MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

34 tuổi vẫn đau đầu vì vài đồng bạc lẻ, tôi nhận ra những sai lầm tai hại trong quá khứ, đáng nói 87% người trẻ thời nay mắc phải

03-06-2019 - 14:05 PM | Sống

"Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó, đó chính là lỗi của bạn", càng ngẫm câu nói của ông Bill Gates ở tận trời Tây kia, tôi càng đau và càng thấy đúng!

Người trẻ luôn khao khát đạt được thành công hơn bất kỳ ai. Tuy nhiên, đa phần chúng ta thất bại nhiều vì nhiều lý do khác nhau. Không ít người, trong những năm đầu lập nghiệp phải chật vật kiếm sống từng ngày bằng đồng lương ít ỏi, gặp muôn vàn khó khăn và trải qua rất nhiều điều lạ lẫm. Lúc đó, họ mới nhận ra mình đã mắc phải quá nhiều sai lầm trong quá khứ, kể từ thời còn đi học cho đến tận lúc đi làm. Những sai lầm đó gần như là không thể sửa chữa, nhưng nếu bạn nhận ra và thay đổi thì một tương lai tích cực hơn chắc chắn sẽ mỉm cười với bạn.

Tôi đang 34 tuổi, nhìn lại quá khứ và nhận ra không ít sai lầm: những lần lười học, buông thả bản thân từ thời còn học đại học. Cũng có khi ỷ lại gia đình, người thân và coi đó chuyện bình thường, không có gì là nghiêm trọng. Tôi cũng biết có những bạn trẻ chỉ biết học và học, không hề quan tâm đến thế giới ngoài kia đang thay đổi nhanh như thế nào. Rốt cục, chúng ta phải đánh đổi bằng cả một tương lai đầy màu xám.

Ngẫm lại mình, tôi nhận thấy bản thân đã sai trong quá khứ. Hi vọng những ai đang ở tuổi trẻ hãy đọc và nếu nhận thấy hình ảnh mình trong đó, hãy nhanh chóng thay đổi trước khi quá muộn.

34 tuổi vẫn đau đầu vì vài đồng bạc lẻ, tôi nhận ra những sai lầm tai hại trong quá khứ, đáng nói 87% người trẻ thời nay mắc phải - Ảnh 1.

Không chịu dấn thân

Thời đại học, tôi nhận thấy có hai kiểu sinh viên hoàn toàn khác biệt.

Kiểu thứ nhất là luôn cố gắng dấn thân, chịu thương chịu khó đi làm thêm ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Kiểu thứ hai là luôn nằm ỳ trong phòng, hoặc ăn và ngủ, hoặc chăm chỉ ra ngoài, nhưng là để tụ tập bạn bè ở tiệm Internet hoặc quán café, quán nhậu, quán bar, quán karaoke.

Thường thì kiểu thứ hai nhiều hơn kiểu thứ nhất.

Và hãy thử đoán xem, người nào sẽ có khả năng thành công hơn. Đương nhiên là kiểu sinh viên luôn biết chịu khó và lăn xả. Tôi từng quen một người bạn có hoàn cảnh rất khó khăn. Có những tháng gia đình cậu ta chỉ có thể gửi vài trăm nghìn đồng cho cậu trang trải việc học, hoặc thậm chí có những tháng không có đồng nào cả. Nhưng sau tất cả, cậu ấy vẫn luôn biết cách lo toan cho cuộc sống nhiều khó khăn và vất vả của mình. Từ những việc nặng nhọc như làm phục vụ nhà hàng tiệc cưới; phụ bán hàng ở chợ đêm; phát tờ rơi; cho đến bốc vác hàng hóa ở các kho vận, cậu ấy luôn sẵn sàng làm việc để kiếm tiền.

Làm nhiều việc vất vả, nặng nhọc như thế, tôi vẫn chưa bao giờ thấy cậu ấy than mệt hay nghỉ giữa chừng. Nhờ sự chăm chỉ và ý chí kiên cường, người bạn của tôi vẫn luôn tự chăm lo cho bản thân mình một cách chu đáo, thậm chí còn dành dụm tiền để đóng học phí và mua xe máy. Tôi luôn luôn nể phục tính dấn thân của cậu ấy. Người như vậy sẽ rèn luyện được nhiều phẩm chất để thành công.

Có nhiều người nói rằng, làm những công việc chân tay như phục vụ, chạy xe ôm, bán hàng, pha chế... sẽ chẳng học hỏi được kỹ năng, chuyên môn gì cho ngành học của mình. Thậm chí, những công việc đó còn mang lại nhiều nỗi bực dọc, stress cho bản thân vì đồng lương ít ỏi, sự bóc lột của những người quản lý hay những lần bị khách hàng mắng chửi. Quả thực, đa phần các công việc làm thêm không mang lại cho bạn nhiều giá trị về mặt kiến thức, mà sự vất vả, mệt nhọc, tủi thân thì lại nhiều.

Nhưng sau tất cả, điều quan trọng nhất bạn học được là tính cách xả thân, không ngại khó, ngại khổ để kiếm tiền. Đó còn là sự kiên trì, nhẫn nại mỗi khi bị ăn hiếp bởi quản lý, khách hàng. Và còn là cả kỹ năng xử lý tình huống, giao tiếp, làm việc nhóm; là sự nhanh nhẹn và nhạy cảm từ những lần chạy đôn chạy đáo để kịp phục vụ món ăn cho thực khách hay vất vả bốc dỡ những thùng hàng nặng trịch; hay cả buổi tối đứng mỏi chân làm thu ngân ở rạp chiếu phim.

Ở chiều ngược lại, kiểu thứ hai là bộ phận người trẻ không lăn xả bên ngoài xã hội và luôn bảo vệ chủ kiến có phần bảo thủ của mình. Những bạn trẻ ấy thường có xuất phát điểm tốt hơn những người như anh bạn của tôi. Họ có gia đình giàu có, thậm chí là có cả doanh nghiệp để sau khi ra trường là có sẵn chỗ đứng; có những mối quan hệ tầm cỡ để trông cậy và đương nhiên là có điều kiện kinh tế rất tốt. Điều này thực ra không có gì là xấu cả. Tuy nhiên, nếu vì có nền tảng tốt mà hình thành tâm lý dựa dẫm là rất nguy hiểm. Những người trẻ như thế thường thiếu kinh nghiệm sống, không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để rồi quá trình lập nghiệp sau này, họ dễ đầu hàng trước khó khăn và thất bại.

"Điều kiện quan trọng nhất của khởi nghiệp là trong tay chẳng có gì cả. Chúng ta phải bán đi cả cái xe máy của mình, bán đi cả chiếc áo vest cuối cùng thì mới là khởi nghiệp. Vì chỉ khi ấy, mình mới xả thân", CEO Viettel Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ. Đó là một thông điệp ý nghĩa mà chúng ta cần hiểu để dám dấn thân nhiều hơn.

34 tuổi vẫn đau đầu vì vài đồng bạc lẻ, tôi nhận ra những sai lầm tai hại trong quá khứ, đáng nói 87% người trẻ thời nay mắc phải - Ảnh 2.


Luôn coi điểm số và bằng cấp là tất cả

200.000 cử nhân thất nghiệp - con số nói lên phần nào đó sự thất bại của suy nghĩ bằng cấp là quan trọng nhất. Thậm chí cả những thạc sĩ, tiến sĩ từ Anh, Mỹ, Nhật Bản... trở về Việt Nam cũng không tìm được việc làm. Điều đó cho thấy ở thời đại này, có rất nhiều yếu tố đòi hỏi ở một người thành đạt. Trong lúc phỏng vấn, các nhà tuyển dụng xem và nghiên cứu hồ sơ của bạn không chỉ ở bằng cấp, điểm trung bình, mà còn là kỹ năng, kinh nghiệm, các hoạt động xã hội… Và điều quan trọng không kém đương nhiên là thái độ và cách bạn thể hiện trước những người làm về nhân sự.

Lúc còn đi học, tôi để ý thấy có nhiều một vài người bạn học rất giỏi nhờ sự cần cù và cả trí thông minh có sẵn. Điểm của các bạn ấy rất cao, luôn đứng tốp của lớp. Khi ra trường, những tấm bằng loại giỏi, xuất sắc là điều mà họ tự hào nhất. Đương nhiên đó là điều rất tốt. Nhưng mãi sau này, khi đi làm, tôi mới nhận ra những người bạn đó cũng phải chật vật đi xin việc, nhận những đồng lương thấp, nhảy việc khắp nơi.

Điều đó là vì một số người quên rằng kinh nghiệm vô cùng quan trọng với một người nhân viên. Kinh nghiệm được tích lũy từ những công việc từ nhỏ nhặt đến tầm cỡ lớn, từ những trải nghiệm mà chỉ có tìm tòi, học hỏi, xả thân mới có được. Kiến thức, chuyên môn về nghề nghiệp đương nhiên là quý giá nhưng bạn quên rằng không biết rằng những gì hôm nay chúng ta học được, có thể ngày mai đã trở nên cũ. Chỉ có trải nghiệm thực tế, đi để xem cách người ta làm, làm theo những gì người khác dạy bảo thì bạn mới học và làm mới kiến thức đó được.

Do đó, thay vì mải mê với đống sách vở, bạn nên ra ngoài nhiều hơn. Cố gắng cân bằng nhiều mặt của cuộc sống là cách tốt nhất để trang bị cho bản thân. Và chỉ có những thứ "vũ khí" đó mới giúp bạn hạn chế những sai lầm, thiếu sót để rồi tránh được thất bại.

34 tuổi vẫn đau đầu vì vài đồng bạc lẻ, tôi nhận ra những sai lầm tai hại trong quá khứ, đáng nói 87% người trẻ thời nay mắc phải - Ảnh 3.


Không chịu đầu tư cho bản thân

Gần đây, tôi có đọc một bài viết khá hay trên Facebook. Đại ý của bài này là: giới trẻ cái gì cũng biết, cũng học rất nhanh; nhưng chỉ giỏi những cái "ở đâu đâu" chứ không phải là tri thức cần thiết. Thật vậy, người trẻ ngày nay rất năng động, sáng tạo và cởi mở với những giá trị mới mẻ. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc là chúng ta lại phớt lờ đi những kiến thức và kỹ năng sống rất cần thiết.

Việc học là một ví dụ điển hình cho hiện tượng này. Ở thời này, sinh viên có thể học ở bất cứ mọi nơi; không bắt buộc phải là ở trường học, thư viện, khu tự học, mà ở cả quán café, công viên, cửa hàng tiện lợi, giới trẻ vẫn có thể lập nhóm học tập. Tuy vậy, nhiều lần tôi bắt gặp các nhóm sinh viên đến quán café để ôn thi, nhưng chỉ soạn sách vở ra học được một lúc rồi lại tám chuyện, bấm điện thoại, đánh bài, chơi Uno… Điều đó cho thấy sự tập trung, kỷ luật cho việc học không thắng được ham muốn giải trí, trò chuyện cùng bạn bè. Nghĩ sâu một chút, học tập là chuyện cả đời và cần sự nghiêm túc mới có được kết quả tốt. Vì vậy, đầu tư thời gian, tiền bạc, công sức vào đó cũng cần được ưu tiên hơn mọi chuyện khác.

Thế hệ trẻ ngày nay biết rất nhiều thứ, chuyện trên trời dưới biển, chuyện Đông chuyện Tây gì cũng am hiểu; nhưng kiến thức, kỹ năng, hiểu biết về công việc thì lại có phần hạn chế.

Nhiều bạn trẻ dành rất nhiều thời gian cho mạng xã hội, phim ảnh, các gameshow, trò chơi điện tử, những người nổi tiếng trong làng giải trí nhưng khi được hỏi về tin học văn phòng, tiếng Anh, kiến thức về kinh tế - xã hội, kỹ năng viết CV, phỏng vấn thì lại lắc đầu. Hoặc câu trả lời là: "Em không biết", "em chưa tìm hiểu", "em sẽ học thêm sau".

Chưa hết, gần đây còn có một bộ phận giới trẻ có suy nghĩ lệch lạc khi cổ xúy, thần tượng những người xấu như các thành phần giang hồ bất hảo, những nghệ sĩ nổi tiếng nhờ chiêu trò, những trào lưu nhảm nhí trên mạng xã hội. Điều đó chỉ chứng minh rằng chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian cho những thứ không xứng đáng.

Thay vì thế, khi còn trẻ, hãy tìm cho mình một mục đích, lý tưởng sống phù hợp với bản thân, gia đình và xã hội. Hãy giành thời gian cho việc học tập, mở mang đầu óc. Ngoài ra, đọc sách, tập thể thao, học các lớp kỹ năng mềm, trau dồi ngoại ngữ cũng là những cách hay để đầu tư cho bản thân.

Bên cạnh đó, khi còn là sinh viên, chúng ta cũng nên thần tượng những người tài giỏi như những doanh nhân, chính trị gia, vận động viên đa tài, luôn nỗ lực trong cuộc sống để coi đó là hình mẫu hướng tới.

34 tuổi vẫn đau đầu vì vài đồng bạc lẻ, tôi nhận ra những sai lầm tai hại trong quá khứ, đáng nói 87% người trẻ thời nay mắc phải - Ảnh 4.


Thói quen đổ lỗi cho hoàn cảnh

Chắc hẳn chúng ta đã từng hơn một lần than phiền về hoàn cảnh của mình. Hoàn cảnh đó có thể là gia đình, bạn bè, công việc, nơi ở, tiền bạc, vận may… Có hàng ngàn thứ xung quanh để cho chúng ta đổ lỗi và coi đó là nguyên nhân cho sự thất bại, hèn nhát, ích kỷ của bản thân.

"Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết đi trong nghèo khó, đó chính là lỗi của bạn". Câu nói của Bill Gates cũng chính là lời khuyên cho thói quen xấu này. Người trẻ thường đổ lỗi cho những điều kiện ngoại cảnh mà không thể thay đổi, nhưng lại thiếu đi sự nỗ lực. Khó khăn, thiếu thốn, may rủi đều là những yếu tố mà chúng ta đã phải đương đầu từ lâu và cũng không thể cải thiện. Nhưng nếu đủ cố gắng, làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết mình thì nhất định sức mạnh nội tại của con người sẽ chiến thắng hoàn cảnh khách quan.

Suy cho cùng, nguồn lực con người vẫn là quan trọng nhất. Vì vậy, thay vì than phiền và đổ lỗi, còn trẻ, hãy cố gắng dấn thân, nỗ lực để thay đổi chúng!

Sai lầm luôn là một phần của cuộc sống. Vả lại, đã là người trẻ thì những thiếu sót là rất bình thường. Nhưng sau tất cả, bạn vẫn có quyền lựa chọn tương lai cho mình. Một tương lai sáng sủa hay đầy màu tối luôn phụ thuộc vào những gì bạn làm ở hiện tại. Tránh được những sai lầm trên, thành công và hạnh phúc là điều hoàn toàn có thể đối với bạn.

Theo Quang Điệp

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên