4 bài học khó khăn mà bất cứ doanh nhân thành công nào cũng đều phải trải qua
Nếu muốn thành công, ngoài kiến thức, tầm nhìn, kỹ năng quản trị, mỗi doanh nhân còn cần 4 bài học sống còn khác nhất định phải học.
- 08-07-2018World Cup 2018: Đau đớn vì thất bại, CĐV Nga vẫn không quên dọn rác trên khán đài
- 08-07-2018Để hiểu rõ hơn về thế giới chúng ta, tỷ phú Bill Gates cho rằng bạn cần phải biết 3 con số này
Những người thành công nhất trên thế giới đều có xuất phát điểm giống nhau: họ là những người ham học hỏi, nhờ học hỏi mà trở nên khác biệt. Để bắt đầu công việc kinh doanh, chúng ta cần phải tìm hiểu rất nhiều thứ, tìm hiểu về tài chính, quản lý nhân viên, bán hàng, tiếp thị, đổi mới sản phẩm, quản trị rủi ro đều là những bài học quan trọng. Tuy nhiên, còn có những bài học khác cũng quan trọng đối với tương lai của doanh nghiệp nếu bạn muốn trở thành một ông chủ thành công.
Dưới đây là 4 bài học dành cho những doanh nhân trẻ để xây dựng một doanh nghiệp phát triển bền vững.
1. Linh hoạt đổi mới là yếu tố sống còn
Các doanh nghiệp khởi nghiệp ban đầu thường có xu hướng phát triển như một tên lửa. Bạn đầu tư tiền của mình vào việc xây dựng một sản phẩm hoặc dịch vụ hàng đầu, tập hợp một đội ngũ nhân viên tuyệt vời, thiết kế tài liệu tiếp thị và trang web thật bắt mắt.
Bạn đầu tư quá nhiều thời gian và tiền bạc vào những điều trên trước khi công ty ra đời mà quên đi rằng nhu cầu của khách hàng và cách thức bán hàng của bạn mới là vấn đề quan trọng nhất. Đến khi công ty thực sự khởi động, tất cả những khách hàng mà bạn nghĩ sẽ gõ cửa công ty của bạn đều không có ở đó. Đó là một kịch bản thường thấy ở một startup và cuộc đấu tranh để vượt qua năm đầu tiên luôn đầy khó khăn.
Tất cả những gì bạn cần để phát triển doanh nghiệp là tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị trường và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở một mức giá hấp dẫn đối với khách hàng nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên có rất ít doanh nghiệp nắm bắt được đúng nhu cầu thì trường trong năm đầu tiên kinh doanh. Bài học được những người đi trước đưa ra là: đừng nản chí. Thay vì cảm thấy thất vọng về việc khách hàng không mua hàng của bạn, hãy hỏi họ lí do không mua. Từ những dữ liệu thu thập được, sau đó bạn hãy xoay chiều chiến lược kinh doanh cho phù hợp với nhu cầu của khách hàng.
2. Chi tiết nhỏ tạo ra thành công lớn
Các doanh nhân thành công thường yêu thích các chi tiết nhỏ, họ thường tách những công việc phức tạp thành các nhiệm vụ nhỏ độc lập với nhau. Bằng cách đó họ có thể nhìn thấy và giải phóng các tắc nghẽn đồng thời vận hành cả cỗ máy lớn một cách hiệu quả hơn. Mọi quá trình trong doanh nghiệp của họ đều được quy định bằng văn bản với các bước cụ thể được xác định rõ ràng.
Trong ngắn hạn, để thúc đẩy doanh nghiệp, bạn cần tập trung thúc đẩy bán hàng, tìm kiếm khách hàng mới, khách hàng tiềm năng và xây dựng các mối quan hệ. Đó là bức tranh tổng thể. Tuy nhiên, nếu bạn là một người nhìn xa trông rộng, bạn sẽ nhận ra cái đảm bảo cho quá trình bán hàng được diễn ra bình thường chính là sự vận hành trôi chảy của công ty. Một khi bạn không đưa ra các quy trình phù hợp, doanh nghiệp của bạn sẽ thất bại bất kể bạn bán được bao nhiêu hàng hóa hay danh sách khách hàng của bạn dài đến mức nào.
3. Người lãnh đạo thông minh thường thuê những nhân viên thông minh hơn mình
Mọi người đều biết điều này, đúng không? Vấn đề ở đây là mặc dù chúng ta đều biết điều đó nhưng hầu hết đều lờ đi. Lí do là những nhà lãnh đạo thường sở hữu cái tôi quá lớn. Họ là những nhân vật lớn, hướng ngoại, và vì vậy họ phải là người đứng đầu tại nơi họ làm việc. Điều đó có nghĩa là khi nói đến việc thuê nhân viên, mặc dù họ nghĩ rằng nên tập trung vào việc tìm kiếm những người thông minh, trên thực tế họ lại đang chọn những người sẽ không đe dọa đến vị trí của họ.
Những doanh nhân thành công thì ngược lại. Họ hiểu rõ bản thân, cả điểm mạnh lẫn điểm yếu. Họ tự ý thức được rằng bản thân mình có thể là người cực kì thành công nhưng chỉ điều đó là chưa đủ. Họ cần có những người đồng nghiệp tài năng ở quanh mình, những người có thể đồng hành với họ trong mọi dự án, dám thách thức lẫn nhau để thúc đẩy sự tiến bộ chung. Vì thế, nếu bạn muốn phát triển doanh nghiệp đừng ngại thử thách bản thân bằng cách thu hút những nhân viên ưu tú về làm việc cho công ty của bạn.
4. Nỗi sợ là một phần không thể thiếu trên đường đi đến thành công
Mỗi doanh nhân đều có những đêm không ngủ. Tất cả những người sáng lập startup đều lo ngại rằng công việc kinh doanh của họ sẽ bị phá sản vào ngày mai. Tất cả các doanh nhân đều nghĩ rằng họ sẽ phát điên với khối lượng công việc khổng lồ. Điều này là hoàn toàn bình thường, và hoàn toàn không có gì phải lo lắng. Trên thực tế, đó là một phần của việc xây dựng một doanh nghiệp thành công. Quan trọng nhất là bạn cần đảm bảo rằng những nỗi lo sẽ không làm tổn hại đến sức khỏe và năng lực của bạn.
Chúng ta có thể nghe truyền thông kể rất nhiều về những doanh nhân chỉ ngủ bốn giờ mỗi đêm, và làm việc 80 giờ mỗi tuần trong nhiều năm. Tuy nhiên điều đó là không khả thi. Thực tế đã chứng minh làm việc quá sức không đem lại hiệu quả cao mà còn khiến cho cơ thể chúng ta bị suy nhược.
Addicted Success