MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 lần đổi logo, đổi tên, kéo theo thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng doanh thu lên gần 2.000 tỉ đồng/năm của một doanh nghiệp thực phẩm Việt

19-11-2018 - 10:12 AM | Doanh nghiệp

“Cái tên của một thương hiệu rất quan trọng. Dù mình có sản phẩm tốt đến đâu nhưng tên khó nhớ sẽ rất khó đi vào lòng người tiêu dùng, xem như là thất bại”, nữ tướng Sài Gòn Food Lê Thị Thanh Lâm bắt đầu câu chuyện về chiến lược đổi tên và logo để thay đổi hoàn toàn chiến lược kinh doanh của CTCP Sài Gòn Food.

Bước ngoặt đổi tên…

Năm 2011 đánh dấu bước ngoặt của Sài Gòn Food khi đổi tên công ty từ Công ty CP Hải Sản (S.G Fisco) sang Công ty CP Sài Gòn Food (SGF). Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food kể lại, khi thành lập S.G Fisco, ý tưởng của bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT là sẽ thành lập một tập đoàn Fisco bao gồm: Nha Trang Fisco, Sài Gòn Fisco và Cà Mau Fisco.

Tuy nhiên, mấy năm đầu do trục trặc nên Nha Trang Fisco tách ra, chỉ còn Sài Gòn Fisco. Đáng nói, từ "Fisco" đã được Nha Trang đăng kí bảo hộ nên khi tách ra thì 2 logo vẫn giống nhau, chỉ khác từ Sài Gòn và Nha Trang, chữ Fisco không đổi được. "Mặc cảm vì tên của mình nhưng thực tế lại không phải của mình. Ý định nung nấu thay đổi tên bắt đầu từ đây", bà Lâm cho hay.

4 lần đổi logo, đổi tên, kéo theo thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng doanh thu lên gần 2.000 tỉ đồng/năm của một doanh nghiệp thực phẩm Việt - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Sài Gòn Food. Ảnh: nhân vật cung cấp

Cùng thời điểm đó, nguyên liệu hải sản trong nước rất khó khăn, liên tục bấp bênh trong khi nhà máy ở tại Tp.HCM không phải là nơi có dòng nguyên liệu sẵn có nên không cạnh tranh được với các vùng khác. Chính bối cảnh này đã thôi thúc S.G Fisco vạch ra đường đi riêng là mở rộng loại hình sản phẩm sang thịt gà, heo, bò rau củ quả…thay vì chỉ bó hẹp ở cá, tôm.

Một tác động nữa khiến ban lãnh đạo quyết tâm đổi tên, theo bà Lâm đó là tên S.G Fisco rất khó đọc. 8 năm sau thành lập mặc dù công ty đã có những sản phẩm đóng đinh trên thị trường nhưng khi nói đến cái tên S.G Fisco, dường như rất ít người nhớ đến. "Cái tên của một thương hiệu rất quan trọng. Dù mình có sản phẩm tốt đến đâu nhưng tên khó nhớ sẽ rất khó đi vào lòng người tiêu dùng, xem như là thất bại", bà Lâm chia sẻ.

Là đổi thay chiến lược kinh doanh

S.G Fisco chính thức thành Sài Gòn Food. Song song với việc đổi tên thì biểu tượng logo cũng có sự thay đổi. 4 lần đổi biểu tượng logo cũng là ngần ấy thời gian Sài Gòn Food đi những bước đi khác biệt để tạo doanh thu lên con số ngàn tỉ đồng/năm.

Từ năm 2015 khi tân Chủ tịch HĐQT mới về tiếp quản công ty, logo lần nữa thay đổi.

So với logo trước, Sài Gòn Food lần này bỏ gợn sóng mà thêm đĩa, muỗng vào, không phải là màu xanh lá cây mà thay vào là màu xanh dương hàm ý cho thực phẩm tươi, chiến lược về bữa cơm gia đình Việt.

Sự thay đổi này khẳng định cho chiến lược "dài hơi" của Sài Gòn Food là phát triển song song hai thị trường xuất khẩu và nội địa, trong đó đẩy mạnh thị trường nội địa với tầm nhìn chiến lược trở thành nhà sản xuất và cung cấp bữa ăn tươi số 1 cho gia đình Việt Nam. Đây là logo Sài Gòn Food sử dụng cho đến ngày nay.

4 lần đổi logo, đổi tên, kéo theo thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng doanh thu lên gần 2.000 tỉ đồng/năm của một doanh nghiệp thực phẩm Việt - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food kể lại, khi thành lập S.G Fisco, ý tưởng của bà Cao Thị M Dung – Chủ tịch HĐQT là sẽ thành lập một tập đoàn Fisco bao gồm: Nha Trang Fisco, Sài Gòn Fisco và Cà Mau Fisco.

Theo bà Lâm, sự thành công của một thương hiệu đôi khi đơn giản là cái tên gọi

Sự thay đổi này, theo bà Lâm, là một bước ngoặt bởi lẽ nó vừa thể hiện về mặt thương hiệu (dễ đi vào lòng người), vừa là sự đổi thay ở chiến lược kinh doanh (mở rộng dòng sản phẩm trên thị trường thực phẩm). Đó vừa là lợi thế, vừa là thách thức đối với ban lãnh đạo Sài Gòn Food.

"Tôi rất lo lắng, bởi lẽ S.G Fisco mới đạt hàng Việt Nam chất lượng cao vào năm 2009 thì đến năm 2011 đổi tên, liệu khách hàng có lựa chọn mình nữa không? Nhưng rất may mắn, không có gì thay đổi quá lớn, thậm chí doanh nghiệp còn được nhiều hơn mất. Sau 1 năm đổi tên, dòng cháo tươi của Sài Gòn Food chính thức ra đời, đánh dấu một chặng đường kinh doanh mới của công ty", bà Lâm chia sẻ.

Bước đi chiến lược có vẻ suôn sẻ sau khi đổi tên và logo, công ty cho ra mắt hàng loạt sản phẩm mới và đều đạt mức tăng trưởng trung bình 20 – 30%. Thời điểm hiện tại, có khoảng 70 sản phẩm của Sài Gòn Food đang có mặt trên các quầy kệ siêu thị trong nước.

Có hay không chuyện thịt cá gần hư hỏng sẽ được các DN đem ra chế biến?

Theo bà Lâm, tư duy thịt cá gần hư hỏng rồi đem sơ chế các món ăn sẵn đến siêu thị là có tồn tại trên thị trường thực phẩm. Nếu ngày trước, do kinh tế chưa phát triển, ở mỗi gia đình đều tận dụng nguồn thực phẩm hư hỏng để chế biến thành các món ăn khác nhau. Tư duy đó là bởi xuất phát từ sự nghèo khó.

Còn hiện tại, khi kinh tế khác xưa, nhu cầu ăn uống sạch của con người tăng lên, kiến thức mở rộng thì tư duy này vô cùng nguy hiểm cho người tiêu dùng.

"Ở Sài Gòn Food tuyệt đối không có suy nghĩ sử dụng hàng dạt, hàng dư để làm sản phẩm nội địa. Minh chứng là SGF khai phá ra dòng sản phẩm lẩu đông lạnh khi có rất nhiều sản phẩm cùng loại ra đời nhưng suốt 15 năm qua, sản phẩm lẩu của SGF vẫn đứng đầu. Không tận dụng nguyên liệu thừa của xuất khẩu để đưa vào làm hàng nội địa đã được quán triệt ngay từ đầu khi tập trung chiến lược phát triển thị trường nội địa của Sài Gòn Food", nữ tướng Sài Gòn Food chia sẻ.

4 lần đổi logo, đổi tên, kéo theo thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng doanh thu lên gần 2.000 tỉ đồng/năm của một doanh nghiệp thực phẩm Việt - Ảnh 3.

Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food kể lại, khi thành lập S.G Fisco, ý tưởng của bà Cao Thị M Dung – Chủ tịch HĐQT là sẽ thành lập một tập đoàn Fisco bao gồm: Nha Trang Fisco, Sài Gòn Fisco và Cà Mau Fisco.

Theo bà Lâm, tư duy thịt, cá gần hư hỏng đem chế biến đồ ăn sẵn ở siêu thị đó là kiểu làm ăn chộp giật, không lâu dài.

"Tôi không đồng ý với tư duy này, đó là cách làm ăn chộp giật chứ không phải lâu dài. Muốn chiếm lĩnh thị trường, muốn có được trái tim người tiêu dùng thì trước tiên mình phải làm thật đã", bà Lâm nhấn mạnh.

Khi được hỏi về lợi thế và bất lợi khi trên thị trường thực phẩm sơ chế có rất nhiều thương hiệu, Sài Gòn Food bị cạnh tranh ra sao, bà Lâm cho hay: Lợi thế của Sài Gòn Food là có nhiều năm trong lĩnh vực này. Đội ngũ quản lý của SGF có tâm huyết và đam mê với ngành thực phẩm, bỏ công sức để nghiên cứu nên hiểu sát, cặn kẽ sản phẩm. Đồng thời, chính tư duy không tận dụng sản phẩm thừa để chế biến hàng sơ chế nội địa là lợi thế cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.

Tuy nhiên, bất lợi của Sài Gòn Food là còn khá trẻ so với những doanh nghiệp tiếng tăm lừng lẫy trên thị trường thực phẩm. Nói đúng ra, tên tuổi SGF còn mới mẻ với người tiêu dùng. "Nhưng chính vì sự mới mẻ này đã thôi thúc mình phải làm ra những sản phẩm mới, lạ mà những doanh nghiệp có thương hiệu họ chưa làm thì mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường", bà Lâm chia sẻ.

Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

Trở lên trên