MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 kiểu "ép ăn" rất phổ biến trong gia đình Việt, lợi chưa thấy nhưng cực độc hại với trẻ

30-04-2023 - 21:53 PM | Sống

4 kiểu "ép ăn" rất phổ biến trong gia đình Việt, lợi chưa thấy nhưng cực độc hại với trẻ

Ép con ăn uống không đúng cách không chỉ khiến trẻ biếng ăn hơn mà còn gây ra những tổn thương tâm lý khó chữa lành.

Tác giả Jennifer Anderson là một chuyên gia dinh dưỡng được cấp phép và có bằng thạc sĩ khoa học về sức khỏe cộng đồng của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins. Năm 2019, cô thành lập Kids Eat in Color, một nguồn tài nguyên trợ giúp các gia đình cho con ăn từ đầu cho đến khi học tiểu học.

Việc bắt trẻ ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe là một trong những khó khăn phổ biến nhất của các bậc cha mẹ.

Là một chuyên gia dinh dưỡng và người sáng lập Kids Eat in Color, tôi giúp các bậc cha mẹ xây dựng một môi trường ăn uống dễ chịu và hấp dẫn, nơi con cái họ có thể học cách thưởng thức những món ăn mới.

Sau nhiều năm quan sát hành vi ăn uống của trẻ em, tôi nhận thấy rằng có một số cách nói nhất định của các bậc cha mẹ sẽ khiến trẻ đi chệch hướng. Để giúp con bạn phát triển mối quan hệ lành mạnh với thức ăn, hãy tránh 4 cách nói độc hại sau đây:

1. "Ăn rau đi rồi mới được ăn kẹo"

Khi các bậc cha mẹ dùng đồ ngọt để thuyết phục một đứa trẻ ăn thứ gì đó, như ăn rau chẳng hạn, chúng sẽ hiểu là món ăn đó không tốt, đến mức bạn phải dùng thứ gì đó để mua chuộc chúng.

Trẻ em nên có quan điểm cân bằng về thực phẩm và việc so sánh các loại thực phẩm với nhau sẽ không khuyến khích chúng hướng đến các lựa chọn lành mạnh.

Thay vào đó hãy nói: "Con có thể ăn rau khi nào con thích."

Điều này vẫn mang lại cho trẻ sự lựa chọn và thường phát huy hiệu quả tốt hơn hình thức mua chuộc bằng đồ ngọt. Ngoài ra, việc làm cho bữa ăn trở nên vui tươi cũng có thể giúp trẻ hứng thú với những món ăn mà chúng chưa thích, theo cách riêng của chúng.

Ví dụ, bạn có thể giả vờ như miếng súp lơ là một chiếc micrô và hát vào đó trước khi ăn. Hình mẫu vui nhộn này sẽ có thể khuyến khích trẻ thích ăn món rau này hơn.

photo-1682327893424

2. "Trật tự đi rồi bố/mẹ sẽ cho con kẹo/bánh"

Đây cũng là một cách nói quá ưu tiên đồ ngọt. Cách nói này có thể khiến cho trẻ luôn trong trạng thái muốn ăn đồ ngọt hơn các loại thực phẩm khác. Hoặc là trẻ sẽ bắt đầu liên kết đồ ngọt với cảm giác dễ chịu, và sẽ luôn trông chờ vào đồ ngọt khi muốn cải thiện cảm xúc

Thay vì nói như trên, hãy nói: "Nếu con biết giữ trật tự, chúng ta sẽ cùng chơi trò chơi mà con thích hôm nay."

Hãy chọn những phần thưởng khác ngoài đồ ăn, và thưởng thức bánh/kẹo cùng con bạn khi chúng muốn ăn (thay vì chỉ vào những dịp đặc biệt).

photo-1682327899364

3. "Ăn thêm một miếng nữa rồi mới được nghỉ"

Về cơ bản, đây là sự ép buộc trẻ phải ăn theo mong muốn của phụ huynh, và trẻ không được phép không nghe theo.

Bị ép ăn có thể dần khiến trẻ không còn chú ý đến cảm giác đói và no. Và khi lớn lên, chúng có thể cũng không dám từ chối những điều mà đối với chúng là không thoải mái.

photo-1682327903401

Thay vì nói như vậy, nên nói là: "Nếu con không muốn ăn nữa, hãy nói: Thôi, con/cháu no rồi ạ".

Thay vì bắt con bạn cố ăn thêm một vài miếng, hãy dạy chúng cách từ chối thức ăn một cách lịch sự.

4. "Ăn thêm đi cho bố mẹ vui long"

Các bậc cha mẹ thường sử dụng cách nói này khi họ lo lắng rằng con mình không ăn đủ để có được các chất dinh dưỡng thích hợp.

Nhưng cách nói này sẽ chỉ dạy bọn trẻ rằng chúng nên phát triển thói quen ăn uống tốt để khiến bố mẹ vui vẻ, trong khi chúng thực sự phải nên hiểu thực phẩm bổ dưỡng giúp ích cho cơ thể như thế nào.

photo-1682327908386

Thay vào đó hãy nói rõ về tác dụng của đồ ăn, chẳng hạn như: "Cà rốt có rất nhiều vitamin A, tốt cho thị giác và giúp con nhìn rõ hơn!"

Hãy giải thích cho con bạn về tác dụng của việc ăn uống lành mạnh đối với cơ thể chúng. Cung cấp cho trẻ thông tin thực tế sẽ giúp nuôi dưỡng mong muốn tìm hiểu và ăn các loại thực phẩm mới.

Hoa Thu

Trí thức trẻ

Trở lên trên