MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 áp lực ập đến và đề xuất bất ngờ “cứu” thị trường BĐS thời dịch bệnh Covid-19

27-03-2020 - 10:45 AM | Bất động sản

Trong năm qua thị trường BĐS gặp khó khăn về yếu tố pháp lý dự án, nay phải đối diện với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến thị trường rơi vào tình trạng ảm đạm ở nhiều nơi.”

Bất động sản đối diện nhiều khó khăn, thách thức

Trước thực trạng này hàng trăm sàn giao dịch phải đóng cửa vì vừa không có hàng bán lại thêm nhu cầu giảm sút rõ rệt. Những sự kiện tập trung đông người như lễ mở bán dự án như trước đây cũng phải hủy bỏ, khiến môi giới khó tiếp cận khách hàng. Thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng cũng chịu thiệt hại nặng nề nhất khi khách du lịch giảm đột ngột.

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2 giảm 37,7% so với tháng trước, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến sẽ giảm sâu hơn trong những tháng tới.

Còn theo Savills công suất khách sạn tại Việt Nam đã giảm khoảng 26% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Các thành phố trung tâm như Tp. HCM và Hà Nội, mặc dù có sự sụt giảm, nhưng vẫn duy trì được mức công suất tương đối tốt, lần lượt là 48% (tại Tp. HCM) và thậm chí ở mức cao hơn 60% (tại Hà Nội).

Với những lệnh đóng cửa các quán bar, nhà hàng, café, karaoke,…tại Hà Nội và Tp.HCM vừa mới được thực thi, thì tình trạng các mặt bằng tại khối đế tòa nhà cao tầng và nhiều nhà mặt phố cho thuê đã rơi vào tình trạng ế ẩm, nay càng thêm khó khăn, nhiều mặt bằng sẽ bị khách hàng trả lại do không thể duy trì khả năng sinh lời trong điều kiện hiện nay...

Bất động sản nhà ở được cho là ít chịu ảnh hưởng nhất bởi dịch Covid-19 do có nhu cầu ở thực cao và ổn định, cộng với nhiều chính sách ưu đãi trong bán hàng của các chủ đầu tư trong mùa dịch, đang được nhiều chuyên gia nhận định là cơ hội cho người có nhu cầu mua nhà ở thực lúc này.

Trao đổi với chúng tôi nhiều CEO công ty bất động sản đều thừa nhận đây là giai đoạn rất khó khăn, nhưng đều cho thấy tinh thần lạc quan, tin tưởng vào những biện pháp phòng chống dịch quyết liệt của Chính phủ, các ban bộ ngành cùng cộng đồng sẽ sớm đẩy lùi được dịch bệnh, khi đó doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ có cơ hội phát triển tốt, bền vững.

Tổng Giám đốc Đại Phúc Land, bà Nguyễn Thị Thanh Hương cho biết: "Với BĐS đó là câu chuyện dài hạn nên kế hoạch của doanh nghiệp có thể cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thực tế, tuy vậy không phải vì dịch mà mọi kế hoạch dừng lại không triển khai."

4 áp lực ập đến

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BÐS thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, thị trường đang gặp phải trong thời điểm dịch Covid-19.

Thứ nhất, dịch bệnh làm gián đoạn, đảo lộn các mặt hoạt động của DN BÐS. Các hoạt động tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng đều là những khâu rất quan trọng trong dây chuyền sản xuất, kinh doanh đặc thù của ngành địa ốc cũng bị đảo lộn và hạn chế.

Thứ hai, Covid-19 đang làm sụt giảm nghiêm trọng doanh thu, lợi nhuận, thậm chí có thể khiến nhiều DN bị mất thanh khoản về dòng tiền khi tồn kho tăng cao và nợ đọng lớn dần.

Thứ ba, dịch làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý DN cũng tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận thấp ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Các DN BÐS có quy mô càng lớn và càng nhiều lao động thì chi phí càng lớn, khó khăn càng cao.

Cuối cùng, dịch bệnh làm tăng nguy cơ thua lỗ, phá sản. Thị trường BÐS đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế khó chồng khó.

3 đề xuất "giải cứu" bất động sản

Trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực bất động sản, vừa qua Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, Bộ cũng đề xuất tăng gói hỗ trợ cho Covid-19 từ 30.000 tỷ lên 80.000 tỷ đồng,…

Đây được xem là "liều thuốc"cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh cho thấy sự ảnh hưởng sâu rộng hơn đối với nền kinh tế, và cả BĐS. Ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, nhấn mạnh BĐS là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác và là một trong những đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tháo gỡ cho lĩnh vực này sẽ góp phần lan tỏa rất lớn.

Chính vì thế, Hiệp hội này vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất 3 giải pháp căn cơ được cho là sẽ hỗ trợ cho các DN bất động sản trong lúc khó khăn này:

Thứ nhất, bổ sung doanh nghiệp bất động sản vào nhóm đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế trong dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể, các doanh nghiệp bất động sản được đề nghị giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Thứ hai, đề nghị bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các loại thuế nêu trên cho doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch sự kiến sẽ kéo dài.

Bên cạnh những đề xuất của Hiệp hội BĐS Việt Nam, mới đây ông Lê Hoàng Châu cũng đã ban hành văn bản của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) gửi Thủ tướng đề xuất giải pháp tháo gỡ cho cộng động DN BĐS, trong đó ngoài những giải pháp về thuế, HoREA kiến nghị thêm:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển sang nhóm nợ xấu đối với các khoản nợ đến hạn của DN; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.

Theo ông Châu, dịch Covid-19 trước mắt đã gây ảnh hưởng nặng đến hầu hết các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có thị trường BÐS. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội để thanh lọc thị trường; là giai đoạn thích hợp để các DN dừng lại quan sát, tìm ra những thiếu sót trong thời gian qua để từ đó cơ cấu lại hoạt động, chuẩn bị cho những bước đi kế tiếp.

Ðồng thời, các DN cũng có thể linh động chuyển đổi sang các hình thức hoạt động phù hợp. Thí dụ như hoạt động bán hàng có thể chuyển sang hình thức qua mạng (online), vừa tránh được lây lan dịch bệnh, vừa bảo đảm cho khách hàng có thể yên tâm giao dịch an toàn. Về mặt tích cực, đây có thể xem như một cuộc sàng lọc giúp thị trường nhà đất trở nên "khỏe mạnh", giữ lại những DN có đủ thực lực, giỏi lèo lái trước sóng gió.

4 áp lực ập đến và đề xuất bất ngờ “cứu” thị trường BĐS thời dịch bệnh Covid-19 - Ảnh 2.

Nhật Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên