32 nước bao gồm EU chấm dứt ưu đãi thuế quan dành cho Trung Quốc: Bắc Kinh phản ứng "lạ"
Kể từ ngày 1/12, Trung Quốc sẽ chỉ còn nhận được ưu đãi thuế quan từ 3 nước Na Uy, New Zealand và Úc.
- 04-11-2021Từng sở hữu một trong những khoản đầu tư sinh lời tốt nhất thế giới, Trung Quốc đang tự biến mình thành 'quả bom' ai cũng muốn tránh
- 04-11-2021Chính sách ngoại giao vắc xin có thể mang lại cho Trung Quốc những khoản lợi kếch xù hậu Covid-19
- 04-11-2021Việt Nam có thể coi là "cửa ngõ" của EU vào Đông Nam Á và Trung Quốc
Theo thông tin của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kể từ ngày 1/12 tới, 32 quốc gia sẽ ngừng áp dụng ưu đãi thuế quan cho nước này. Một chuyên gia kinh tế dự đoán các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ chịu ảnh hưởng khi quyết định này chính thức có hiệu lực.
Cụ thể, theo thông báo ngày 28/10 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 1/12, hàng hóa Trung Quốc xuất cảng sang "các nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein" sẽ không còn được cấp giấy chứng nhận ưu đãi thuế quan GSP (Generalized System of Preferences - Hệ thống ưu đãi phổ cập).
Như tên gọi của mình, GSP là hệ thống thuế quan ưu đãi của các nước phát triển dành cho các mặt hàng xuất khẩu từ các nước và khu vực đang phát triển bằng cách giảm hoặc miễn thuế.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc "hoan nghênh" động thái ngừng cấp GSP là "sự công nhận từ các nền kinh tế phát triển khác rằng Trung Quốc không thuộc nhóm các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp nữa, và các sản phẩm của Trung Quốc đủ sức cạnh tranh trên thị trường, không còn cần 'họ' bảo vệ".
"Chúng tôi đang 'tốt nghiệp' từ chương trình GSP (Hệ thống ưu đãi chung) và đang tiến tới trở thành một nền kinh tế 'trưởng thành'," thông báo nêu rõ.
Như vậy, thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã xác nhận gián tiếp rằng 32 quốc gia (bao gồm 27 nước EU, Vương quốc Anh, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine và Liechtenstein) đã hủy bỏ đãi ngộ thương mại đối với Trung Quốc.
Thông báo của Tổng cục Hải quan Trung Quốc
Theo Taiwan News, Trung Quốc bắt đầu nhận ưu đãi thương mại GSP từ năm 1978, và có tổng cộng khoảng 40 quốc gia đã hoặc đang cấp chứng nhận miễn thuế cho Trung Quốc đối với một số mặt hàng xuất khẩu nhất định. Trước đó, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Nga, Kazakhstan và Belarus (các thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu) đã ngừng dành ưu đãi thuế quan đối với Trung Quốc.
Như vậy, kể từ ngày 1/12, Trung Quốc sẽ chỉ còn nhận được ưu đãi thuế quan từ 3 nước Na Uy, New Zealand và Úc.
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Tài chính và Kinh tế Chunghwa (Đài Loan), Tseng Chih-Chao, nhận định rằng việc chấm dứt tiếp cận thị trường miễn thuế đối với Trung Quốc tuy có ít ảnh hưởng đến xuất khẩu nói chung, nhưng các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và có tỷ suất lợi nhuận thấp sẽ phải chịu gánh nặng - và điều này có thể dẫn đến việc di dời nhà máy sản xuất ở Trung Quốc sang các nước đang phát triển khác.
Trước đó, một số trang tin của Trung Quốc đã nhầm lẫn chứng nhận ưu đãi thuế quan GSP với nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) của WTO khiến một số độc giả lo ngại rằng động thái này sẽ đưa Trung Quốc về thời kỳ trước khi gia nhập WTO 20 năm trước.
Giải thích về điều này, ông Wu Guoxiong, luật sư cấp cao chuyên về luật hải quan, tập trung vào phòng chống tội phạm buôn lậu, giải quyết tranh chấp hải quan và phòng ngừa rủi ro pháp lý xuất nhập khẩu cho biết GSP và MFN là hai nguyên tắc khác nhau.
Theo đó, GSP là ưu đãi đơn phương và có thể bị đơn phương hủy bỏ. Trong khi đó, MFN là nguyên tắc ưu đãi lẫn nhau, do đó các bên có thể vi phạm Công ước nếu đơn phương hủy bỏ ưu đãi và trường hợp này thậm chí có thể dẫn đến tranh chấp thương mại và trả đũa thương mại./.
Doanh nghiệp và tiếp thị