300 tàu 'kẹt trong xưởng': Nga gấp rút tung kế hoạch giải cứu, quyết không để hàng Trung Quốc 'thừa thắng xông lên'
300 tàu Nga đang kẹt trong xưởng đóng, viễn cảnh thiết bị Trung Quốc tràn ngập tàu Nga sẽ xảy ra nếu các nhà sản xuất nội địa không được hỗ trợ.
- 01-09-2023Công ty bí ẩn âm thầm chi gần 900 triệu USD để gom đất, xây thành phố mới: Người dân lo ngay ngáy, bất lực vì “đồng tiền chi phối được tất cả”
- 01-09-2023Tỷ phú “xưa nay hiếm” Warren Buffett: 93 tuổi vẫn trên đỉnh cuộc chơi, trí tuệ nhạy bén với khoản đầu tư “khác người”, xây công ty lớn nhất nhì thế giới
- 31-08-2023Trung Quốc chính thức vận hành nhà máy hydro - quang điện lớn nhất thế giới: Tiêu tốn 10.000 tỷ đồng, diện tích bằng 900 sân bóng đá, cung cấp 20.000 tấn hydro/năm cho công nghiệp, vận tải
300 tàu mắc kẹt trong xưởng
Bộ Công Thương Nga đã gấp rút đưa ra đề xuất trợ cấp cho các nhà sản xuất thiết bị hàng hải: Hiện nay thiết bị trong nước đắt hơn thiết bị nước ngoài, có khi gấp vài lần nên không thể cạnh tranh với thiết bị nhập khẩu cùng loại. Bộ tin rằng các khoản trợ cấp sẽ cho phép ngành đóng tàu Nga triển khai sản xuất hàng loạt và ngăn chặn tình trạng không giao nổi tàu.
Sáng kiến của Bộ Công Thương Nga đã được công bố để thảo luận rộng rãi, dự kiến sẽ có kết quả vào ngày 1/9. Bộ đề xuất trợ cấp cho công tác sản xuất lô thí điểm các thiết bị quan trọng bởi điều này "sẽ tạo điều kiện tạm thời để giá cả giảm, nhu cầu tăng, từ đó khả năng sản xuất hàng loạt sẽ được tăng lên song song với việc giảm chi phí một cách có hệ thống".
Trước đây, Bộ Công Thương Nga từng cấp trợ cấp cho kế hoạch phát triển các mẫu tàu thủy trong nước, còn lần này là gói hỗ trợ sản xuất.
Tài liệu giải thích cho đề xuất trợ cấp này nêu rõ rằng, khoảng 300 tàu đang được đóng ở Nga, tuy nhiên, quá trình hoàn thiện chúng "có nguy cơ bị gián đoạn do các biện pháp hạn chế được đưa ra nhằm chống lại Nga".
Do các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhiều nhà sản xuất linh kiện và thiết bị nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga. Tình cảnh này làm bùng nổ nhu cầu tạo ra các sản phẩm tương tự trong nước, với chủng loại thiết bị đa dạng như vậy.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho biết, những sản phẩm tương tự này đôi khi đắt gấp đôi so với thiết bị của nước ngoài nên bị thất thế trên thị trường trong nước.
Theo đề xuất của Bộ, các nhà sản xuất thiết bị hàng hải của Nga sẽ nhận được các khoản trợ cấp vào năm 2025 và 2026, mỗi năm 2 tỷ rúp. Số tiền này sẽ được phân bổ từ ngân sách quốc gia của Nga.
Còn trong năm 2024, Bộ Công Thương đề xuất lấy tiền trợ cấp thông qua việc bán tài sản (cổ phần, cổ phiếu và các loại tài sản khác) của các doanh nghiệp nước ngoài đến từ những quốc gia không thân thiện với Nga (số tiền cụ thể không được nêu rõ).
Danh mục thiết bị nằm trong diện được trợ giá sẽ do Ủy ban liên ngành trực thuộc Bộ Công Thương Nga xác định. Các nhà sản xuất chỉ có thể nộp một đơn đăng ký cho mỗi loại thiết bị trong danh sách. Nếu đang sản xuất tới vài dạng khác nhau của cùng một loại sản phẩm thì họ cần nộp tài liệu cho từng dạng riêng biệt, nhưng không quá 5 đơn đăng ký.
Trung Quốc thắng thế về giá cả
"Đội tàu đánh cá và tàu nghiên cứu của Nga phụ thuộc nhiều nhất vào linh kiện nước ngoài. Tàu vận tải trên sông thì bớt phụ thuộc hơn. Vấn đề chủ yếu tập trung ở động cơ tàu biển, máy phát điện diesel và các thiết bị chuyên dụng" - Nhà phân tích Vitaly Chernov của IAA PortNews cho hay.
Ông Dmitry Stoyanov - Phó Tổng Giám đốc Kỹ thuật Hàng hải Dân dụng của Công ty Cổ phần CRI Kurs nhận định, các khoản trợ cấp và những biện pháp hỗ trợ khác mà nhà nước đưa ra đã, đang và sẽ giúp các nhà sản xuất hoàn thiện hàng loạt các thiết bị và linh kiện cần thiết.
"Trong văn bản của Bộ Công Thương, biện pháp này được coi là tạm thời vì kế hoạch ngân sách mới chỉ giới hạn trong 3 năm. Tuy nhiên, nếu các khoản trợ cấp cho thấy kết quả tốt thì có thể sẽ được gia hạn tiếp" - Ông Stoyanov giải thích.
Theo nhà phân tích, các doanh nghiệp trong nước của Nga hiện không thể cạnh tranh với các nhà sản xuất Trung Quốc. Lý do là bởi Trung Quốc vừa có thị trường bán hàng, vừa có khối lượng sản xuất vượt Nga. Thêm vào đó, chính quyền Bắc Kinh đã hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp của mình, như cung cấp các khoản trợ cấp phát triển, xuất khẩu vật tư, cùng các khoản vay ưu đãi.
Tất cả những yếu tố này dẫn tới tình trạng thiết bị sản xuất tại Nga đắt hơn hẳn so với sản phẩm của Trung Quốc.
"Chúng tôi đã tiến hành các phân tích so sánh trên 1 con tàu trị giá 1,2 tỷ rúp. Con tàu này hiện đang sử dụng thiết bị trong nước (trị giá 180 triệu rúp) và thiết bị nước ngoài (250 triệu rúp). Nếu tất cả các thiết bị nước ngoài được thay thế bằng sản phẩm tương tự của Nga thì chi phí sẽ tăng thêm 100 triệu rúp" - Ông Stoyanov cho hay.
Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý thêm rằng, vẫn có một số thiết bị và linh kiện do Nga sản xuất hiện nay đang được chào bán với mức giá tương đương các sản phẩm của Trung Quốc. Ví dụ như động cơ 1200 kW từ nhà máy Volgadieselmash. Những sản phẩm như vậy có tính cạnh tranh khá cao.
Giao tàu thất bại
"Vi phạm thời hạn giao tàu" không phải là vấn đề gì mới mẻ trong ngành đóng tàu Nga. Trước khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt, các nhà máy đóng tàu ở Nga cũng đã trì hoãn việc hoàn thành một số dự án trong nhiều năm.
Ví dụ như chiếc phà "Alexander Deev" mà chính quyền vùng Sakhalin đặt hàng từ Nhà máy đóng tàu Amur đáng lẽ phải được giao từ tháng 12/2019 nhưng cuối cùng phải chờ tới mùa xuân năm nay.
Trong khi đó, nhà máy đóng tàu Baltic chỉ mới giao tàu phá băng hạt nhân LK-60 Arktika vào tháng 10/2020, chậm hơn 3 năm sau với thời hạn quy định trong hợp đồng với Atomflot.
Thông thường, các nhà thầu phụ sẽ bị đổ lỗi vì sự chậm trễ này. Ví dụ như theo nhà máy đóng tàu Baltic, tàu Arktika đã không thể hoàn thiện trong một thời gian dài vì nhà máy Kirov-Energomash trì hoãn việc sản xuất tổ máy turbine hơi nước.
Trong bối cảnh phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Tháng 7 vừa qua, tờ Vedomosti đã đề cập tới các vấn đề nổi cộm xảy ra với đơn đặt hàng của Rosrybolovstvo: Hai tàu nghiên cứu được đặt đóng vào năm 2020 cho Viện Nghiên cứu Thủy sản và Hải dương học của Nga đã không thể bàn giao vào năm 2022 như kế hoạch.
Hiện tại, nhà máy đóng và sửa chữa tàu Nevsky đang đề xuất dời thời hạn sang năm 2026, nhưng hợp đồng đóng tàu đã tăng chi phí lên một con số "khủng khiếp", từ 5,9 tỷ rúp lên 13,7 tỷ rúp. Các chuyên gia lo ngại rằng, nếu không được cấp thêm tiền, đơn hàng này thậm chí sẽ không thể hoàn thiện ngay cả khi có kéo dài thời hạn thêm 3 năm nữa.
Phụ Nữ Mới