4 cổ phiếu đầu ngành theo lựa chọn của chuyên gia HSBC
Chuyên gia phân tích của HSBC Global Research (HSBC) chỉ ra bốn cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao ở các lĩnh vực khác nhau nhờ vào xu hướng số hóa, nhu cầu mua sắm gia tăng và sở hữu danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Trong đó, tiêu dùng là một trong những lĩnh vực được HSBC đánh giá nhiều triển vọng.
Việt Nam có thể trong top 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030
Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay thường xuyên vượt qua mốc 1 tỷ USD, gấp 10 lần mức hai năm trước, đưa Việt Nam vượt qua Singapore và Indonesia trở thành thị trường có tính thanh khoản cao thứ hai trong ASEAN sau Thái Lan.
Không chỉ hấp dẫn về thanh khoản, theo đánh giá của HSBC, bất chấp việc các chỉ số đạt đỉnh mới, TTCK Việt Nam đang giao dịch ở PE bình quân 13x, mức dưới trung bình trong 5 năm gần đây khiến thị giá cổ phiếu hấp dẫn hơn so với các công ty cùng ngành ở khu vực ASEAN.
Định giá hấp dẫn của thị trường Việt Nam được dựa trên kỳ vọng tăng trưởng thu nhập bình quân mỗi cổ phần (EPS) có thể đạt 28% trong năm nay và tiếp tục tăng 20% trong năm 2023.
Các chuyên gia phân tích dự báo Việt Nam có thể trở thành 1 trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới vào năm 2030, vượt qua Thái Lan, Anh, Đức, nhờ thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng lên đáng kể trong thập kỷ tới.
Người tiêu dùng ngày càng hứng thú với các trải nghiệm mua sắm trực tuyến, trong khi các nhà bán lẻ và ngân hàng liên tục tìm cách cung cấp các giải pháp mới và số hóa dịch vụ. Điều này đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực để phát triển công nghệ tài chính, đặc biệt khi tỷ lệ dân số lớn ở nông thông chưa tiếp cận được với các dịch vụ ngân hàng.
4 cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao
Những công ty có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào xu hướng số hóa, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và sở hữu danh mục sản phẩm, dịch vụ đa dạng trở thành lựa chọn khuyến nghị đầu tư của HSBC trong báo cáo này.
Cụ thể, HSBC chỉ ra các cổ phiếu giàu tiềm năng và dự báo sức tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt là FPT Corp (FPT), Masan (MSN), Vinamilk (VNM) và Vinhomes (VHM).
Trong đó, FPT là một trong những công ty công nghệ thông tin phát triển nhanh nhất trên thế giới. HSBC kỳ vọng lợi nhuận của FPT có thể tăng trưởng hơn 20% trong 3 năm tới.
Masan là một tập đoàn đa ngành tập trung vào lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng. Gần đây Tập đoàn đã mua lại công ty chấm điểm tín dụng Trusting Social và HSBC kỳ vọng Masan sẽ kết hợp AI & ML để nâng cao hiệu quả hoạt động bán lẻ nhờ dự báo nhu cầu tiêu dùng, giá cả và quản lý chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, HSCB cũng khuyến nghị đầu tư Vinhomes (VHM), nhà phát triển khu dân cư lớn nhất Việt Nam. Ước tính, công ty này chiếm 27% thị phần của tất cả chung cư tại Việt Nam từ năm 2016 đến năm 2021.
Doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ tăng tốc ứng dụng công nghệ, tích hợp đa dạng dịch vụ
Là doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực tiêu dùng – bán lẻ, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của Masan đến từ The CrownX, nền tảng hợp nhất Masan Consumer Holdings và WinCommerce.
Thịt mát MEATDeli nhận hưởng ứng tích cực từ thị trường nhờ đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại.
Cuộc gặp gỡ mới đây giữa Ban lãnh đạo Masan và các nhà đầu tư đã hé lộ triển vọng kinh doanh của Tập đoàn này trong quý 2/2022 và sau đó, cũng như cập nhật diễn biến các mảng kinh doanh sau kế hoạch được công bố tại ĐHCĐ thường niên ngày 28/4. Báo cáo phân tích của CTCK Bản Việt cho biết doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Masan được kỳ vọng tăng lần lượt 15%-20% và 25%-30% trong quý 2/2022 so với cùng kỳ (YoY). Cụ thể, về doanh thu, ban lãnh đạo kỳ vọng The CrownX (TCX) tăng 10% YoY, Masan Consumer Holdings (MCH) tăng 25% YoY và WinCommerce (WCM) tăng 5% YoY trong quý 2/ 2022.
So với kế hoạch ban đầu của công ty là mở thêm 500-1.400 cửa hàng WinMart+, MSN đã mở hơn 200 cửa hàng kể từ đầu năm và dự kiến sẽ mở tổng cộng 300 cửa hàng (WinMart và WinMart+) vào quý 2/2022. Gần đây, mảnh ghép mới của Masan là thương hiệu giặt ủi chuyên nghiệp Joins Pro cũng vừa ra mắt cửa hàng đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian tới, Masan sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ này và tích hợp vào chuỗi bán lẻ WinMart+.
Masan có kế hoạch đẩy nhanh mở kiosk Phúc Long tại các thành phố cấp 2.
Đối với chuỗi trà & cà phê Phúc Long, MSN đặt mục tiêu đạt doanh thu hàng ngày từ 4 triệu đến 5 triệu đồng/quầy bán từ mức hiện tại là 2 triệu đồng/quầy. Công ty cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc mở rộng điểm bán tại các thành phố cấp 2 sau khi tối ưu hóa mô hình và việc vận hành của các điểm bán Phúc Long hiện có. Ngoài ra, MSN dự kiến sẽ đẩy nhanh việc triển khai Reddi - dịch vụ viễn thông di động vào quý 3/2022 và tích hợp đầy đủ các dịch vụ tài chính (ví dụ: thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ) cũng như chương trình khách hàng thân thiết vào Reddi trong năm 2022.