4 con bất hiếu, mẹ già lập di chúc tặng 3 căn hộ cho bệnh viện thú cưng
“Con cái là con cưng của cha mẹ, nhưng cha mẹ chưa chắc đã là bảo bối của các con. Khi đã có gia đình riêng, có lẽ chúng coi tôi như gánh nặng và quên mất mẹ mình. Vậy tôi cũng không có gì luyến tiếc khi huỷ quyền thừa kế của chúng”, bà mẹ cay đắng nói.
- 06-11-2023Nhà là do tôi vay tiền mua, nhưng bố mẹ lại di chúc để nó cho em gái
- 25-09-2023Cuộc hôn nhân dài 12 ngày, chồng đại gia để lại di chúc tặng 244 tỷ đồng cho vợ cũ
- 17-05-2023Nữ tỷ phú BĐS hàng đầu 3 lần cầu hôn “Đường Tăng” đều bị từ chối: Tài sản lên đến 5,8 tỷ USD, bản di chúc gây bất ngờ
01
Cách đây vài ngày tôi có xem được một tin tức. Một người phụ nữ ở Thượng Hải đã lập di chúc và tặng ba căn hộ cho một bệnh viện thú cưng. Nhiều người không hiểu tại sao bà lại để dành nhà cho chó mèo thay vì con cái. Thì ra người phụ nữ có ba người con, vốn dĩ mỗi người con có thể được thừa hưởng một căn nhà.
Kết quả là khi bà ngã bệnh, ba đứa con của bà đều không có mặt, thậm chí một cuộc điện thoại cũng không, chỉ có thú cưng là chó mèo của bà ở bên cạnh, an ủi bà phần nào trong thời gian bị bệnh. Hành vi và thái độ của các con khiến người phụ nữ vô cùng đau lòng, vì vậy, bà quyết định giao căn nhà của mình cho bệnh viện thú cưng. Bà hy vọng rằng sau khi mình qua đời, bệnh viện thú cưng có thể giúp chăm sóc những chú chó, mèo của bà cũng như con cái của chúng.
Một vài cư dân mạng bình luận:
"Nếu không thực sự quá tuyệt vọng, tôi sẽ không giao nhà cho thú cưng".
"Đúng, con cái là con cưng của cha mẹ, nhưng cha mẹ chưa chắc đã là bảo bối của các con".
"Khi đã có gia đình riêng, con cái thường coi người già như gánh nặng và quên mất họ".
Trước đó tôi cũng từng đọc được một tin tức nói một ông lão khoảng 70 tuổi sống một mình ở Hàng Châu, vợ ông đã qua đời và các con cũng không còn ở bên. Một ngày nọ, ông bị trúng gió, ngã ở nhà. Chính chú chó của ông phát hiện ra chủ của nó không phản ứng và liên tục sủa để thu hút hàng xóm.
Hàng xóm nhờ cảnh sát phá cửa xông vào, ông lão được đưa đến bệnh viện và cứu chữa kịp thời. Nếu không được giải cứu kịp thời thì hậu quả có lẽ sẽ rất đau lòng.
Con cái ở xa, lo cho sự nghiệp và gia đình nhỏ của mình, vô tình hoặc cố ý quên mất cha mẹ, cha mẹ ốm đau không ai quan tâm, lúc bình thường cũng không có ai bên cạnh.
Có những người thậm chí còn không muốn dành thời gian để gọi điện thoại. Cha mẹ làm việc vất vả để nuôi con khôn lớn nhưng đôi khi họ lại cảm thấy con cái còn không tốt bằng những chú chó, chú mèo mà họ nuôi ở cùng.
02
Trên mạng có người đặt ra câu hỏi như sau: "Có phải khi người ta già đi, con cái sẽ không còn cần người già nữa?". Một trong những câu trả lời được đánh giá cao đã khiến vô số cư dân mạng phải khóc.
Một trong những người đóng góp câu trả lời là một bác sĩ. Cách đó không lâu, anh tiếp nhận một bệnh nhân nữ 83 tuổi. Bà mắc bệnh tim mạch vành nặng nên cứ mùa đông sẽ phải nhập viện thường xuyên. Ba đứa con của bà không ở bên cạnh, bà và người chồng 87 tuổi của mình nương tựa vào nhau để sống. Vì không biết bắt taxi nên mỗi lần đến bệnh viện, vợ chồng bà đều phải đợi xe buýt trong gió lạnh, xuống xe xong còn phải đi bộ lên một con dốc dài hàng trăm mét.
Một người là công nhân đã nghỉ hưu, người còn lại là giáo viên đã nghỉ hưu, cả hai đều có lương hưu. Nhưng quần áo của họ khá bẩn và hôi, những vết dầu dày đặc trên cổ áo và miệng, thậm chí còn thoang thoảng mùi nước tiểu. Chất lượng cuộc sống của họ không nói cũng có thể tưởng tượng được.
Vị bác sỹ cảm thấy bất bình thay, hỏi con cái của họ đâu. Vừa nghe xong câu hỏi, bà lão lập tức bật khóc. Họ có ba người con, mỗi người sống ở một thành phố khác nhau. Ba đứa con mỗi năm chỉ về nhà một lần, ngày thường bận rộn với công việc, ngay cả một cuộc điện thoại cũng không có. Họ muốn thuê một người giúp việc nhưng không thấy tin tưởng vì dẫu sao cũng đã già. Không có tự do khi sống trong viện dưỡng lão và cũng không quen sống ở đó. Không biết sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính nên hoàn toàn mất liên lạc với thế giới. Mọi việc từ giặt giũ, nấu nướng, lấy thuốc đều phải dựa vào chính mình, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Chúng ta thường nói: Cả đời nương tựa vào nhau. Mãi đến những năm cuối đời, mới dần hiểu được sự tàn nhẫn và đau buồn của sáu chữ này.
Họ cống hiến cả cuộc đời cho việc học, mua nhà, lập gia đình của con cái nhưng họ vẫn lại chẳng thể hưởng thụ tuổi già một cách yên bình.
03
Có một trường hợp như sau: Một bà lão 85 tuổi có bốn người con trai. Vợ chồng bà phải làm việc vất vả để nuôi con.
Khi các con đến tuổi lập gia đình, họ sửa sang lại nhà riêng và nhường phòng cưới cho người con trai cả, còn hai vợ chồng già sống trong một ngôi nhà đất nhỏ. Khi người con út lấy vợ, họ dùng số tiền tiết kiệm để xây nhà cho người con thứ. Số tiền hai vợ chồng kiếm được cũng thường dùng để trợ cấp cho đứa con thứ hai và thứ ba, đồng thời giúp họ chăm sóc con cái.
Sau khi chồng qua đời, ngôi nhà đất nhỏ nơi bà ở bị mưa lớn làm hỏng, bà không còn cách nào khác ngoài mong chờ các con trai sẽ nuôi dưỡng mình lúc tuổi già. Nhưng không ai trong số bốn người con trai muốn nuôi bà. Họ nói bà quá già, không giúp họ trông nom con cái được, rằng bà là gánh nặng.
Chỉ sau khi cán bộ thôn đứng ra giải quyết, họ mới đạt được thỏa thuận: bốn người sẽ thay phiên nhau chăm sóc mẹ hàng tháng.
Vào ngày đầu năm mới, khi thời gian ở nhà của cậu con trai út đã hết, cô con dâu lập tức thu dọn giường và "mời" mẹ chồng ra khỏi nhà. Nhưng khi đó, người con trai lớn đang đi ra ngoài uống rượu, bà lão gõ cửa hồi lâu nhưng không có người trả lời.
Bà lão không còn cách nào khác đành phải quay lại nhà đứa con thứ, hy vọng đứa con thứ sẽ cho bà ở lại thêm vài ngày nữa. Ai có thể ngờ rằng đứa con trai út lại gạt bà ra ngoài. Bà lão đói bụng trở về cửa nhà con trai cả trong gió lạnh. Vừa đi, bà vừa khóc, người hàng xóm gặp thấy thương cảm, cho bà một chiếc bánh. Đây là món duy nhất bà ăn ngày hôm đó.
Người con trai cả đi uống rượu về, nửa đêm nhìn thấy mẹ co ro ngoài cửa nhưng cũng không để ý. Đến tối, con thứ hai và thứ ba nghe thấy mẹ gọi tên mình ngoài cửa. Nhưng họ nghĩ: Tháng này đến lượt anh cả, không liên quan tới họ. Bà lão kêu cứu nhưng không ai trong số bốn đứa con muốn để ý đến bà. Cơn gió đêm lạnh lẽo thổi thẳng vào trái tim bà lão. Sáng hôm sau, bà lão qua đời. Sau khi bà mất, bốn người con đổ lỗi cho nhau và không ai chịu lo việc mai táng mẹ.
Đây không phải là câu chuyện trong một cuốn tiểu thuyết nào đó, mà là một câu chuyện có thật xảy ra ở Vạn Châu, Trùng Khánh, Trung Quốc.
Con người ta sống ở đời, gieo nhân nào ắt gặt quả nấy. Không hiếu thảo với cha mẹ, con cái sau này cũng sẽ noi gương bạn và bất hiếu với bạn.
Ai cũng có lúc già đi.
Ai có thể đảm bảo rằng mình sẽ khỏe mạnh tới cuối đời, ai có thể đảm bảo rằng bản thân không cần ai chăm sóc mình trong tương lai?
Những lựa chọn bạn đưa ra hôm nay sẽ quay trở lại với bạn theo cách tương tự vào ngày mai.
04
Cách đây một vài ngày tôi đã xem được một video và vô cùng xúc động: Mẹ già bị say tàu xe, không đi được ô tô, vì vậy hai anh em đã thay nhau cõng mẹ đến bệnh viện.
Con dâu của bà lão nói: "Nhà tôi là như vậy, khi hai anh em họ không có nhà thì con dâu chúng tôi là người chăm sóc. Bà đã nuôi nấng chồng chúng tôi khi họ còn nhỏ bây giờ bà già rồi, nuôi dưỡng bà là nghĩa vụ của chúng tôi".
Đúng vậy, cha mẹ nuôi nấng ta khi ta còn nhỏ và con cũng sẽ chăm sóc khi cha mẹ già đi. Khi còn nhỏ, có những người cha người mẹ ấm áp là điều may mắn của các con. Khi về già, có được một đứa con ngoan ngoãn là điều quý giá của cha mẹ.
Ở Cát Lâm, Trung Quốc, một bà mẹ 80 tuổi bị huyết khối não, con trai bà hàng ngày đều bế bà ra ngoài để hít thở không khí và tắm nắng. Có những lúc mệt đến nỗi ướt sũng áo, nhưng anh vẫn kiên nhẫn và dịu dàng với mẹ như đang bế một đứa trẻ. Dù nắng hay mưa, 365 năm một năm, anh kiên trì như vậy 8 năm.
Có người còn nói: Lúc nhỏ mẹ ôm con như thế nào, về già con cũng ôm mẹ như vậy.
Ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, một ông lão 90 tuổi thường xuyên cảm thấy "khó ngủ", 9 giờ tối, con trai yêu cầu ông đi ngủ nhưng ông hét lên nói rằng không muốn đi ngủ. Thấy không thể quát ba, người con 52 tuổi đề nghị dùng trò "oẳn tù tì" để giải quyết "tranh chấp". Người con ra nắm đấm, người cha ra chiếc kéo. Khi thấy mình thua, ông lão lập tức đổi tay ra chiếc lá, nắm lấy nắm đấm của con trai rồi nói rằng mình đã thắng.
Người con trìu mến nói: "Được rồi, ba thắng, ba thắng, người thắng phải đi ngủ. Ông lão nghe xong liền hợp tác, trèo lên giường đi ngủ".
Cuộc đối thoại cấp độ "mẫu giáo" giữa hai cha con khiến vô số người cảm động.
Khi chúng ta bập bẹ, chính cha mẹ dạy chúng ta nói từng chữ.
Tôi dần dần bắt đầu tập đi, mỗi bước đi đều tràn ngập sự mong đợi tha thiết của bố mẹ.
Chúng ta đi học, ba mẹ tất bật lo lắng từ cái bút chì, cục tẩy tới cả những bữa cơm.
Cha mẹ bảo vệ chúng ta lớn lên an toàn.
Chúng ta lớn lên, cha mẹ già đi, họ cũng cần một bến đỗ ấm áp, một tuổi già bình an.
05
Tại một bệnh viện ở Quảng Tây, Trung Quốc, có người đã chụp hai bức ảnh ở cùng một địa điểm. Một bức ảnh là hình ảnh mẹ cõng con đi khám bệnh, bức còn lại là hình ảnh con trai cõng mẹ đi khám bác sĩ.
Một bên là tình yêu, một bên là lòng hiếu thảo. Đó là một vòng luân hồi của tình yêu.
Khi còn bé, chúng ta cần tấm lưng rộng của cha mẹ, và khi lớn lên, cha mẹ cũng cần vòng tay ấm áp của chúng ta.
Có người từng nói: Trên đời có hai việc không thể chờ đợi: một là hiếu thảo, hai là làm việc thiện.
Thời gian không bỏ qua cho ai, người đầu tiên nó không bỏ qua chính là cha mẹ.
Trân trọng lẫn nhau, trân trọng duyên phận kiếp này.
Cha mẹ thực ra không mong gì nhiều, chỉ một cuộc điện thoại, một bữa ăn, vài lời nói và vài ánh nhìn bạn.
Mong rằng tất cả chúng ta, những người vẫn còn cha còn mẹ, đều trân trọng họ và trân trọng những khoảnh khắc của hiện tại.
Phụ nữ số