Bà cụ 75 tuổi tích trữ 5 tấn rác trong nhà: Khi biết nguyên nhân, cư dân mạng xóa hết bình luận toxic
Cư dân mạng trách móc lối sống của bà cụ này, tuy nhiên sau đó đã phải "quay xe".
Theo trang tin tức Toutiao, tại Hàng Châu (Trung Quốc) ghi nhận một trường hợp đặc biệt về bà cụ 75 tuổi sống một mình suốt 25 năm. Mỗi ngày bà đều ra ngoài sớm về nhà muộn, tay xách chiếc giỏ nhỏ đi dạo, và trong nhà luôn chất đầy những món đồ linh tinh không đếm xuể. Cảnh tượng này khiến ai nhìn vào cũng phải sốc, thậm chí không thể tin rằng có người sống được trong căn phòng như thế này.
Vậy nhưng, đúng là bà cụ đã sống trong ngôi nhà suốt 25 năm. Không gian trong nhà bốc ra một mùi hôi thối nồng nặc, thu hút cả gián, ruồi và chuột vào cư trú. Dù quản lý của khu dân cư đã đến khuyên nhủ nhiều lần, nhưng không ai thành công. Cuối cùng, sau nhiều lần hàng xóm khiếu nại, khu dân cư đã phải gọi một công ty dọn dẹp đến làm sạch giúp bà. Ở thời điểm ấy, số lượng rác thải trong nhà lên tới gần 5 tấn, phải mất hai xe lớn mới dọn hết.
Trường hợp của bà cụ 75 tuổi đã thu hút sự chú ý đặc biệt từ cộng đồng mạng. Nhiều người đã có những bình luận không hay về lối sống của bà. Tuy nhiên, sau khi biết nguyên nhân họ lập tức "quay xe".
Theo đó, bà cụ này có dấu hiệu của bệnh rối loạn tích trữ, một căn bệnh thường gặp ở người trung niên và cao tuổi.
Câu chuyện của bà trở nên viral ở xứ tỷ dân. Sau đó, có rất nhiều cư dân mạng cũng chia sẻ rằng họ có người thân mắc phải chứng bệnh tương tự.
Cư dân mạng @Michelle bình luận: Tôi có thể hiểu phần nào câu chuyện của bà cụ này. Tôi đã cưới chồng được 10 năm và chứng kiến bệnh tích trữ của mẹ chồng càng ngày càng nặng. Bà thích tích trữ đủ thứ: gia vị nấu canh, thuốc đông y, bánh kẹo, các loại thực phẩm khô, thuốc men... Tất cả đều được bà đựng trong túi nilon, chất đầy phòng khách, thậm chí còn biến phòng ngủ ngày xưa của chồng tôi thành kho chứa đồ.
Cư dân mạng @gallbaby cũng đồng tình: Nhà bố mẹ chồng tôi chỉ có hai ông bà sinh sống vì các con đều có nhà riêng. Chỉ 2 người nhưng lại sở hữu tận 2 chiếc tủ lạnh loại bốn cánh. Bên trong đó lúc nào cũng đầy ắp đồ ăn, vậy mà mẹ chồng tôi còn tính mua thêm một chiếc tủ đông để thuận tiện tích trữ.
Cư dân mạng @Meilore chia sẻ: Mẹ tôi mới 60 tuổi nhưng vài năm gần đây bà cũng có biểu hiện giống với câu chuyện của bà cụ 75 tuổi, đó là rất thích tích trữ đồ đạc. Tôi học đại học ở Bắc Kinh nên về nhà không nhiều, mỗi lần về, tôi đều phải âm thầm xử lý đống đồ trong nhà. May mắn tôi đã sớm biết đây là 1 chứng bệnh nên chưa từng than trách mẹ mình. Dù đã đưa bà đi khám nhưng tình trạng này thi thoảng vẫn tái diễn.
Chứng bệnh rối loạn tích trữ
1. Nguyên nhân
Một nghiên cứu chỉ ra rằng, có khoảng 2 - 3% dân số toàn cầu mắc chứng rối loạn tích trữ, trong đó tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là ở nhóm người từ 55 tuổi trở lên, với tỷ lệ lên đến 6%.
Có 4 lý do phổ biến khiến người trung niên và người cao tuổi có xu hướng tích trữ đồ đạc. Thử nhất là vì họ cảm thấy cô đơn nên đồ vật vô tình trở thành "người bạn".
Thứ hai là vì họ cảm thấy thiếu an toàn nên mới có xu hướng tích trữ đồ như 1 cách để bù đắp cho sự thiếu thốn ở quá khứ.
Thứ ba là do tính cách kiểm soát thái quá, khi không kiểm soát được người khác, một số người sẽ tìm cách kiểm soát đồ vật. Cuối cùng là do sở thích tiêu dùng quá mức, vì với nhiều người, mua sắm mới tạo niềm vui và thoải mãn nhu cầu cá nhân.
2. Cách khắc phục
Điều trị tâm lý: Chứng rối loạn tích trữ có liên quan mật thiết đến các yếu tố tâm lý. Việc điều trị chuyên nghiệp kết hợp với thuốc có thể giúp giảm lo âu, từ đó thay đổi dần thói quen tích trữ quá mức.
Sự hỗ trợ từ gia đình: Sự ủng hộ và đồng hành của người thân rất quan trọng đối với người mắc chứng tích trữ. Những lời khuyên nhẹ nhàng và sự lắng nghe thấu hiểu sẽ giúp họ xây dựng thói quen sống lành mạnh, từ đó giúp họ dần dần thoát khỏi tình trạng tích trữ đồ đạc.
Tiếp cận chậm rãi: Hãy giúp người bệnh bắt đầu từ những món đồ không quá quan trọng, từng bước loại bỏ những thứ không cần thiết. Quá trình này không nên vội vã mà cần hết sức kiên nhẫn, bởi cách tiếp cận chậm rãi và có kế hoạch sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.
Nguồn: Toutiao
Phụ nữ số