33 tuổi đã suy thận: Chỉ vì 3 sai lầm mà khiến cơ thể phải 'trả giá đắt'
Cách đây 6 năm, chị Hồng Mai* (sinh năm 1985, tại Hà Tĩnh) đã phải gắn bó cuộc đời mình với chiếc máy chạy thận. Mỗi tuần, chị phải lọc máu tới 3 lần.
- 07-01-2024Đêm nào đi ngủ cũng thấy cơ thể phát ra 5 "tín hiệu" bạn cần đi khám khẩn cấp để tránh suy thận
- 02-01-2024Món ăn 'thỏa mãn' vị giác nhưng ăn nhiều hỏng khớp, suy thận từ lúc nào không hay
- 01-01-2024Ăn quá nhiều loại thực phẩm này, cẩn thận kẻo suy thận lúc nào không hay
Ở độ tuổi 33, chị Mai đã nhận kết quả bị suy thận. Khi ấy, chị rất "sốc". Giờ nằm trên giường bệnh, cuộc sống gắn liền với những chiếc máy lọc máu, chị Mai ước ao: "Giá như thời gian có thể quay trở lại để tôi làm lại cuộc đời. Tôi đã chủ quan với sức khỏe, mải mê kiếm tiền mà không tuân thủ điều trị".
Sinh ra ở một vùng quê khó khăn, chị Mai đã cố gắng học tập để có công việc tốt tại Hà Nội. Ra trường, chị Mai làm kế toán tại một công ty lớn với mức thu nhập ổn định. Rồi chị cũng lấy chồng, sinh con. Hai vợ chồng chị cố gắng làm việc, tích cóp và mua được một chiếc nhà để "an cư lập nghiệp".
Công việc cứ cuốn chị Mai đi khiến chị ít để ý tới sức khoẻ. Năm 2016, chị Mai thấy tay chân bị phù trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, chị vẫn chưa đi khám vì nghĩ do công việc ngồi nhiều, ít vận động nên máu lưu thông kém. Cho tới khi chân phù nhiều, chị Mai mới tới Bệnh viện Bạch Mai khám và được chẩn đoán bị viêm cầu thận, cần điều trị.
Sau gần một năm điều trị, khi bệnh tình đỡ hơn, chị Mai lại lao đầu vào công việc, bỏ bê điều trị, không kiêng khem trong ăn uống. Khi chia sẻ tình hình bệnh tật của mình với người quen, chị Mai được tư vấn rằng uống thuốc nam sẽ khỏi. Chính 3 sai lầm này đã khiến cho bệnh tình của chị trở nên trầm trọng hơn.
"Khi tôi nói bị viêm cầu thận, mọi người ở quê nói rằng bệnh này đơn giản, uống thuốc nam là khỏi. Vậy nên tôi đã uống thuốc nam, rồi ăn uống tự do như trước khi phát hiện bệnh. Ai ngờ chính điều này khiến tôi phải trả giá đắt", chị Mai nói.
Sau nhiều tháng bỏ bê điều trị, ăn uống "thả phanh" và uống thuốc từ lá cây, chị Mai thấy người mệt mỏi nên tới một phòng khám tư nhân gần nhà để khám. Khi có kết quả, bác sĩ đã chuyển chị tới Bệnh viện Thận Hà Nội để cấp cứu. Tại đây, thận của chị Mai đã suy và teo hết, phải chạy thận ngay lập tức.
Lúc này, chị Mai mới thấy hối hận vì đã không tuân thủ điều trị trước đó của bác sĩ và ăn uống không kiêng khem.
Chị Mai cho biết khi chị bị suy thận, chồng chị đã động viên rất nhiều. Thậm chí, chồng chị còn sắn sàng cho vợ thận của mình để chị được ghép thận.
"Chồng tôi cũng đồng ý cho thận, nhưng tôi gạt đi. Tôi muốn chồng phải thật khỏe để nếu tôi có mệnh hệ gì, anh ấy còn chăm sóc cho các con", chị Mai nói.
Đừng chủ quan với sức khoẻ
BSCK II Lê Quang Hải, Khoa Thận - Tiết niệu - Lọc máu, Bệnh viện Nông Nghiệp cho biết, bệnh nhân Mai đang chạy thận định kỳ 3 lần/tuần tại khoa. Hiện bệnh nhân tuân thủ khá chặt chẽ quy trình điều trị cũng như chế độ ăn uống hàng ngày.
Bệnh nhân Mai ban đầu đã được chẩn đoán viêm cầu thận, nếu như tuân thủ điều trị thì có thể khỏi bệnh mà không gây tổn thương thận, suy thận mạn.
Theo bác sĩ Hải, dù người khoẻ cũng không nên chủ quan với viêm cầu thận. Do viêm cầu thận có thể tới từ nguyên nhân viêm họng, viêm amidan. Đây là những bệnh do liên cầu khuẩn gây ra. Liên cầu khuẩn có thể tiết ra chất gây tổn thương tim và thận.
Trong một quả thận có khoảng 1,5 triệu cầu thận, chức năng cầu thận hỏng sẽ không hồi phục. Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ suy thận mạn ở độ tuổi lao động còn cao. Điều này sẽ tạo gánh nặng kinh tế cho gia đình và y tế cho xã hội.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, ngoài bỏ điều trị, không tuân thủ ăn uống hoặc dùng thuốc nam trong thời gian thận bị suy là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi khi thận bị suy, tất cả mọi thứ nạp vào cơ thể đều có thể gây hại cho cơ thể. Ví dụ ăn quá nhiều thịt khiến thận phải làm việc nhiều, uống lá cây, rễ cây cũng vậy. Người mắc bệnh thận cần phải tuân thủ tuyệt đối sự tư vấn điều trị của bác sĩ.
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Đời sống & pháp luật