4 kiểu cha mẹ lý tưởng mà em bé nào cũng mong ước
Phương pháp giáo dục của cha mẹ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con cái. Vậy các con sẽ hạnh phúc khi bố mẹ có tính cách như thế nào?
- 26-08-20232 kiểu cha mẹ này rất dễ khiến con trở thành 'đối địch', kiểu thứ hai khá bất ngờ
- 22-06-2023Trẻ được nuôi dạy bởi 3 kiểu cha mẹ này thường rất tự tin và chủ động
- 07-05-20234 kiểu cha mẹ 'giả vờ' khiến tương lai con cái xán lạn
Mỗi đứa trẻ có một nét tính cách riêng biệt và mỗi gia đình cũng sẽ có những phương pháp chăm sóc và nuôi dạy sao cho phù hợp. Thế nhưng, nhìn chung, trẻ con luôn thích được yêu thương, chiều chuộng, quan tâm và chăm sóc. Dưới đây là 4 kiểu cha mẹ lý tưởng mà có lẽ đứa trẻ nào cũng mong muốn có được.
1. Cha mẹ ổn định về mặt cảm xúc
Cha mẹ nên là những người biết cách kiểm soát cảm xúc, chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình hay biết chấp nhận quan điểm của người khác.
- Hiểu được cảm xúc của con: Khi trẻ lo lắng hoặc buồn phiền về điều gì đó, nhiều cha mẹ có xu hướng gạt bỏ những cảm xúc của trẻ vì không thể hiểu được tại sao một đứa trẻ được yêu chiều như thế mà vẫn không ngoan. Thế nhưng, xung quanh cuộc sống của trẻ cũng có rất nhiều điều chi phối, việc cha mẹ đồng hành, thông cảm, tôn trọng cảm xúc đó là cần thiết.
- Chấp nhận sự khác biệt của con: Khi con đưa ra một ý kiến nào đó trái lời người lớn, cha mẹ nên tìm hiểu lý do, quan sát, nhận xét điều đó đã hợp lý hay chưa thay vì phản đối một cách tiêu cực.
- Hanh vi không ổn định: Cha mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi người khác hoặc các yếu tố bên ngoài. Tâm trạng của họ có thể thay đổi thường xuyên, cách họ tương tác với con cũng bị thay đổi theo. Đôi khi họ quan tâm quá mức đến cuộc sống của con nhưng có lúc lại thờ ơ, dè dặt.
Những cha mẹ không ổn định về mặt cảm xúc dễ tạo ra những đứa con không biết thể hiện cảm xúc của mình hoặc không mang lại cảm giác an toàn cho trẻ mọi lúc mọi nơi.
2. Cha mẹ kiên nhẫn
Kiên nhẫn cũng là một trong những đức tính mà trẻ mong cha mẹ mình có. Trẻ em cần cha mẹ kiên nhẫn, những người cho phép chúng phát triển theo tốc độ riêng của mình, các kỹ năng tư duy và giải quyết vấn đề độc lập.
Những đứa trẻ thường hay làm vỡ cái này cái kia hoặc gây ra những lỗi lầm nho nhỏ. Thay vì nổi giận, trước tiên bạn nên kiểm tra xem bé có bị thương chỗ nào không hay có bị mảnh thủy tinh dính vào người không. Sau đó bạn có thể dạy bé cách cầm một cái ly như thế nào hoặc đơn giản hơn là đưa cho bé cái ly nhựa và quên chuyện vừa xảy ra đi.
Khi bạn muốn la mắng hay nói điều gì đó không nên với bé, dành vài giây để đếm từ 1 đến 10. Nếu đếm đến 10 vẫn chưa làm bạn bình tĩnh lại, bạn có thể đếm tới bất kỳ con số nào có thể đủ thời gian để bình tĩnh lại. Điều hòa lại hơi thở của bạn, hít thở sâu. Bỏ mọi chuyện qua một bên, ra ngoài trong giây lát.
Những cha mẹ kiên nhẫn sẽ giúp con cái cũng rèn luyện được đức tính này, giúp chúng hạn chế sự lo lắng, sợ hãi.
3. Cha mẹ khoan dung
Sự khoan dung là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Sự bao dung của cha mẹ có thể giúp trẻ trưởng thành từ những sai lầm, học cách vượt qua thử thách và phát triển khả năng phục hồi. Cha mẹ có trí tuệ cảm xúc cao cũng được con cái yêu quý.
Họ có thể tạo ra bầu không khí gia đình thoải mái và hạnh phúc, hiểu và đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ, đồng thời mang đến cho trẻ một môi trường phát triển an toàn. Biết trân trọng con cái là một trong những chìa khóa để cha mẹ chiếm được cảm tình của con. Khi cha mẹ có thể đánh giá cao những nỗ lực và thành tích của con, trẻ sẽ cảm thấy được ghi nhận và khẳng định nhiều hơn, từ đó xây dựng được sự tự tin và hạnh phúc.
4. Cha mẹ giữ lời hứa
Trên thực tế, việc người lớn "vô tư" hứa rồi cũng "vô tư" quên đi lời hứa là điều thường xảy ra trong cuộc sống. Bố mẹ cho rằng trẻ con còn bé xíu, làm sao mà nhớ được những lời viển vông ấy. Thế nhưng đó lại là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Lời hứa với trẻ con đôi khi còn quan trọng hơn lời hứa với người lớn. Trẻ em giao tiếp không chỉ bằng lý trí mà bằng cảm tính. Bố mẹ hứa với con mà không làm thì dù có 1001 lý do hợp lý trẻ vẫn không tin. Với trẻ, điều quan trọng không chỉ là giữ lời hứa, mà còn là sự quan tâm đến trẻ hay cách thể hiện lời hứa.
Tốt nhất, bố mẹ hãy cân nhắc trước khi đưa ra một lời hứa với con, nên suy nghĩ kỹ càng về công việc, thể trạng trước khi hứa chuyện gì đó. Ban đầu khi bạn thất hứa, bé có thể phụng phịu, dỗi hờn. Nhưng nếu lời hứa suông lặp đi lặp lại với tần suất dày, con thậm chí sẽ chẳng còn tin vào những lời nói đó nữa.
Trong tình huống bố mẹ chưa chắc chắn về lời hứa của mình, có thể nói với bé là: "Cứ đợi đến hôm ấy đã con nhé. Mẹ cũng chưa biết mẹ có bận không". Nếu có lỡ quên lời hứa, bố mẹ nên xin lỗi bé với lý do chính đáng và không quên đền cho bé bằng một sự quan tâm khác.
Đừng coi thường hay chế nhạo việc giữ lời này. Bố mẹ hay thất hứa không chỉ làm tổn thương con mà còn ảnh hưởng đến tính cách trong tương lai của trẻ. Bố mẹ nên cố gắng hứa ít, làm nhiều, để con vừa tin tưởng bố mẹ, vừa hiểu được giá trị lời nói của người lớn. Bố mẹ tôn trọng bé, giữ lời hứa với bé cũng chính là tôn trọng bản thân mình. Bố mẹ giữ lời hứa với con cũng chính là việc dạy con giữ lời hứa với người khác.
Phụ nữ Việt Nam