. Fed khá nhọc nhằn để cân bằng giữa nhu cầu cấp thiết trong nước và những nghĩa vụ quốc tế. Ví dụ, năm 1927, Fed cắt giảm lãi suất để giúp BoE “dễ thở” hơn sau khi từ bỏ chế độ bản vị vàng. Nhưng động thái này lại bị chỉ trích là tạo nên bong bóng đầu cơ trên phố Wall. Fed bắt đầu quay trở lại thắt chặt chính sách tiền tệ năm 1928 vì thị trường chứng khoán tăng quá nóng nhưng dường như đã thắt chặt quá đà.

Nếu như những năm 1920 là thời kỳ đầy rẫy khó khăn với các NHTW thì thập kỷ tiếp theo thậm chí còn tồi tệ hơn. Tập trung vào 2 thứ là tỷ giá và lạm phát, các NHTW cho phép cung tiền giảm quá mạnh. Kết quả là từ năm 1929 đến 1933, 11.000 trong số 25.000 ngân hàng biến mất cùng với tiền gửi của khách hàng và cũng chẳng có nguồn vốn để các trang trại và doanh nghiệp đi vay. Năm 1937, lịch sử lặp lại khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm và tạo ra 1 cuộc suy thoái khác.

Trong suốt thế chiến thứ hai, các NHTW lại quay trở về vai trò ban đầu: giữ lãi suất thấp và đảm bảo các Chính phủ có thể vay mượn để tài trợ cho các hoạt động quân sự. Sau chiến tranh, rõ ràng là các chính trị gia không muốn nhìn thấy chính sách tiền tệ bị thắt chặt 1 lần nữa. Kết quả là nước Mỹ lâm vào 1 cuộc chiến giữa các đời Tổng thống và Chủ tịch Fed. Harry Truman ép William McChesney Martin (người điều hành Fed từ năm 1951 đến 1970) giữ lãi suất ở mức thấp bất chấp lạm phát tăng cao nhưng ông Martin đã từ chối. Có 1 giai thoại kể rằng sau khi Tổng thống Truman đã rời Nhà Trắng năm 1953, ông tình cờ gặp Martin trên phố và chỉ thốt lên 1 câu: “Kẻ phản bội”.

Người kế nhiệm Truman là Lyndon Johnson đưa ra những lời gay gắt hơn. Ông gọi Chủ tịch Fed tới nhà riêng ở Texas và nhiếc móc: “Nhiều thanh niên trai tráng đang chết ở Việt Nam và Bill Martin chẳng quan tâm đến điều đó!”

Tổng thống Richard Nixon thậm chí dựng lên 1 câu chuyện sai sự thật rằng người kế nhiệm ông Martin, Arthur Burns, đòi tăng lương gấp rưỡi. Bị truyền thông tấn công, Burns buộc phải từ bỏ mong muốn tăng lãi suất.

Cùng thời đó, ở nhiều quốc gia khác, các Bộ trưởng Tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định lãi suất, còn các NHTW có nhiệm vụ giữ ổn định nền tài chính và duy trì tỷ giá (khi đó các nước áp dụng chế độ tỷ giá cố định theo thỏa thuận Bretton Woods). Nhưng giống như chế độ bản vị vàng, hệ thống Bretton Woods lại vấp phải sự mâu thuẫn giữa lợi ích dân tộc và cam kết quốc tế. Đến năm 1971, ông Nixon từ chối gánh vác chi phí và Bretton Woods sụp đổ. Tỷ giá được thả nổi, lạm phát tăng cao và thất nghiệp tràn lan ở nhiều nước.

Nhưng cuộc khủng hoảng này cũng trao cho các NHTW cơ hội phát triển quyền lực mà họ đang nắm giữ ngày nay. Thực tế cho thấy các NHTW trên hoạt động độc lập. Milton Friedman – nhà kinh tế học theo trường phái Chicago và là người từng đạt giải Nobel – dẫn dầu phong trào ủng hộ thị trường tự do và triết lý nên giữ lạm phát ở mức thấp bằng cách kiểm soát nguồn cung tiền. Phương pháp tiếp cận này được kế thừa bởi Paul Volcker, người được bổ nhiệm làm Chủ tịch Fed năm 1979. Ông tăng lãi suất quá nhanh đến mức đẩy kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và khiến Tổng thống Jimmy Carter không thể đắc cử năm 1980. Những người nông dân Mỹ tụ tập rất đông ở bên ngoài trụ sở Fed để biểu tình, trong khi những người bán xe ô tô gửi đến Fed hàng tá những chiếc quan tài chứa đầy chìa khóa của những chiếc xe hơi ế ẩm.

Tuy nhiên, đến giữa những năm 1980, tình hình ổn định trở lại. Sau thành công của ông Volcker, các nước khác cũng chuyển sang quan điểm trao độc lập cho các NHTW, mở đầu là New Zealand năm 1989. Anh và Nhật theo sau. NHTW châu Âu (ECB) ngay từ khi ra đời trong những năm 1990 đã là 1 tổ chức độc lập.

Trong 1 thời gian dài, mô hình NHTW hoạt động độc lập tỏ ra hiệu quả. Lạm phát thấp và nền kinh tế ổn định kéo dài suốt từ những năm 1990 đến đầu những năm 2000 khiến giai đoạn này được coi là thời kỳ huy hoàng. Alan Greenspan, người kế nhiệm Pau Volcker, được mệnh danh là “vị nhạc trưởng đại tài” và được nhiều đời Tổng thống tôn trọng.

Tính độc lập chẳng phải món quà "từ trên trời rơi xuống"

Nhưng cũng chính thời kỳ huy hoàng ấy đã gieo mầm cho những cuộc tấn công vào các NHTW ngày nay. Đầu những năm 1980, các thị trường tài chính bắt đầu bùng nổ để rồi vấp phải “ngày thứ Hai đen tối” vào tháng 10/1987. Khi bong bóng vỡ, Fed nhanh chóng cắt giảm lãi suất vì sợ sẽ lặp lại những sai lầm của thời kỳ 1930, khi tổ chức này bị phê phán là ứng phó quá chậm chạp. Nhưng qua thời gian, dường như thị trường tài chính đã quá phụ thuộc vào 1 cuộc giải cứu từ Fed và những lời chỉ trích bắt đầu rộ lên. Người ta cho rằng Fed chỉ bảo vệ các định chế tài chính chứ không phải dân thường.

Cần lưu ý rằng không có bằng chứng nào cho thấy giá tài sản tăng quá nhanh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát. Tăng lãi suất để ngăn chặn đầu cơ trên TTCK có thể khiến nền kinh tế bị sốc và phạm vi ảnh hưởng là rất lớn. Hơn nữa, mặc dù Fed có nhiệm vụ đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính, thanh kiểm tra các ngân hàng cụ thể không phải là công việc của họ mà có nhiều cơ quan khác chịu trách nhiệm.

Khi bong bóng tín dụng vỡ tung năm 2007 và 2008, các NHTW bị buộc phải thực hiện những biện pháp chưa từng có tiền lệ, điển hình là lãi suất âm và các gói nới lỏng định lượng. Vì các Chính phủ đã thắt chặt chính sách tài khóa từ năm 2010, đôi lúc dường như chỉ có các NHTW đơn độc trong công cuộc hồi sinh kinh tế toàn cầu.

Và những phản ứng của họ lại kêu gọi những lời chỉ trích xưa cũ trở về. Giống như thời Jefferson và Jackson, các gói nới lỏng định lượng bị chỉ trích là nhằm cứu vớt các ngân hàng chứ không phải toàn bộ nền kinh tế, để cứu phố Wall chứ không phải Phố Chính (ý chỉ người dân). ECB thì bị cho là thiên vị các chủ nợ Bắc Âu so với các con nợ ở Nam Âu.

Trong khi đó, các NHTW vẫn phải vật lộn với nhiều trách nhiệm không phải lúc nào cũng song hành với nhau. Là cơ quan giám sát sự ổn định của hệ thống tài chính, họ muốn các ngân hàng tăng tỷ lệ an toàn vốn. Nhưng là “người bảo vệ” của nền kinh tế, họ lại muốn các ngân hàng cho vay nhiều hơn.

Có lẽ lời chỉ trích nặng nề nhất mà các NHTW phải đối mặt là dù tập trung những bộ óc kiệt xuất, họ chẳng bao giờ dự đoán được khủng hoảng. Cú sụp đổ của thị trường tài chính năm 2007-08 hay khủng hoảng nợ ở Eurozone đều khiến họ bất ngờ. Còn những dự đoán của NHTW Anh về tác động của Brexit trở nên sai lầm.

Tất cả những điều này khiến tương lai của các NHTW trở nên mờ mịt. Sự độc lập mà các chính trị gia trao cho họ giống như một ngọn đèn trước gió có thể phụt tắt bất cứ lúc nào. Lúc khủng hoảng, các chính trị gia phải dựa vào các NHTW nhưng khi nền kinh tế phục hồi, họ lại bực dọc với những biện pháp kìm hãm mà các NHTW đặt ra. Nếu lịch sử lặp lại, đối với các NHTW, quyền lực chẳng phải là thứ “từ trên trời rơi xuống”.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên